Công tác xã hội: Cần chiến lược dài hạn làm chậm lại già hóa dân số
Chia sẻ kinh nghiệm về già hóa dân số, về xây dựng mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội; chiều 17/9, Hội nghị bên lề với chủ đề “Thích ứng với già hóa dân số, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về chính sách và hành động”, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ thực tế của các nước ASEAN về chính sách và hành động chăm sóc, phát huy vai trò NCT.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, tỉ lệ NCT ở Việt Nam tăng nhanh; phần lớn NCT sống ở nông thôn. Tốc độ đô thị hóa và xu hướng cấu trúc gia đình thay đổi nhanh khiến NCT đang đối mặt với các vấn đề về chăm sóc và phụng dưỡng. Mặc dù thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta và ngành Y tế có nhiều chính sách và tổ chức triển khai nhiều giải pháp và các hoạt động nhằm chăm sóc, phụng dưỡng NCT, hạn chế tốc độ già hóa dân số. Tuy nhiên, hệ thống y tế – lão khoa chưa đầy đủ và trang bị chưa đáp ứng được để giải quyết các bệnh mạn tính. Đặc biệt, hiện nay NCT nghèo và NCT sống ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết.
Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Thời gian chuyển từ giai đoạn “Già hóa dân số” sang “Dân số già” của Việt Nam là 17 – 20 năm, ngắn hơn nhiều nước, kể cả các quốc gia có trình độ phát triển hơn. Tuổi thọ của nhóm dân số ở độ tuổi hơn 60 rất cao và ngày càng tăng. Ở Việt Nam, hơn 70% NCT vẫn phải tự lao động kiếm sống với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình; tình trạng NCT sống độc thân (không có vợ hoặc chồng) chiếm tỉ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống li hôn, li thân cao gấp 2,2 lần so với nam giới (năm 2009). Đặc biệt, tuy tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật cũng cao, như gánh nặng bệnh tật kép với khoảng 95% NCT có bệnh và chủ yếu là bệnh mạn tính, không lây truyền…
Các đại biểu dự hội nghị còn tập trung thảo về luận chính sách và hành động thích ứng với già hóa dân số; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng… Theo Tiến sĩ Aparnaa Somanathan (Ngân hàng Thế giới): Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có tốc độ già hóa dân số nhanh. Mức độ bệnh tật đánh giá khả năng hoạt động, sinh hoạt hằng ngày tăng theo tuổi và có sự bất công bằng; đặc biệt là các bệnh trạng liên quan đến sức khỏe tâm thần như trầm cảm, giảm trí nhớ là nguyên nhân chính khiến bệnh tật tăng theo tuổi. Ông đề xuất chiến lược, chính sách cho Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương gồm: Phối hợp đa ngành trong các hoạt động như nâng cao chất lượng bữa ăn, tăng cường vận động; xử lí, phòng chống nguy cơ tim mạch; cải cách hệ thống khám, chữa bệnh; tăng giá trị đồng vốn đầu tư cho hệ thống y tế… Thời gian tới, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn làm chậm lại tốc độ già hóa dân số và thời gian chuyển đổi từ “Già hóa dân số” sang “Dân số già”.
Mai Phương (Nguồn: Báo NCT)
- Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào Nguyễn Du
- Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11
- Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc
- Hà Nội công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin
- Việt Nam giành 6 Huy chương Olympic Toán học quốc tế
- Hội thảo Lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
- Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số
- Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2015: Hội thảo 'Tứ ngũ đại đồng đường'
- Phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp vào nông nghiệp
- Báo chí cách mạng không thể tránh né những vấn đề 'nhạy cảm'*