Đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên môi trường

Ngày đăng: 24/02/2015

Trước thềm Xuân Ất mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ.

 

 
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang. Ảnh: BL.

Phóng viên (PV): Một năm nhìn lại, xin Bộ trưởng cho biết những điểm sáng nổi bật của ngành trong năm qua và những tồn tại cần khắc phục trong năm mới 2015?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Năm 2014, ngành tài nguyên & môi trường (TN&MT) đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả, góp phần phát huy nguồn lực TN&MT cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng bền vững. Bộ đã tập trung tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật BVMT, cho ý kiến dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; trình ban hành và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2013 đúng tiến độ. Lần đầu tiên Luật đất đai và các Nghị định hướng dẫn có hiệu lực song hành đi vào cuộc sống. Công tác thanh kiểm tra các lĩnh vực quản lý được đẩy mạnh; nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm. Đặc biệt, công tác cải cách hành chính đã được thực hiện hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, công tác quản lý nhà nước về TN&MT trong năm qua đã có những chuyển biến rõ rệt. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) các cấp. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ trên các lưu vực sông; tham mưu cho Chính phủ giải quyết tốt các vấn đề nóng của hợp tác sông Mê Công. Chấn chỉnh công tác cấp phép hoạt động khoáng sản; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và đình chỉ nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Mặc dù đạt được những kết quả, song công tác quản lý nhà nước về TN&MT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) vẫn còn là vấn đề bức xúc ở một số nơi. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn phức tạp ở nhiều địa phương. Công tác quản lý, cấp phép khoáng sản còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khai thác khoáng sản gắn với BVMT…

PV: Ô nhiễm môi trường ngày càng gây bức xúc, thách thức quá trình phát triển bền vững. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về thực trạng này và giải pháp khắc phục tồn tại cần đặt ra trong năm 2015?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam luôn coi trọng công tác BVMT. Tuy nhiên, công tác BVMT vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường một số khu vực tiếp tục bị ô nhiễm, một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; vi phạm pháp luật về BVMT vẫn còn nhiều với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc khai thác tài nguyên không hợp lý gây ô nhiễm môi trường còn khá phổ biến...

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nhận thức, ý thức trách nhiệm về BVMT còn chưa cao. Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác BVMT còn phổ biến. Nhiều quy định về BVMT còn chồng chéo, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Bên cạnh đó, yêu cầu BVMT chưa được quan tâm đúng mức trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, nhất là trong quy hoạch phát triển KCN, CCN, thủy điện. Việc huy động sức mạnh cộng đồng tham gia BVMT còn hạn chế...

Để giải quyết các vấn đề này, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và đã ban hành Nghị quyết số 35 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT. Vừa qua, bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật BVMT năm 2014 với nhiều nội dung mới quan trọng. Theo đó, lần đầu tiên luật đã cụ thể hóa quy định “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT”; bổ sung một số nội dung mới đồng thời quy định cụ thể hơn nội dung BVMT trong các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh, nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư và người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

PV: Cạnh tranh, mâu thuẫn nguồn nước, chia sẻ, phân bổ tài nguyên nước hiện nay đang là vấn đề “nóng”. Việt Nam cần xử lý vấn đề này thế nào để quản lý, đảm bảo chia sẻ, hài hòa trong khai thác nguồn tài nguyên này, thưa Bộ trưởng?

Việt Nam không phải là quốc gia giàu về nước, lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 37% tổng lượng nước. Do đó vấn đề nguồn nước, chia sẻ và phân bổ tài nguyên nước luôn là mối quan tâm lớn của ngành. Thực tế, gần 2/3 lượng nước của Việt Nam hình thành từ ngoài lãnh thổ nên cần có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước, trong khi một số quốc gia ở thượng nguồn lại đang tăng cường khai thác, sử dụng.

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí vẫn còn phổ biến. Mâu thuẫn, cạnh tranh trong sử dụng nước tiếp tục tăng, nhất là đối với các công trình chuyển nước và các hồ chứa nhỏ. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ nghiêm trọng lẫn phạm vi ảnh hưởng.

Để giải quyết thách thức này, bộ sẽ tiếp tục đổi mới thể chế, cách thức quản lý theo hướng sử dụng tổng hợp, hiệu quả bền vững nguồn nước. Bộ đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả, quản lý, bảo vệ nguồn nước, nhất là các biện pháp điều hòa, phân bổ nguồn nước của các hồ chứa. Đặc biệt, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông lớn trong mùa lũ. Đây là cơ sở pháp lý để quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; gắn chế độ vận hành của công trình với các yêu cầu về phòng, chống lũ và điều tiết nước.

Trong năm 2015, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn; đồng thời kiểm tra, giám sát thực hiện các quy trình vận hành và xử lý nghiêm vi phạm... Trên bình diện quốc tế, Bộ đã tham mưu để Việt Nam tham gia vào các thể chế quốc tế về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia.

PV: Lĩnh vực khoáng sản đặt ra nhiều vấn đề về quản lý, khai thác, BVMT trong khai thác. Bộ trưởng cho biết những chuyển biến trong công tác quản lý khoáng sản thời gian qua cũng như tác động của việc triển khai các giải pháp, trong đó có thu tiền cấp quyền và đấu giá tới công tác quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên?

Có thể nói, thời gian qua chúng ta đã có nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản. Hệ thống pháp luật về khoáng sản cơ bản đã hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản “tràn lan” trước đây ở nhiều địa phương bước đầu được khắc phục. Để chấn chỉnh tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Theo tôi, hoạt động khoáng sản, nhất là khai thác khoáng sản đã bắt đầu chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu. Sau gần 4 năm thực hiện Luật khoáng sản năm 2010, với quy định chặt chẽ trong khâu cấp phép mới cũng như khi chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; quy định về trách nhiệm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản của cấp tỉnh; khi cấp phép khai thác phải gắn với địa chỉ chế biến đã buộc các doanh nghiệp không có đủ năng lực về vốn, công nghệ phải “tự rút lui". Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến sâu, thăm dò xác định trữ lượng…

Trong năm 2014, việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được triển khai đồng bộ trên cả nước. Cụ thể đã triển khai tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 500 khu vực cấp phép trước ngày Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực và gần 100 khu vực đề nghị cấp phép khai thác mới trong năm 2014. Tôi cho rằng, việc các tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tăng thêm cho thu ngân sách Trung ương và địa phương trong năm 2014, đồng thời tăng trách nhiệm trong khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, loại bỏ các tổ chức, cá nhân không có năng lực về vốn, công nghệ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản để trục lợi.

Hiện nay, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản dự kiến sẽ ban hành trong quý I. Theo đó,nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt sẽ được triển khai góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: ĐCSVN/Bích Liên (thực hiện)