Chỉ số đánh giá chất lượng sống của người cao tuổi
Già hóa dân số là một trong các khuynh hướng nhân khẩu học nổi bật của thế kỷ 21. Già hóa dân số tạo ra những thách thức về xã hội, kinh tế và văn hóa nhưng cũng là những cơ hội vô cùng to lớn đối với mỗi cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Hiện nay cứ 10 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên, dự đoán đến năm 2050 cứ 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Chính vì vậy già hóa dân số là một vấn đề xã hội cần được đặc biệt quan tâm.
Dân số Việt Nam cũng đang già hóa một cách nhanh chóng, do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Khuynh hướng nhân khẩu học này là một trong những thành tựu to lớn đối với Việt Nam, liên quan tới những cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, già hóa dân số một cách nhanh chóng cũng tạo ra những thách thức lớn đối với Việt Nam. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao. Theo số liệu Điều tra biến động dân số 1.4.2011, tỷ lệ người từ trên 60 tuổi là 10,2%. Tỷ lệ người trên 65 tuổi là 7,0%, như vậy dân số Việt Nam đã chính thức bước vào già hóa dân số và sớm hơn 6 năm so với dự báo từ kết quả TĐTDS năm 2009.
Chỉ số đánh giá chất lượng cuộc sống người cao tuổi
Để đánh giá mức độ già hóa dân số, trong thống kê dân số học đã có những chỉ số như: Tỷ trọng người cao tuổi trong tổng số dân số; Chỉ số già hóa dân số; Tỷ lệ phụ thuộc già, nhưng những chỉ số này thiên về đánh giá số lượng người cao tuổi, trước tình hình già hóa dân số hiện nay các nhà chuyên môn mong muốn xây dựng, phát triển các bộ chỉ số dánh giá về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Điều này cũng tương tự như các nhà lập pháp, hoạch định chính sách xây dựng bộ luật người cao tuổi, đồng thời lại xây dựng thêm luật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như đã hình thành ở một số quốc gia.
Chỉ số đánh giá chất lượng cuộc sống người ca tuổi (Global AgeWatch Index) được Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) và Tổ chức vận động quyền lợi cho người cao tuổi (HelpAge International) xây dựng, tổng hợp và công bố để đánh dấu kỷ niệm Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10). Kết quả nghiên cứu sử dụng 13 chỉ tiêu khác nhau, trong đó có các lĩnh vực như, thu nhập, việc làm, y tế, giáo dục và môi trường. Đây cũng là lần đầu tiên một báo cáo được xây dựng trên phạm vi toàn cầu.
Bản đồ biểu thị chất lượng sống của người già tại các nước
Nguồn: Helpage.org
Các chỉ thị màu cho biết mức độ đánh giá từ tốt nhất (màu xanh) đến tệ nhất (màu đỏ). Chỉ số đánh giá cho thấy Thụy Điển là nơi tốt nhất thế giới để an dưỡng khi về già, trong khi Afghanistan là nơi tệ nhất, theo nghiên cứu do Liên Hiệp Quốc tài trợ.
Năm nay, Bảng thống kê Global AgeWatch Index nghiên cứu chất lượng sống của người già ở 91 quốc gia. Na Uy và Đức đứng đầu danh sách, trong khi Anh quốc xếp hạng thứ 13. Việt Nam xếp hạng thứ 53 trong danh sách này, thua 18 bậc so với Trung Quốc, 11 bậc so với Thái Lan, 9 bậc so với Philippines. Việt Nam cũng vượt Indonesia 18 bậc trong bảng xếp hạng, nhờ tuổi thọ trung bình cũng như tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi cao hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ số theo xếp hạng cũng cần lưu ý vì chỉ số được đánh giá toàn diện trên nhiều vấn đề của người cao tuổi, mà những vấn đề về an sinh xã hội khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ như Việt Nam xếp cao hơn Hàn Quốc 13 bậc, vì Hàn Quốc có chương trình tìm việc làm cho NCT, xã hội Hàn Quốc là xã hội phát triển do vậy việc tìm được việc làm phù hợp với ý thích, sở trường, nguyện vọng của NCT là khó nên người cao tuổi tại Hàn Quốc bị đánh giá là rất khó tìm việc làm. Trong khí đó Việt Nam với 70% NCT sống ở nông thôn, nói chung mọi người vẫn tham gia làm việc hoặc công việc gia đình giúp cho con cháu, nên phần lớn đều có việc làm.
Nghiên cứu cũng cảnh báo nhiều nước không có sự chuẩn bị cần thiết trong khi tuổi thọ trung bình của dân số ngày càng cao. Đến năm 2050, số người cao tuổi sẽ lớn hơn số người dưới 15 tuổi. Các nước đang phát triển sẽ là nơi tập trung nhiều người cao tuổi nhất.
Bảng xếp hạng chất lượng sống của người cao tuổi tại 91 quốc gia
Chất lượng cuộc sống NCT không chỉ phụ thuộc vào thu nhập
Các tác giả của công trình nghiên cứu nêu lên nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với dân số già với tốc độ rất nhanh. "Việc liên tục loại trừ vấn đề tuổi già ra khỏi các cuộc thảo luận trên phạm vi quốc gia và toàn cầu là một trong những trở ngại lớn nhất trước việc đáp ứng nhu cầu của dân số già trên thế giới". Bà Silvia Stefanoni, giám đốc điều hành của HelpAge International, bình luận, "Bằng cách để chúng ta hiểu tốt hơn về chất lượng cuộc sống của phụ nữ và đàn ông khi về già, bảng chỉ số thống kê hướng sự tập trung của chúng ta vào những lĩnh vực đã có tiến triển tốt, cũng như những gì cần được cải thiện."
Trong lúc Thụy Điển xếp đầu danh sách, Afghanistan bị xếp cuối bảng. 20 nước dẫn đầu bảng xếp hạng chủ yếu là các nước Tây Âu và Hoa Kỳ, cùng với Nhật, Úc và Chile. Thu nhập không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng. Những nước như Sri Lanka, Bolivia và Mauritius được xếp cao hơn nhiều quốc gia giàu có. Nhiều quốc gia phát triển nhanh bị xếp thấp hơn những nước khác, ví dụ như Nga (78), Ấn Độ (73), Thổ Nhĩ Kỳ (70), đều xếp hạng thấp, trong khi Brazil (31) và Trung Quốc (35), đã được xếp cao hơn.
Chỉ số đánh giá chất lượng cuộc sống người cao tuổi
Tuổi thọ trung bình của con người đang tăng lên nhanh chóng, tuy nhiên chúng ta mong đợi sẽ có một cuộc sống như thế nào khi bước vào tuổi 60, 70 hay 80? Mọi người trên thế giới trải nghiệm nửa phần đời sau của mình như thế nào? Chỉ số mới cho phép bạn khám phá những câu hỏi này và tìm hiểu điều gì đang xảy ra tại đất nước của bạn.
Chỉ số Đánh giá Chất lượng Cuộc sống Người cao tuổi 2013 là công cụ đầu tiên đo lường chất lượng cuộc sống và sức khỏe người cao tuổi trên toàn thế giới. Nó đáp ứng nhu cầu cấp bách nhằm phản ánh tình trạng đói nghèo và phân biệt đối xử mà rất nhiều người cao tuổi toàn cầu gặp phải và chứng minh rằng còn nhiều việc phải làm. Điều thú vị và mới về chỉ số này là không chỉ đề cập tới các vấn đề y tế và thu nhập, triển vọng nghề nghiệp và giáo dục của người cao tuổi, mà còn phản ảnh về việc NCT cảm thấy được ủng hộ bởi gia đình, chính phủ và cộng đồng như thế nào. Những vấn đề này cũng quan trọng đối với người cao tuổi y như với các bậc phụ huynh, trẻ em và thanh thiếu niên.
Cấu trúc dân số thế giới đang đổi thay
Cấu trúc dân số thế giới đang thay đổi. Hiện nay có nhiều người trên 60 tuổi hơn số trẻ em dưới 5 tuổi, trong vòng 2 thế hệ nữa sẽ có nhiều người trên 60 hơn trẻ em dưới 15 tuổi. Nhiều quốc gia đang già hóa dân số, trong khi các nước khác đang phải vật lộn với khủng hoảng thừa lao động trẻ (Spiralling youth: Tình trạng nhân lực trẻ bị thất nghiệp trên diện rộng, tăng dần theo hình xoáy ốc) và dân số già. Hiện nay Nhật Bản là quốc gia duy nhất có 30% dân số trên 60 tuổi, nhưng đến năm 2050, 64 quốc gia nữa sẽ bước vào ngưỡng này, bao gồm cả Nga, Ukraine, Việt Nam, Jordan và Nicaragua. Tại các đất nước khác như Eritrea, Kenya và Cameroon, số người trẻ (dưới 15) sẽ giảm trong giai đoạn từ 2012 đến 2050, nhưng vẫn ở mức cao (khoảng 30%) và cùng lúc tỷ lệ người trên 60 tuổi sẽ ở mức khoảng 8-9%.
Từ chiếc nôi cho đến nấm mộ
Cách duy nhất để giải quyết vấn đề thành công là phải thấu hiểu được những gì đang xảy ra. Chúng ta cần những giải pháp mới, có tác dụng từ khi con người sinh ra cho đến khi mất đi. Như những đổi mới về giáo dục, môi trường làm việc và hệ thống bảo hiểm xã hội để giúp đỡ trẻ em ở thế kỷ 20, bây giờ là thời điểm dành cho những cải cách triệt để nhằm điều tiết số lượng người cao tuổi đang tăng lên từng ngày. Lấy một ví dụ: 60-80% người trên 60 tuổi ở ẤnĐộ, Ghana và Nam Phi mắc chứng cao huyết áp nhưng chỉ có 5% được chữa trị. Tại sao chúng ta có những chương trình phòng ngừa hiệu quả và có kế hoạch dành cho trẻ em – một thành tựu y tế công cộng tuyệt vời ở rất nhiều quốc gia – nhưng không hề có những thứ tương tự cho người cao tuổi? Điều cần thiết bây giờ là những bộ luật, kế hoạch và nguồn kinh phí mới. Hiện nay, khoảng 100,000 nam giới và phụ nữ cao tuổi tại 58 quốc gia đang kiến nghị với Chính phủ nhằm thúc đẩy vấn đề với tư cách là thành viên của Phong trào đòi quyền cho người cao tuổi (Age Demands Action). Trong 5 năm vừa qua, cuộc vận động phong trào này đã đạt được nhiều thay đổi về chính sách mà khả năng sẽ giúp đỡ được trên 10 triệu người cao tuổi.
Chỉ số Đánh giá Chất lượng Cuộc sống Người cao tuổi cho thấy một bức tranh toàn cảnh về NCT trên thế giới và cho phép so sánh giữa các quốc gia, giúp chúng ta thấy được những thành tựu và thách thức. Nó là một bảng liệt kê những mục cần kiểm tra và đồng thời là bảng điểm đánh giá các tổ chức người cao tuổi, phương tiện thông tin đại chúng và giới chính khách. Hiện nay đã tính toán được cho người cao tuổi tại 91 quốc gia đang sống ra sao so với những người khác.
Hãy tiếp tục sự nghiệp vì già hóa dân số
Chỉ số Đánh giá Chất lượng Cuộc sống Người cao tuổi đại diện cho một sự khởi đầu. Trong vòng nhiều năm sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng những bộ số liệu tốt hơn để có nhiều quốc gia hơn nữa có mặt trong bảng Chỉ số, để nhìn ra sự già hóa ảnh hưởng đến nam và nữ khác nhau như thế nào và phạm vi chỉ tiêu rộng hơn nhằm có được một bức tranh toàn cảnh sâu hơn và chi tiết hơn về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Nhóm dân số này có ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi được coi là nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.
Theo số liệu của Điều tra người cao tuổi Việt Nam năm 2011, 39% hiện vẫn đang làm việc, tỷ lệ người cao tuổi ở vùng nông thôn và phụ nữ cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động cao hơn đáng kể so với người cao tuổi sinh sống tại các khu vực đô thị và nam giới cao tuổi. Tuy nhiên hầu hết người cao tuổi đang tự tạo công ăn việc làm trong nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định. 17% người cao tuổi thuộc diện nghèo. Phụ nữ cao tuổi, phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dễ rơi vào nghèo đói hơn so với nam giới cao tuổi, hoặc so với người cao tuổi sinh sống ở thành thị và những người cao tuổi là người Kinh, và tuổi càng cao thì họ càng dễ rơi vào cảnh nghèo đói.
Chăm sóc người cao tuổi là một chính sách quan trọng mà Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Kể từ khi Hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1946, vấn đề người cao tuổi đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách và các chương trình kinh tế và xã hội của Việt Nam. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đầu tư cho y tế, giáo dục, sự tham gia và công việc ổn định cho thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ người cao tuổi trong tương lai. Năm 2012 đã đánh dấu kỷ niệm 10 năm Chương trình Hành động Madrid về Người cao tuổi. Chúng ta cần phải tận dụng cơ hội này để khẳng định cam kết trong việc giải quyết những thách thức của vấn đề già hóa dân số, củng cố đối thoại, tăng cường hợp tác và xây dựng các chương trình và chính sách giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người thuộc mọi thế hệ.
TS. Nguyễn Quốc Anh
(Nguồn: Tạp chí Dân số & Phát triển Số 8 (149))
- Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào Nguyễn Du
- Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11
- Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc
- Hà Nội công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin
- Việt Nam giành 6 Huy chương Olympic Toán học quốc tế
- Hội thảo Lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
- Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số
- Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2015: Hội thảo 'Tứ ngũ đại đồng đường'
- Phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp vào nông nghiệp
- Báo chí cách mạng không thể tránh né những vấn đề 'nhạy cảm'*