Đa dạng văn hóa vì đối thoại và phát triển
Trong những năm trở lại đây, quốc tế hóa và toàn cầu hóa đang trở thành xu thế nổi bật trong đời sống quốc tế. Trong bối cảnh ấy, văn hóa nổi lên thành một vấn đề trung tâm của thời đại. Xuất phát từ thực tế này, UNESCO đã đưa ra Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa, lấy ngày 21/5 hàng năm là Ngày thế giới về Đa dạng văn hóa vì Đối thoại và Phát triển.
|
|
Năm 2001, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa. Sau đó, tại cuộc họp toàn thể Liên hợp quốc tháng 12/2002, UNESCO quyết định lấy ngày 21/5 hàng năm là Ngày thế giới về Đa dạng văn hóa vì Đối thoại và Phát triển. Ngày kỷ niệm này tạo cơ hội cho chúng ta hiểu một cách sâu sắc hơn về các giá trị của đa dạng văn hóa và tạo lập một thế giới chung sống tốt đẹp hơn.
Theo UNESCO, 75% mâu thuẫn, xung đột xảy ra trên thế giới đều liên quan đến văn hóa. Thu hẹp khoảng cách khác biệt trong văn hóa là việc làm cấp thiết vì sự an toàn, hòa bình và phát triển. Đa dạng văn hóa là động lực mạnh mẽ của sự phát triển, không chỉ liên quan tới tăng trưởng kinh tế mà còn để có được một cuộc sống hoàn thiện hơn về mặt trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần. Việc chấp nhận và công nhận sự đa dạng văn hóa – đặc biệt là nhờ vận dụng một cách sáng tạo của các phương tiện truyền thông và thông tin – đem lại lợi ích cho đối thoại giữa các nền văn minh và văn hóa, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Các cuộc đối thoại, trao đổi giữa các nền văn minh, văn hóa và giữa người với người, dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau lại là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng sự gắn kết xã hội và hòa giải giữa các dân tộc.
Đặt văn hóa vào trung tâm của quá trình phát triển là một sự đầu tư quan trọng cho tương lai của thế giới, điều kiện thành công của quá trình toàn cầu hóa trong đó có tính đến các nguyên tắc của đa dạng văn hóa. Phát triển không thể tách rời văn hóa. Về vấn đề này, thách thức chính là thuyết phục các chính trị gia và các quan chức địa phương, quốc gia và quốc tế hòa hợp các nguyên tắc đa dạng văn hóa và các giá trị đa nguyên văn hóa trong các chính sách công, các cơ chế và thực tiễn, đặc biệt là thông qua quan hệ đối tác công – tư.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày thế giới về Đa dạng văn hóa vì Đối thoại và Phát triển năm nay, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc, bà Irina Bokova cho biết 70 năm trước, những người sáng lập ra UNESCO đã bày tỏ một niềm tin đơn giản, theo đó chính sự thiếu hiểu biết là một trong những cách làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin và sự hiểu lầm giữa các dân tộc, việc tìm kiếm hòa bình đòi hỏi sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa và các dân tộc phải được củng cố, để thúc đẩy tốt hơn sự hiểu biết lẫn nhau.
Bà Irina Bokova nhấn mạnh: Đa dạng văn hóa là di sản chung của chúng ta và các cơ hội lớn nhất cho nhân loại. Nó hứa hẹn sự đổi mới và năng động, và là động cơ của sự đổi mới và phát triển. Nó cũng là một lời mời gọi đối thoại, phát hiện và hợp tác. Trong một thế giới đa dạng, sự hủy diệt của các nền văn hóa là một tội ác, và tính đồng nhất là một ngõ cụt.
Theo Tổng giám đốc UNESCO, Ngày thế giới về Đa dạng văn hóa vì Đối thoại và Phát triển là cơ hội để mở ra tiềm năng sáng tạo của các ngôn ngữ và truyền thống khác nhau của chúng ta và để bảo đảm rằng những khác biệt này làm phong phú và củng cố sức mạnh, thay vì chia rẽ chúng ta./.
Nguồn: ĐCSVN/Khánh Linh
- Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào Nguyễn Du
- Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11
- Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc
- Hà Nội công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin
- Việt Nam giành 6 Huy chương Olympic Toán học quốc tế
- Hội thảo Lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
- Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số
- Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2015: Hội thảo 'Tứ ngũ đại đồng đường'
- Phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp vào nông nghiệp
- Báo chí cách mạng không thể tránh né những vấn đề 'nhạy cảm'*