65 năm xây dựng và trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc

Ngày đăng: 24/09/2014

Tháng 9 năm nay, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trước đây, ngày nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 65 năm truyền thống vẻ vang (1949 - 2014). Thời gian 65 năm qua, Học viện đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng và trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc. 

 Học viện Chính trị Quốc gia
Hồ Chí Minh.

Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trước kia và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay đã đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của hệ thống chính trị có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất cần thiết đáp ứng kịp thời và có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ lịch sử. Dù trong hoàn cảnh khó khăn của những ngày đầu thành lập tại núi rừng Việt Bắc, hay trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại phải sơ tán đến nhiều địa phương, mái trường Đảng vẫn duy trì nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cán bộ được học tập và rèn luyện từ mái trường này đã trở thành nguồn cán bộ quý báu lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân viết nên những trang sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh chống thực dân, đế quốc và trong xây dựng và bảo vệ đất nước, đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Học viện đã sớm chú trọng và thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, góp phần xứng đáng vào bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho quá trình hoạch định, bổ sung và phát triển quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi to lớn, trong đó có những thắng lợi mang tầm cỡ thời đại và ý nghĩa lịch sử, trước hết là nhờ có lý luận tiền phong soi đường. Đội ngũ các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, cán bộ chuyên môn của Học viện đã dày công nghiên cứu, trở thành lực lượng chủ lực giảng dạy, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin; đã đi đầu trong nghiên cứu, khẳng định và làm rõ nội dung, vai trò, vị trí và ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh; đã có các luận chứng thuyết phục trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong những năm đổi mới, kết quả nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận của Học viện đã góp phần làm rõ nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; về thời đại ngày nay và thế giới đương đại, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng… 

Học viện đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện các mặt công tác. Tổ chức, bộ máy của Học viện thường xuyên được kiện toàn kịp thời đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ mới. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ các trường chính trị tỉnh, thành phố đạt hiệu quả tốt. Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, năng động, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế của Học viện, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học. Công tác thông tin, tạp chí và xuất bản được quan tâm, đầu tư phát triển, vừa giữ vững bản chất của báo chí cách mạng, vừa ngày càng đáp ứng yêu cầu của báo chí hiện đại. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, ban, ngành phát triển mạnh mẽ, góp phần củng cố, nâng cao vai trò, vị trí và uy tín của Học viện. Công tác thông tin khoa học được tăng cường với quy mô và chất lượng mới phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập của học viên các hệ đào tạo và bồi dưỡng. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ hậu cần và hành chính có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin được xác định là một trong những phương hướng chủ đạo, đem lại cho Học viện diện mạo một trung tâm lớn đào tạo cán bộ và nghiên cứu lý luận tầm cỡ quốc gia trong thế kỷ XXI. 

Qua 65 năm liên tục phấn đấu và trưởng thành, Học viện đã tích lũy được một số kinh nghiệm. Trước hết, phải nhận thức đầy đủ và không ngừng hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Học viện, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và đất nước trong từng thời kỳ. 

Trên cơ sở bám sát những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu dạy và học tại trường Đảng, trong những năm vừa qua, Học viện đã tích cực đổi mới nội dung chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Chương trình, nội dung đào tạo vừa trau dồi kiến thức lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng, vừa bổ sung, mở rộng tri thức hiện đại cần thiết cho cán bộ, chú trọng giáo dục về khoa học và nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý; tăng cường kết hợp lý luận với thực tiễn, nhà trường với xã hội; kết hợp đào tạo chuyên môn với rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong... Nhờ vậy, các lớp học viên sau khi tốt nghiệp đã phát huy hiệu quả hơn vai trò với cương vị mới trên mọi mặt trận chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

Kinh nghiệm thứ hai là kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác của Học viện. Như chúng ta đã biết, vào những năm đầy bi kịch cuối thế kỷ XX, đã xuất hiện trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội một số biểu hiện dao động, hoài nghi về con đường xã hội chủ nghĩa. Cùng lúc ấy, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, cổ vũ hệ tư tưởng đối lập dưới nhiều biến tướng tinh vi, phức tạp. Trong hoàn cảnh đó, Học viện vẫn vững vàng, kiên quyết trong cuộc đấu tranh tư tưởng, bác bỏ các luận điệu sai trái, bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng.
 
Kinh nghiệm thứ ba là thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, vững vàng về chính trị; giỏi về chuyên môn; đoàn kết nhất trí; có cơ cấu hợp lý và phong cách, lề lối làm việc khoa học là điều kiện quyết định thành công thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị.

Từ chỗ có vài chục người khi trường mới thành lập, trong đó chỉ có 15 cán bộ nghiên cứu và giảng dạy cũng chủ yếu làm công tác giáo vụ, đến nay, toàn Học viện có gần ba nghìn cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên, trong đó có hàng trăm nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Nhờ có nguồn nhân lực như vậy, Học viện đảm nhiệm được ngày càng tốt hơn, chức năng, nhiệm vụ mới. Từ một trường chỉ huấn luyện cán bộ, đã vươn lên thành trung tâm đào tạo cơ bản và bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ thuộc cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và công chức hành chính, viên chức sự nghiệp. Từ chỗ chỉ giáo dục những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng, Học viện đã trở thành trung tâm nghiên cứu lớn, bao gồm đầy đủ các bộ môn lý luận cơ bản, các khoa học chính trị và nhiều bộ môn khoa học khác. Từ một trường trong chiến khu, đã phát triển thành một hệ thống các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học của Đảng và Chính phủ, có năng lực đối thoại, hợp tác chuyên môn, học thuật sâu rộng với nhiều đối tác quốc tế… 

Trong gần 85 năm lịch sử vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương mà nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có 65 năm cống hiến liên tục và trưởng thành.
 
Do có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Học viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh năm 1989; Huân chương Sao vàng năm 1996; Anh hùng Lao động năm 2004. Và năm 2014, Đảng, Nhà nước đã quyết định tặng Học viện danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, lần hai.

Nhìn lại truyền thống do lớp lớp cán bộ góp sức xây dựng trong 65 năm qua, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên, học viên của Học viện hôm nay có thêm niềm tin, phấn khởi, tự hào. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, với sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương, Học viện quyết tâm phấn đấu hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Nguồn: ĐCSVN/PGS,TS Nguyễn Viết Thảo