Có chế tài mạnh để dẹp bỏ mũ bảo hiểm kém chất lượng
Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Khoá XII, Kì họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008 và được Chủ tịch nước kí Lệnh công bố ngày 28/11/2008.
Để Luật GTĐB thực sự đi vào cuộc sống, cuốn sách “Những vấn đề cơ bản của Luật GTĐB năm 2008″ do Bộ GTVT ấn hành quy định: “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô hai bánh, xe mô-tô ba bánh, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH) có cài quai đúng quy cách”. Ngày 28/2/2013, các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp máy quy định kiểu dáng, cấu tạo, tính năng MBH và chiếc mũ đó phải được gắn dấu hợp quy CR. Trách nhiệm của các bộ khá cụ thể, nhân dân rất đồng tình.
Từ ngày Thông tư liên tịch số 06/2013 có hiệu lực thi hành (15/5/2013) đến nay đã tròn 1 năm. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi xung quanh cái MBH được nêu ra. Nào MBH rởm, phạt ai? Ai chịu trách nhiệm? Có nên phạt người đội MBH rởm? Các tổ chức, các cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH có nghiêm túc thực hiện những quy định của Thông tư liên tịch 06 không? 4 Bộ ra TT06/2013 có làm tròn trách nhiệm được giao không?…
Do quản lí nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán mũ bảo hiểm không tốt nên có nhiều loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm nhưng là mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn, người dân rất khó phân biệt, thậm chí cũng rất khó đối với cả lực lượng Cảnh sát Giao thông. Do đó, quy định buộc người dân phải biết mũ thật, mũ giả và là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính là thiếu thuyết phục. Thời gian đầu thực hiện Thông tư chỉ trong 15 ngày ra quân, quản lí thị trường của một thành phố lớn, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm, thu giữ trên 10.000 MBH rởm, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Ngoài biện pháp hành chính, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia kêu gọi 67 doanh nghiệp sản xuất MBH trong cả nước tham gia chương trình đổi MBH rởm lấy mũ bảo hiểm đạt chất lượng. Đây là một trong những hành động thiết thực bảo vệ an toàn tính mạng cũng như tránh tình trạng mua phải hàng giả của những người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, chuyện đổi mũ rởm lấy mũ có dán tem hợp quy cũng còn nhiều điều đáng nói. Một số đại lí bán bảo hiểm dân sự xe cơ giới thông báo “Mua bảo hiểm dân sự xe cơ giới 2 năm liền một lần sẽ được tặng 1 MBH”. Thấy “lợi cả đôi đường”, nhiều người mua để được tặng mũ. Về nhà kiểm tra mới biết mũ được tặng là mũ dởm. Đó là chưa kể tình trạng mất mũ bảo hiểm tại các bãi gửi xe, thậm chí là nhà để xe của nhiều cơ quan, nhà máy, xí nghiệp cũng không tránh được tình trạng này. Nghĩ cũng xót xa: Làm một ngày, được trên dưới 100.000 đồng mà mất toi 200.000 đồng mua mũ. Hôm sau đội chiếc mũ mới mua đến công ty, vẫn lo ngay ngáy. Chẳng lẽ mỗi ngày phải mua một chiếc mũ mới, hay đi đến đâu cũng kè kè chiếc MBH. Vậy nên, để tránh “thất thoát” tài sản, nhiều người đành tặc lưỡi đội MBH rởm.
Để toàn dân tự giác đội MBH đạt chất lượng, không chỉ tuyên truyền đến những người tham gia giao thông mà cần sự vào cuộc của các cấp, ngành; từng cơ quan, xí nghiệp… và có chế tài xử phạt thật nặng những hành vi sản xuất, mua bán MBH kém chất lượng.
Cao Bá Khoát (Thôn Nam Long, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình).
Nguồn: Báo Người cao tuổi/Số báo 86 ra ngày 29/5/2014.
- Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lí cho người nghèo và đối tượng yếu thế tại Việt Nam
- Nghỉ hưu sớm có bị trừ tỉ lệ tính lương hưu ?
- Người về hưu đi làm có phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
- NCT chỉ được hưởng một loại trợ cấp xã hội
- NCT có nên tham gia BHXH tự nguyện không
- Quy định về quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
- NCT cô đơn là hộ nghèo được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng
- Chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội không đúng bị xử phạt như thế nào ?
- NCT nào đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội
- Ngược đãi, chửi bới bố mẹ già có thể bị phạt tù đến 5 năm