Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Ngày đăng: 28/02/2015

Hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn chưa nhận thức đầy đủ về quyền được thông tin, nhất là quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, thậm chí là vẫn khó trong việc tiếp cận thông tin…

Ngày 27/2, tại Hà Nội, Ban soạn thảo Dự án Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) đã có phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo.

Giới thiệu về những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, Dự thảo Luật bổ sung các nguyên tắc về thực hiện và điều kiện hạn chế quyền tiếp cận thông tin phù hợp với tinh thần và quy định của Hiến pháp 2013; làm rõ chủ thể cung cấp thông tin và điều chỉnh cách xác định phạm vi thông tin được tiếp cận, thông tin hạn chế tiếp cận.

Dự thảo Luật quy định về các loại thông tin phải được công khai rộng rãi, các loại thông tin phải được công khai trên trang thông tin điện tử...

 


 
Người dân tiếp cận thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Thời báo Tài chính
).


Về cung cấp thông tin theo yêu cầu, Dự thảo Luật loại trừ những thông tin đã công bố công khai, chỉ cung cấp những thông tin chưa có khả năng, chưa có cơ hội cung cấp rộng rãi. Đặc biệt, Dự thảo Luật đặt vấn đề về thông tin hạn chế tiếp cận nhằm tránh tạo khoảng tối khiến người dân không thể biết được thông tin nào thuộc diện hạn chế tiếp cận.

Theo chuyên gia cao cấp Dương Thị Thanh Mai, hiện nay nhu cầu thông tin ngày càng lớn, đa dạng, tập trung trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức như đất đai, môi trường, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục… Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức, cán bộ công chức đều chưa nhận thức đầy đủ về quyền được thông tin, nhất là quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin; thông tin phải công khai theo quy định của pháp luật vẫn khó, thậm chí không thể tiếp cận với nhiều cá nhân, tổ chức…

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Thị Nhị Thủy đề xuất, những thông tin do tất cả các cơ quan nhà nước tạo ra đều cần phải được công khai rộng rãi hoặc cung cấp theo yêu cầu. Lý giải cho đề xuất trên, bà Thủy cho rằng việc bảo đảm quyền TCTT của công dân thuộc về trách nhiệm của Nhà nước, của hệ thống các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, những thông tin mà người dân quan tâm hiện nay vẫn là các thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và các thông tin này hầu hết do các cơ quan nhà nước nắm giữ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi lại nêu quan điểm, nên chăng chưa mở rộng phạm vi các loại thông tin được tiếp cận. Theo đó, trước tiên chỉ đặt ra với những thông tin quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, những thông tin ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, sau đó mới mở rộng để phù hợp với trình độ phát triển của đất nước và trình độ dân trí.

Nhấn mạnh đây là lần đầu tiên sẽ ban hành Luật TCTT, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý, cần đề cao tính khả thi, nghiên cứu đến khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước. Trong đó, cần quan tâm đến vấn đề chủ động công bố thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin chính thống, góp phần triển khai thi hành Hiến pháp 2013…/.

Nguồn: ĐCSVN/ Thu Hằng