"Bù đắp những năm tháng tuổi xuân vất vả"
Về xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh hỏi ông Nguyễn Văn Cầm, ai cũng trầm trồ cảm phục. Đã 21 năm qua, thương binh bậc 4/4 này cần mẫn, kiên trì chăm sóc người vợ bị bại liệt với tất cả tấm lòng yêu thương và trách nhiệm, mà hàng xóm không nghe thấy những lời ca thán hay to tiếng của vợ chồng ông...
Ông Nguyễn Văn Cầm bên người vợ bị bại liệt đã 21 năm
Ông Cầm sinh năm 1939 ở thôn Thanh Hà, hiện thường trú tại thôn Cáp Thủy, xã An Thịnh. Ông nhập ngũ tháng 8/1964, được biên chế vào Tiểu đoàn 24 Quân khu Tây Bắc, là chiến sĩ thông tin hữu tuyến, chuyên đi rải dây thông tin phục vụ các đơn vị pháo cao xạ. Tháng 1/1968, ông được cử vào Nam trong đội hình Tiểu đoàn 16 làm nhiều nhiệm vụ. Năm 1975, ông cùng đơn vị tiếp cận cầu Cỏ May nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Sài Gòn. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị ông được lệnh ra Bắc, đóng tại Nghĩa Hồ, Lục Ngạn, nhận nhiệm vụ trồng rừng và làm đường… Tháng 8/1978, lên Lạng Sơn, củng cố quân sự, đến tháng 2/1979, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc.
Trải qua nhiều đơn vị, nhiều cương vị công tác, tham gia nhiều trận đánh cam go, ác liệt rồi bị thương, tháng 7/1985, ông nghỉ hưu tại quê nhà. Khi ấy, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Năm 1994, trong một trận cảm, bà Nguyễn Thị Huyên, vợ ông bị liệt. Gia đình tìm mọi cách chữa trị, nhưng bà không đi lại được nữa, phải nằm một chỗ, mọi việc sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh… đều phải có người trợ giúp. Để các con yên tâm công tác và chăm sóc gia đình, ông đảm nhiệm phần lớn việc chăm sóc bà. Ngày ngày, ông chu toàn từ dọn dẹp chỗ ăn nằm, nấu cháo, cho ăn, xoa bóp, tắm rửa cho bà, đáp ứng mọi yêu cầu của bà không một lời kêu ca, phàn nàn. Ông thương bà trải qua những năm tháng tuổi xuân đằng đẵng chờ chồng, nuôi con một mình. Đến khi gia đình sum họp, kinh tế tạm ổn, tưởng có điều kiện vui thú tuổi già thì lại mắc bệnh. Ông bảo: "Cả đời bà ấy hi sinh cho chồng, cho con. Tôi sẽ phục vụ bà đến tận khi không còn thở nữa mới thôi. Tôi muốn bù đắp cho bà những năm tháng tuổi xuân vất vả".
Niềm an ủi lớn lao của ông bà là 5 con đều trưởng thành, có gia đình riêng. Ông thường giáo dục con cháu cố gắng học tập, rèn luyện để có kiến thức xây dựng quê hương, làm vui lòng bố mẹ và thận trọng cân nhắc từng hành động của mình, trở thành tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo. Các con ông là những giáo viên, công nhân, công dân tốt, thường xuyên hỗ trợ bố mẹ trong cuộc sống, sinh hoạt; 2 cháu nội, 7 cháu ngoại đều chăm ngoan, lễ phép, hiếu thảo.
Bí thư Chi bộ thôn Cáp Thủy Trần Văn Dương cho biết: "Ông Nguyễn Văn Cầm từng là Bí thư Chi bộ thôn Châu Thủy (hai thôn Lôi Châu, Cáp Thủy ngày nay), Chi hội trưởng CCB đầu tiên của thôn, cán bộ Mặt trận có uy tín, làm việc gì cũng hết lòng, đầy trách nhiệm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao… Gia đình ông luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Hiện ông vẫn lao động sản xuất, sinh hoạt chi bộ, tham gia các đoàn thể Cựu chiến binh, NCT. Ông được tặng Huy hiệu 30, 40 năm tuổi Đảng; nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen, Kỉ niệm chương… của các cấp, các ngành".
Hiện Nhà nước hỗ trợ vợ chồng ông hơn 600 nghìn đồng/tháng. Với đồng trợ cấp ít ỏi cùng sức lao động và trợ giúp của các con, ông bà có thể tạm sinh hoạt. Song điều ông mong mỏi nhất hiện nay là sửa ngôi nhà dột nát đang xuống cấp, chính quyền địa phương đã duyệt hồ sơ mà chưa thực hiện được.
- Một gia đình rất cần được giúp đỡ
- Cụ Chấm hoàn cảnh khó khăn nuôi con tâm thần
- Bà Hải tai biến nằm liệt giường
- Cảm ơn tấm lòng thơm thảo của ông Nguyễn Văn Hội
- Bà Tâm nghèo ốm bệnh tật cần được giúp đỡ
- Bà Phổ khó khăn nuôi con tâm thần
- Cứu giúp ông Dẹ ốm nằm liệt giường
- Bố mẹ thần kinh nuôi con bằng rau dại
- Mẹ nghèo tàn tật nuôi hai con chạy thận nhân tạo
- Bà Hợi sống trong căn lều tạm ở bụi tre