Bộ trưởng Cao Đức Phát: Nỗi lo lớn nhất là tiêu thụ, khó nhất là chế biến
Sáng 11/6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giải đáp nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến giải pháp ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, liên kết “4 nhà” trong phát triển bền vững các loại cây công nghiệp…
|
|
Không thể kỳ vọng luôn có một thị trường ổn định về giá
Là người mở màn chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu (ĐB) Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn đâu là giải pháp cho ổn định đầu ra của sản phẩm nông nghiệp?
Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu thực trạng tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái; nông dân chạy theo phong trào, nên cung vượt cầu, được mùa thì rớt giá gây khó khăn cho người nông dân.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, nền nông nghiệp trong nước đang thực hiện theo cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường và phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường thế giới, mà thị trường thế giới thì luôn có sự thay đổi. “Chúng ta không thể kỳ vọng luôn có một thị trường ổn định về giá, với mức giá thu mua cao mãi được, nên cần tìm cách thích ứng với thị trường" – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Cũng theo Bộ trưởng, kinh nghiệm hơn 20 năm qua cho thấy, cách tốt nhất là phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của nước ta, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn, giá hạ hơn để trong mọi tình huống của thị trường thì nông sản nước ta vẫn cạnh tranh cao, bán được với giá có lợi cho nông dân. Theo Bộ trưởng, hiện tại, với những diễn biến mới, thì về cơ bản vẫn nên tiếp tục cách tiếp cận đó.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh: “Nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là tiêu thụ nông sản, cái khó nhất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là chế biến, giống” khi trả lời ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm về khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp phải là “nhạc trưởng”
Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) và ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt vấn đề về hiệu quả của việc liên kết 4 nhà trong nông nghiệp chưa thành công. "Thậm chí có chuyên gia cho rằng, chủ trương này thất bại hoặc bị lãng quên. Giải pháp đột phá của Bộ trưởng là gì?; trong 4 nhà, nhà nào là nhạc trưởng?" - ĐB Nguyễn Văn Tuyết chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chủ trương liên kết 4 nhà được đưa ra 10 năm nay. Trên thực tế như lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, trồng mía đường… thì sự liên kết thực hiện phổ biến. Những lĩnh vực không nhất thiết cần sự liên kết với doanh nghiệp thì sự kết nối lỏng lẻo hơn.
Với câu hỏi, ai là chính trong "4 nhà"?, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, đó là doanh nghiệp. Về nguyên nhân tại sao chưa thành công trong liên kết, Bộ trưởng giải thích do doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, doanh nghiệp tiềm lực có thể liên kết và thực hiện liên kết không nhiều. Khi liên kết, cơ chế khâu trung gian gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân như tổ hợp tác, HTX còn yếu.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo sâu sát, những tiêu chí đưa ra như cánh đồng lớn còn chưa cụ thể.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để phát huy hơn nữa hiệu quả liên kết "4 nhà" trong thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, cần tiếp tục khuyến khích nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; có những điều kiện để phát triển mạnh mẽ các tổ hợp tác, HTX hỗ trợ nông dân trong mối liên kết này. Sự sâu sát hơn của chính quyền cũng là yếu tố rất quan trọng.
Phải bảo vệ đất lúa
Việc làm giàu từ đất lúa, giữ đất lúa cũng là một trong những vấn đề được nhiều ĐB đặt câu hỏi với người đứng đầu ngành nông nghiệp.
ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) đặt vấn đề, xuất khẩu hiện nay chủ yếu là xuất gạo thấp cấp, trung bình trong khi nhu cầu nhập khẩu lại muốn nhập loại gạo chất lượng cao nên giá gạo ViệtNamthấp nhất trên thị trường. “Có ý nghĩa gì khi đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo nhưng nông dân vẫn nghèo? Trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp gì, bao giờ người nông dân sống và làm giàu được với nghề trồng lúa?” – ĐB chất vấn.
Trả lời đại biểu Lê Công Đỉnh, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, phát triển sản xuất lúa gạo vừa để đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập. “Theo các nhà nghiên cứu thì để một hộ trồng lúa sống bằng thu nhập từ lúa phải có ít nhất 2 ha, nhưng ở ta mỗi hộ trồng lúa chưa có đến nửa ha đất lúa. Ở Hậu Giang trung bình được 0,8ha/hộ, vụ Hè Thu này ở Hậu Giang hiện mỗi cân lúa lãi được 1.000 đồng, dù năng suất cao hơn năm ngoái nhưng tính ra chỉ được 5 triệu đồng/hộ. Vì vậy nói làm giàu từ lúa là rất khó” – Bộ trưởng chia sẻ.
ĐB Nguyễn Thúy Hoàng (Thái Bình) nêu vấn đề, hiện nay ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Thái Bình, nông dân không thiết tha với đất lúa do hiệu quả không cao. Chính phủ đã có nghị định bảo vệ đất lúa, vậy tiêu chí như thế nào để được hỗ trợ?
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời, Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý đất lúa, trong đó đưa ra những chính sách để ngăn cản việc chuyển đổi dễ dãi từ đất lúa sang mục đích khác, nhất là mục đích phi nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, nhờ nghị định đó, từ mỗi năm chuyển 35 nhìn ha đất lúa sang mục đích khác thì nay giảm còn 10-15 nghìn ha đất chuyển đổi.
“Với tôi đất lúa là di sản của dân tộc, đây là nguồn sống nên phải bảo vệ…, nhưng chúng tôi nói rõ ràng giữ đất lúa nhưng có thể trồng các cây khác có thu nhập cao hơn” – Bộ trưởng khẳng định./.
Nguồn: ĐCSVN/ Kim Thanh
- Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam kí kết chương trình hợp tác
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kí kết Chương trình phối hợp với Hội NCT Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026
- Trung ương Hội NCT Việt Nam làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
- Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: Chúc mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6)
- Chủ tịch nước thăm, tặng quà người cao tuổi tỉnh Hải Dương
- Trung ương Hội NCT Việt Nam: Gặp mặt 81 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam, Ngày NCT Việt Nam (6/6/1941-6/6/2022)
- Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 - 2026