Dịch vụ phục vụ người cao tuổi: Đăng ký di chúc miễn phí cho người dân trên 60 tuổi ở Bắc Kinh
Quá trình già hóa dân số ở Việt Nam đang tăng rất nhanh, theo kết quả điều tra biến động dân số ngày 1/4/2013 của Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy rất rõ xu hướng này. Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33,1% năm 1999 xuống còn 23,9% năm 2012. Tuổi thọ trung bình của dân số ngày càng cao đã làm cho tỷ trọng người từ 65 tuổi trở lên tăng. Năm 1999, tỷ trọng những người từ 65 tuổi trở lên là 5,8%, mười năm sau vào năm 2009 tỷ trọng những người từ 65 tuổi trở lên là 6,4%, năm 2013 đạt 7,2%. Tỷ lệ người 60 tuổi trở lên là 10,5%.
Người cao tuổi truy cập Internet tại một trung tâm phúc lợi xã hội
ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Nguồn: Ictnews)
Như vậy Việt Nam đã chính thức già hóa dân số vào năm 2011, sớm trước 6 năm so với dự báo theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1/4/2009. Tuổi thọ bình quân năm 2013 là 73,1 tuổi. Qui mô dân số Việt Nam đã đạt 90 triệu người vào tháng 11/2013, như vậy số người cao tuổi (trên 60 tuổi) là gần 10 triệu người.
Biểu 1: Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi, 15-64 tuổi, 60 tuổi trở lên, 65 tuổi trở lên và chỉ số già hóa, thời kỳ 1989 - 2012
Đơn vị tính: Phần trăm
|
1989 |
1999 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi |
39,2 |
33,1 |
24,5 |
24,7 |
24,0 |
23,9 |
Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi |
56,1 |
61,1 |
69,1 |
68,5 |
69,0 |
69,0 |
Tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên |
7,1 |
8,0 |
8,7 |
9,4 |
9,9 |
10,2 |
Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên |
4,7 |
5,8 |
6,4 |
6,8 |
7,0 |
7,1 |
Chỉ số già hoá |
18,2 |
24,3 |
35,5 |
37,9 |
41,1 |
42,7 |
Một trong những chỉ tiêu quan trọng biểu thị xu hướng già hoá của dân số là chỉ số già hoá, đó là tỷ số giữa dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm. Chỉ số già hoá đã tăng từ 18,2% năm 1989 lên 24,3% năm 1999 và đạt 42,7% năm 2012. Điều đó cho thấy xu hướng già hoá dân số ở nước ta diễn ra nhanh trong hai thập kỷ qua.
Biểu 2: Tỷ số phụ thuộc, thời kỳ 1989 - 2012
Đơn vị tính: Phần trăm
Tỷ số phụ thuộc |
1989 |
1999 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
Tỷ số phụ thuộc trẻ em (0-14) |
69,8 |
54,2 |
35,4 |
36,1 |
34,9 |
34,6 |
Tỷ số phụ thuộc người già (65+) |
8,4 |
9,4 |
9,3 |
9,9 |
10,1 |
10,3 |
Tỷ số phụ thuộc chung |
78,2 |
63,6 |
44,7 |
46,0 |
45,0 |
44,9 |
Số liệu trong Biểu 2 cho thấy, tỷ số phụ thuộc chung của nước ta có xu hướng giảm nhanh qua các năm, giảm từ 78,2% (năm 1989) xuống 63,6% (năm 1999) và 44,9% vào năm 2012. Sự giảm này chủ yếu là do hiệu quả của công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình làm giảm tỷ lệ sinh dẫn đến tỷ số phụ thuộc trẻ em giảm mạnh. Tuổi thọ tăng, người già sống lâu hơn làm cho tỷ lệ phụ thuộc người già tăng. Điều này phản ánh rõ hơn xu hướng già hoá dân số như đã nêu ở trên.
Để chuẩn bị cho việc hoạch định chi tiết những vấn đề cho người cao tuổi đang tăng nhanh ở Việt Nam, chúng ta cần xem xét, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong cùng khu vực có tình trạng già hóa dân số xảy ra trước ta. Một trong những kinh nghiệm cần tham khảo ở Trung Quốc là nước có điều kiện sống, phong tục tập quá khá tương đồng với Việt Nam. Năm 2012 tuổi thọ trung bình của dân số Trung Quốc là 74 tuổi. Tỷ lệ dân số người già (60 +) là 13% vào năm 2011. Đặc biệt với dân số là 1,3 tỷ người, số người cao tuổi ở Trung Quốc là 150 triệu người. Đứng trước những thách thức về an sinh xã hội, mới đây Trung Quốc đã thông qua Luật bảo vệ quyền và lợi ích cho người cao tuổi (the new Law on Protection of the Rights and Interests of the elderly).
Hầu hết người cao tuổi đều có nhu cầu và muốn lập di chúc cho con cháu, nhưng không phải ai cũng biết cách và có điều kiện để lập di chúc. Xuất phát từ nhu cầu chính đáng này, một dịch vụ cho NCT đã chính thức được Chính phủ Trung Quốc thực hiện. Theo báo Bắc Kinh ngày 21/3/2013, trong tương lai sẽ có một tổ chức trung gian chuyên cung cấp và hỗ trợ việc đăng ký và giám hộ di chúc cho người dân trên 60 tuổi (bên thứ ba), độc lập với bên thứ nhất (người viết di chúc) và bên thứ hai (người thừa kế). Khi còn sống, họ đã có thể chỉ định rõ ai sẽ được quyền thực hiện di chúc. Dự án phúc lợi công cộng đầu tiên về di chúc – Thư viện Di chúc Trung Quốc – đã tiến hành thử nghiệm tại Bắc Kinh, với mong muốn cung cấp miễn phí dịch vụ đăng ký, lưu trữ và công bố di chúc cho người cao tuổi trên 60 tuổi. Thư viện Di chúc Trung Quốc được thành lập bởi Quỹ Phát triển Người cao tuổi Trung Quốc và Quỹ Y tế Người cao tuổi Ánh Dương Bắc Kinh. Những người trên 75 tuổi có hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng có thể đăng ký dịch vụ “một-cửa” bao gồm từ việc lập kế hoạch, xây dựng và giám hộ di chúc miễn phí bởi một nhóm luật sư. Theo Phó Chủ tịch của Quỹ Phát triển Người cao tuổi Trung Quốc, dự án dự kiến sẽ mở rộng trên quy mô toàn quốc sau khi dự án thử nghiệm thành công.
Trung tâm đăng ký của Thư viện Di chúc đầu tiên ở Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động tại số nhà 73 phố Xijiaominxiang, Bắc Kinh. Ngay lập tức, người cao tuổi có thể đăng ký lập di chúc miễn phí bằng cách mang các tài liệu chứng minh nhân thân và bản di chúc gốc (nếu có) đến trung tâm. Những người cao tuổi chưa viết di chúc hoặc không hiểu rõ qui trình lập di chúc, họ có thể viết di chúc ngay tại trung tâm với sự hỗ trợ của các luật sư của Thư viện Di chúc Trung Quốc. Thư viện Di chúc Trung Quốc sẽ sử dụng phần mềm chuyên dụng cho quá trình lập và đăng ký. Họ sẽ thực hiện giám hộ cẩn mật bằng phương pháp quét vân tay, ảnh chụp trực tiếp, quét điện tử, lưu trữ tệp tin, niêm phong, v.v... Nếu cần thiết, có thể thêm sự chứng kiến của luật sư để đảm bảo tính xác thực của bản di chúc.
Thư viện Di chúc Trung Quốc thông báo rằng họ đã áp dụng những biện pháp giám hộ và hệ thống bảo mật cực kỳ nghiêm ngặt. Hiện tại, họ hợp tác với một số ngân hàng và sử dụng hộp ký gửi an toàn với các phương pháp bảo vệ có cấp bậc an toàn tương đương với ngân khố. Ngoài ra, nhân viên làm việc tại Thư viện phải được kiểm tra sơ yếu lí lịch và nhân cách kỹ lưỡng. Họ chỉ được tuyển dụng sau khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu sát hạch. Thư viện cũng tuyển các giám sát xã hội. Theo hệ thống bảo mật, các đơn vị hành chính được cấp quyền phân cấp trong việc quản lý tài liệu lưu trữ và dữ liệu điện tử. Hình phạt cao nhất cho các cán bộ vi phạm kỷ luật hoạt động có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh tiết lộ thông tin. Việc thực hiện Di chúc được người cao tuổi yêu cầu khi họ còn sống. Việc viết di chúc chưa phổ biến với người cao tuổi ở tất cả các vùng hiện nay. Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Người cao tuổi Trung Quốc nói rằng số người cao tuổi ở vùng nông thôn viết di chúc ít hơn ở thành thị. Theo ý kiến của ông, vì ngày càng xảy ra nhiều tranh chấp về tài sản của người cao tuổi sau khi họ mất, việc một người cao tuổi viết di chúc trước khi chết không chỉ để tránh tranh chấp, mà còn bảo vệ quyền và lợi ích của chính họ và bảo tồn quyền tự quyết đối với chính tài sản của họ.
Theo thiết kế của hệ thống Thư viện Di chúc Trung Quốc, người cao tuổi có thể thay đổi và cập nhật di chúc của họ theo ý muốn sau khi lập di chúc. Ngoài ra, khi di chúc được hoàn thành, quyền đọc và thực hiện di chúc được họ tự chọn lựa. Người cao tuổi có thể đặt quyền đó cho chính mình, cho một hay nhiều cá nhân được xác định cụ thể hoặc tất cả những người có quyền thừa kế hợp pháp. Hệ thống cũng cho phép người cao tuổi xác định thời điểm mở di chúc, ví dụ như sau khi chết. Trong trường hợp này, Thư viện Di chúc Trung Quốc sẽ xem xét “giấy chứng tử” được người thân xuất trình. Đối với những người cao tuổi kỳ vọng con cái họ kết hôn hoặc thành công trên đường học vấn, họ cũng có thể yêu cầu con cái được đọc và thực hiện di chúc chỉ khi có giấy đăng ký kết hôn hoặc bằng tốt nghiệp đại học.
Quá trình đăng ký di chúc sẽ tạo thành một tệp hình ảnh. Một “người đăng ký di chúc” sẽ ngồi trước một màn hình máy vi tính. Sau đó hệ thống sẽ khởi động chức năng quay phim và tự động ghi lại từ thời điểm bắt đầu. “Ông/bà có cần chỉ định một người thực thi di chúc không?” Nhân viên trực ngồi đối diện với người đăng ký, trước một màn hình khác, để ghi lại các thông tin được cung cấp bởi người đăng ký trong khi hỏi. Với từng dòng được ghi lại, màn hình phía người đăng ký sẽ hiển thị những nội dung tương ứng. Người đăng ký có thể kiểm tra ngay. Toàn bộ quá trình đăng ký và lưu di chúc sẽ được quay phim và ghi âm lại. Nhân viên phụ trách đăng ký cũng sẽ lưu trữ bản scan điện tử của di chúc gốc và mẫu đăng ký đã được điền thông tin, nhằm tạo một tệp điện tử gồm âm thanh, video và văn bản. Tệp này sẽ được tải và lưu trữ trong kho dữ liệu điện tử. Ngoài ra, các nhân viên cũng lấy dấu vân tay của người đăng ký bằng máy quét vân tay. Người đăng ký cũng điểm chỉ và ký tên lên trên giấy cảnh báo rủi ro, mẫu đăng ký thông tin di chúc. Tất cả quá trình được hoàn thành trung bình trong khoảng 10 phút. Bảo quản di chúc bằng “Giấy chống axit bào mòn”. So với giấy A4 cùng cỡ thông thường, loại giấy sử dụng trong Thư viện Di chúc Trung Quốc dành cho người đăng ký viết di chúc tương đối dày hơn và bề mặt không bị thấm nước và nhoè bởi các dung dịch. Giấy này là một loại đặc biệt được nhập khẩu từ nước ngoài, với tên khoa học là “giấy chống axit bào mòn.” Các nhân viên của Thư viện Di chúc Trung Quốc nói rằng người dân Trung Quốc hiện nay thường viết di chúc lên giấy thường hoặc giấy vở học sinh. Một số người thì tuỳ tiện lấy một mảnh giấy bất kỳ để viết lên. Những loại giấy đó rất khó để lưu giữ lâu dài. Các nhân viên cho biết loại “giấy viết di chúc” đặc biệt này được sử dụng dành riêng để ghi chép các văn bản quan trọng hoặc lập di chúc tại nước ngoài. Đây là lần đầu tiên được sử dụng tại Trung Quốc và được cung cấp miễn phí cho người đăng ký di chúc. Việc sử dụng loại giấy “đặc biệt” này cho phép bản di chúc được bảo quản trong một thời gian rất dài. Nó cũng có thể ngăn ngừa vi khuẩn ký sinh hoặc bị ăn mòn do mồ hôi người.
Liệu những “người giám hộ” di chúc từ các tổ chức xã hội có hợp pháp? Quỹ Phát triển Người cao tuổi Trung Quốc cho biết sự thành lập Thư viện Di chúc Trung Quốc gắn liền với các mục tiêu và yêu cầu của các văn bản qui phạm pháp luật như, Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 về Hệ thống Dịch vụ Công cộng cơ bản của Nhà nước, Kế hoạch Phát triển Hệ thống dịch vụ xã hội cho Người cao tuổi (2011-2015), v.v... Hệ thống thư viện được xây dựng nhằm khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia tích cực vào việc đổi mới quản lý xã hội và bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích về tài sản thừa kế của người cao tuổi.
Bộ luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Người cao tuổi mới thông qua cũng tuyên bố rằng những tổ chức người cao tuổi hợp pháp nên phản ánh nhu cầu của người cao tuổi, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ, phục vụ người cao tuổi và ủng hộ các hoạt động tình nguyện hướng tới người cao tuổi. Ngoài ra, dựa vào kế hoạch tổng quan và thiết kế trong hệ thống xã hội Trung Quốc, cấu trúc quản lý xã hội sẽ dần thay đổi từ “Chính phủ lớn và Xã hội nhỏ” thành “Chính phủ nhỏ và Xã hội lớn.” Chính phủ khuyến khích các tổ chức xã hội đóng vai trò tích cực trong việc đổi mới quản lý xã hội.
Đảm bảo tính pháp lý của di chúc?. Theo thống kê của Toà án Nhân dân Thành phố Bắc Kinh, trong các vụ án thừa kế di chúc, gần 60% số di chúc được phán xử ở Tòa án là bất hợp pháp. Trong tuyên ngôn của Thư viện Di chúc Trung Quốc, Thư viện sẽ cung cấp nhân chứng độc lập cho di chúc và các tài liệu liên quan, chứng minh chữ ký và dấu vân tay. Thư viện không tham gia vào quá trình pháp lý của bản di chúc. Tuy nhiên, Thư viện Di chúc Trung Quốc đã xây dựng một đội ngũ luật sư để tư vấn chuyên môn giúp người đăng ký có thể làm một bản di chúc hợp pháp. Bất cứ ai cũng có thể được tư vấn miễn phí về vấn đề di chúc tại trung tâm đăng ký. Ngoài ra, trang web của Quỹ Y tế Người cao tuổi Ánh Dương Bắc Kinh đã đăng tải 14 di chúc “mẫu” được viết bởi các chuyên gia pháp luật, bao quát phần lớn các nội dung như về phân chia nhà đất, tài sản, . . . ví dụ như “chia cho nhiều người,” “chia cho một cá nhân”, “chia theo thông thường”, “chia theo một số phần,” v.v... để người dân có thể tham khảo và tải xuống sử dụng miễn phí.
“Nhân chứng” có kiến thức chuyên môn có thể giảm thiểu sự tranh chấp tài sản. Một luật sư của công ty Zhongkai và các cộng sự tại Bắc Kinh và Chủ tịch Uỷ ban lập pháp Bắc Kinh thuộc Liên hiệp Dân chủ Trung Quốc cho rằng việc thiếu chuyên môn về di chúc là một trong các lý do chính dẫn đến gia tăng sự tranh chấp tài sản thừa kế. “Nhiều người viết di chúc rất tuỳ tiện. Việc thiếu những tài liệu pháp lý cần thiết sẽ làm cho bản di chúc thành bất hợp pháp hoặc gây ra sự nghi ngờ về tính xác thực cho những người thừa kế. Họ cần nhận ra rằng viết di chúc là một việc mang tính chuyên môn cao và cần phải làm bởi các chuyên gia. Luật sư chỉ ra rằng một vấn đề cũng có thể nảy sinh là lỗi từ những cơ quan lưu di chúc. “Trong các tranh chấp tài sản thừa kế, mâu thuẫn trọng tâm nhiều khi là việc phân vân liệu lúc đó người viết di chúc đang ở trạng thái sức khoẻ tâm thần bình thường, hay họ bị ép buộc, liệu chữ ký có được ký bởi người viết di chúc hay không, liệu bản di chúc đã bị giấu đi hoặc thay đổi, hoặc liệu bản di chúc này có phải “bản cuối cùng” hay chưa?. Theo ý kiến của các luật sư, sự tham gia của một tổ chức chuyên môn trung gian (bên thứ ba) sẽ làm chứng cho quá trình tạo di chúc và bảo vệ nghiêm ngặt sẽ làm giảm thiểu đáng kể các vụ tranh chấp tài sản thừa kế. Ngoài ra, lưu trữ di chúc trong một tổ chức trung gian (bên thứ ba) cũng tránh được mâu thuẫn nội bộ tiềm tàng trong các gia đình do việc viết di chúc gây ra.
Nguyễn Thanh An
(Nguồn: Niên giám Thống kê tóm tắt DS-KHHGĐ 2013 và China Population
Today, Vol. 30, No.2.2013).
- Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào Nguyễn Du
- Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11
- Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc
- Hà Nội công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin
- Việt Nam giành 6 Huy chương Olympic Toán học quốc tế
- Hội thảo Lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
- Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số
- Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2015: Hội thảo 'Tứ ngũ đại đồng đường'
- Phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp vào nông nghiệp
- Báo chí cách mạng không thể tránh né những vấn đề 'nhạy cảm'*