Bài học kinh nghiệm thích ứng với xu hướng già hoá dân số hiện nay ở một số nước Đông Nam Á

Ngày đăng: 17/07/2014

                                                                                                       TS. Nguyễn Quốc Anh*

1.     Đặt vấn đề

    Xu hướng già hóa dân số đang diễn ra trên toàn cầu. Châu Á là châu lục chiếm đông dân số nhất và cũng có nhiều quốc gia với tỷ lệ dân số cao tuổi cao nhất thế giới. Tiêu biểu là Nhật Bản là nước có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới, tuổi thọ bình quân năm 2010 là 83 tuổi, trong đó nam là 79 và nữ là 86. Tuổi thọ bình quân của Việt Nam hiên nay là 73 tuổi. Tỷ lệ người già 60 tuổi trở lên chiếm 31% (gấp đôi Hàn Quốc 16%; Việt Nam là 10,5%). Ở hầu hết các nước châu Á đang đứng trước thách thức dân số già hoá nhanh. Xu thế già hóa dân số tăng nhanh, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ toàn diện (CSSKTD) hiện nay là một vấn đề lớn không những tại các nước châu Á mà trên cả thế giới. Hệ thống chăm sóc y tế hoàn chỉnh phải đạt được cả về chất và lượng. Muốn vậy phải nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, hệ thống hoá các chuẩn mực kỹ thuật chăm sóc theo các qui chuẩn quốc tế. Để thực hiện vấn đề này, lực lượng Điều dường viên (ĐDV) giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu với mục tiêu chẩn đoán, điều trị, chăm sóc các nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong việc nâng cao sức khỏe, duy trì, phục hồi và dự phòng bệnh tật ở ba tuyến: Tuyến đầu, tuyến sau, và tuyến cuối kết hợp với các chuyên ngành khác trong toán chăm sóc sức khỏe (WHO, 2002). Một trong những chuẩn mực đó là trình độ chuyên môn của ĐDV trong hệ thống y tế quốc dân, một lực lượng không thể thiếu trong CSSKTD. Muốn đạt được các chuẩn kỷ thuật mong muốn cần có hệ thống đào tạo đổi mới để thu hút học viên theo học và tạo điều kiện để họ phát triển tri thức một cách toàn diện. Một trong những chỉ tiêu đảm bảo an sinh xã hội là tỷ lệ số điều dưỡng tính trên 10.000 dân. Hiện nay tỷ lệ này ở Nhật Bản là 90/10.000 dân, ở Việt Nam là 13 và Nauy là nước đạt chỉ số này cao nhất thế giới với mức 156.

2.     Bài học kinh nghiệm về mô hình đào tạo điều dưỡng viên ở các nước Đông Nam Á

     Thái Lan là một điển hình, vì cách đây không lâu hệ thống y tế của họ vốn còn lạc hậu, nhưng nhờ đổi mới không ngừng nên đã đạt chuẩn  chất lượng đào tạo được nhiều nước trên thế giới công nhận. Hệ thống giáo dục các nước ĐNA mở rộng cho mọi đối tượng không phân biệt tuổi tác, giới tính, sắc tộc. Chế độ học tự chọn; toàn thời gian (full time) hoặc bán thời gian (part time), bằng cấp đều có giá trị ngang nhau, vì các cấp học đều có chung một chuẩn mực thống nhất miễn là học viên đạt được yêu cầu tối thiểu của chuyên ngành mình học. Các nước ĐNA đưa ra mô hình đào tạo liên tục không gián đoạn, kết nối bằng hệ thống tín chỉ (credit) nhằm giảm thời gian không cần thiết cho người học đã qua kinh nghiệm tự rèn luyện nâng cao với bằng cấp ngang nhau vì cùng chuẩn đào tạo và kết thúc qua một kỳ thi nghiêm nhặt cả về vấn đáp lẫn thực hành.

        Thái Lan, Philippine có rất nhiều trường đào tạo ĐDV từ y tá, cán sự/cao đẳng  (học 1 - 2 năm; còn gọi là điều dưỡng viên kỹ thuật) đến trình độ tiến sĩ; Ở hai nước này có trên 100 trường CĐ, ĐH, mỗi cấp học có tính năng đặc thù riêng và họ có luật hành nghề điều dưỡng rất nghiêm ngặt, được kiểm soát bởi Hội đồng Điều dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế phúc lợi công cộng hoặc chính quyền địa phương.

3.     Hệ thống các cấp bậc đào tạo  

     Có nhiều cấp học và học vị được đào tạo tại Thái Lan cũng như ở một số nước ĐNA, cụ thể là:

  • Nhân viên sức khỏe cộng đồng ( community health worker ); hỗ trợ cho y tá điều dưỡng (12 + < 1 năm)
  • Y tá điều dưỡng/Nursing Assistant Diploma/ LVN/LPN (12 + < 2 năm); bổ túc cho cán sự /cao đẳng điều dưỡng.
  • Cán sự/cao đẳng điều dưỡng/Associate in Applied Science Degree /Technique Nurse (12 + 2-3 năm, hỗ trợ cho các nhân viên, cán sự điều dưỡng và các chuyên ngành khác trong chăm sóc sức khỏe.
  • Chuyên viên điều dưỡng (Nurse Practitioner/Clinical Nurse Specialist) phải có trình độ từ đại học + kinh nghiệm/sau đại học trở lên; còn gọi là Điều dưỡng viên thực hành nâng cao (Advanced Practice Nurse)         
  • Từ bậc cử nhân/cao đẳng ( học từ 2 năm trở lên được gọi là Điều dưỡng viên quốc gia/ Điều dưỡng viên có đăng ký hành nghề (Registered Nurse/ RN) …
  • Kinh nghiệm bản thân cũng được ưu tiên trong hồ sơ đề cử học nâng cao.
  • Điều dưỡng viên tuỳ theo cấp bậc và học vị có thể giữ các vị trí từ phối hợp hoặc độc lập công tác như các chuyên gia điều dưỡng lâm sàng (clinical nurse specialist );  chuyên viên điều dưỡng thực hành ( nurse practitioner ); các chuyên ngành: Sức khỏe gia đình, gây mê, nhi, lão khoa, sức khỏe phụ nữ và người lớn, …, tương đương các chuyên khoa khác của ngành y

4.     Các chuyên ngành điều dưỡng sau đại học 

    Có nhiều chuyên ngành Điều dưỡng trong hệ thống chăm sóc y tế nhưng hiện nay nhiều nước áp dụng cách phân chia thống nhất như sau: Tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng (cấp bậc chuyên viên điều dưỡng tổng quát/generalist) học thêm 1 - 2 năm chuyên ngành để trở thành các chuyên viên điều dưỡng thực hành (nurse practitioner) hoặc chuyên viên điều dưỡng lâm sàng ở bệnh viện (clinical nurse specialist). Bao gồm: Điều dưỡng tổng quát; Điều dưỡng hộ sản; Điều dưỡng gây mê; Điều dưỡng nhi; Điều dưỡng phục hồi chức năng; Điều dưỡng lão khoa; Điều dưỡng cấp cứu; Điều dưỡng nha khoa; Điều dưỡng gia đình; Điều dưỡng sức khoẻ nghề nghiệp; Điều dưỡng học đường; Điều dưỡng sức khỏe cộng đồng; Điều dưỡng du lịch; Quản trị điều dưỡng…

5.     Nhiệm vụ và vai trò mới của Điều dưỡng viên ngày nay

1/ ĐDV ngày nay đã thay đổi vai trò để trở thành các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe (healthcare provider) ngang tầm với các ngành nghề khác nếu đạt cùng chuẩn qui định.

2/ Vì vậy định nghĩa về ĐDV trong các từ điển y khoa và quốc tế cũng được xác định lại cho phù hợp với vai trò ĐDV thế kỷ 21:  “ĐDV (bao gồm cả nam và nữ) là những người có nền tảng khoa học cơ bản về điều dưỡng, đáp ứng các tiêu chuẩn được kê toa tùy theo sự giáo dục và sự hoàn thiện lâm sàng.”; (Dorland’s Medical Dictionary, edition 30th, 2006).

3/ Tuỳ theo khả năng, kinh nghiệm và học vị, ngành ĐD đã cung cấp cho xã hội các chăm sóc viên, chuyên gia, chuyên viên, giáo sư tiến sĩ, các nhà lãnh đạo tài năng trong các lỉnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu góp phần không nhỏ trong việc phục vụ sức khỏe nhân loại.  




 


6.     Xu thế phát triển nghề Điều dưỡng viên trong tương lai 

           

Tại các nước phát triển Anh, Mỹ, Canada,... cũng như các nước đang phát triển khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippine. Malaysia, ...  Điều dưỡng viên đã được nâng cao vai trò trong việc quản lý các cơ sở y tế ban đầu, bệnh viện, chăm sóc sức khỏe, tham gia khám và điều trị – chăm sóc các bệnh cấp và mãn tính theo chuyên ngành của điều dưỡng và có mặt trong hầu hết các lĩnh vực khác và là nghề đang được chú trọng phát triển nhất hiện nay.

 

Nguồn : Y khoa.net.
---

* Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NCT, Uỷ viên Ban Biên tập Trang thông tin điện tử tổng hợp Hội NCT Việt Nam.