Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đổi mới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đem lại nhiều kết quả tích cực

Ngày đăng: 12/06/2015

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa có văn bản gửi các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Giải thích vì sao phải đổi mới phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc tổ chức liên tiếp các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ như những năm qua đã gây nhiều áp lực cho học sinh và tốn kém cho xã hội. Hơn nữa, theo Luật Giáo dục đại học, các trường ĐH, CĐ tự chủ trong tuyển sinh nên không thể tiếp tục duy trì 2 kỳ thi như trước kia.

 


Ảnh minh họa. Nguồn: VA


Từ năm 2015 tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh.

Cùng với việc đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy và học, thi, kiểm tra đánh giá, trong những năm qua, việc đổi mới tổ chức kỳ thi THPT năm 2015 đã có tác dụng làm giảm rõ rệt việc dạy thêm, học thêm và luyện thi.

Trước đây, để dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ, học sinh phải thi nhiều đợt (1 đợt thi tốt nghiệp và 3 đợt thi tuyển sinh); khi thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh phải về trường ĐH, CĐ hoặc về 1 trong 4 cụm thi để dự thi và phần lớn phải di chuyển rất xa về các thành phố lớn (nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng), gây khó khăn, tốn kém cho gia đình và xã hội.

Năm nay, với việc chỉ tham dự một kỳ thi và số cụm thi tăng (từ 4 cụm lên 38 cụm), khoảng cách đi lại cũng gần hơn và như vậy sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí ăn ở, đi lại cho học sinh và gia đình.

Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ tránh được việc tập trung đông người tại các thành phố lớn, vì vậy sẽ làm giảm áp lực về giao thông và công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Thí sinh dự thi trước, sau khi có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển sinh vào các trường phù hợp, do đó giảm được áp lực và rủi ro cho thí sinh, đồng thời giảm các trường hợp thí sinh thi có kết quả cao nhưng vẫn trượt đại học, cao đẳng như những năm trước.

Bộ trưởng thông tin, theo số liệu đăng ký dự thi, năm 2015 sẽ có khoảng 27% học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT (so với 20% thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT năm 2014), bước đầu thực hiện tốt việc phân luồng học sinh.

Bộ trưởng cũng khẳng định, công tác chuẩn bị thi đã hoàn tất; cùng với đó các công việc hỗ trợ cho thí sinh đã sẵn sàng.

Để công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng đáp ứng được thay đổi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng xây dựng phương án xét tuyển và công bố công khai để thí sinh được biết.

Trong năm 2015, hầu như tất cả các trường ĐH, CĐ đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, trong đó, hơn 200 trường ĐH, CĐ chỉ xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia; 179 trường vừa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, vừa xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT.

Bên cạnh kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức, một số trường có phương thức tuyển sinh như: Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; sơ tuyển và tổ chức xét tuyển cho các thí sinh của Trường ĐH FPT; hậu tuyển của Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí - Tuyên truyền… nhằm tổ chức đánh giá bổ sung, kết hợp với kết quả thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng để chỉ đạo công tác tổ chức thi xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch.

“Bộ GD&ĐT sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2015 để hoàn thiện và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo hướng ổn định ở những năm tiếp theo; đồng thời xây dựng đề án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới (dự kiến áp dụng từ sau năm 2021)”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định./.

Nguồn: ĐCSVN/ Mỹ Anh