Giải pháp nào giúp thoát nghèo bền vững

Ngày đăng: 04/11/2014

 TS.Đàm Hữu Đắc
PCT TT Hội NCT Việt Nam

Sau gần 20 năm thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng, được thế giới đánh giá cao. Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách, đã dành một nguồn ngân sách rất lớn để hỗ trợ địa phương nghèo, vùng nghèo, hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo và con em gia đình nghèo. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% /năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 5-6%/năm. Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn cao, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, thậm chí 60-70%. Theo báo cáo của cơ quan chức năng bình quân mỗi năm có khoảng 1/3 số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Như vậy, sự nghiệp xóa đói giảm ngheò ở một số địa phương chưa vững chắc, chêch lệch giàu nghèo giữa các vùng các nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi, biên giới phía Bắc và Tây Nguyên. Để giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo cần thiết phải có những chủ trương, chính sách sát thực, như: nhóm các chính sách về việc làm, tăng thu nhập như cho vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, gia đình có lao động phù hợp tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động. Đồng thời, ban hành các chính sách tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục...

 


Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Bình Thuận
trao đổi về
kế hoạch
nhân rộng mô hình CLB LTH TGN của tỉnh
(Ảnh minh họa/ HNCTVN)

So với một số nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới thì Đảng, Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến người nghèo, tạo nhiều cơ hội để họ vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, qua khảo sát, nghiên cứu từ cơ sở cho thấy cả đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, gia đình mới thoát nghèo hay những gia đình được xác định là hộ cận nghèo còn rất khó khăn thiếu thốn, bữa ăn còn rất đạm bạc, tài sản không có gì đáng giá. Khiêm tốn mà nói kết quả của sự nghiệp giảm nghèo của nước ta chưa tương xứng với công sức, tiền bạc mà Nhà nước đầu tư vào.

Vậy nguyên nhân cơ bản là thế nào? Theo tôi, chặng đường xóa đói, giảm nghèo ở nước ta đã gần 20 năm, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, không bệnh thành tích để có chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách cho phù hợp hơn trong giai đoạn mới. Nhiều chính sách cho địa phương nghèo, gia đình nghèo, người nghèo trong thời gian qua là cần thiết, là phù hợp nhưng cứ duy trì và tiếp tục mãi như vậy sẽ không khuyến khích họ vươn lên thoát nghèo. Đến nay, vẫn còn tồn tại tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng thể hiện "luân phiên hộ nghèo", kể cả cán bộ, người dân không muốn ra khỏi xã nghèo, hộ nghèo. Có cán bộ trượt cấp ủy do xã không còn trong danh sách xã nghèo. Trong điều kiện kinh tế nhà nước còn nhiều khó khăn vẫn còn tư tưởng đầu tư, hỗ trợ dàn trải, không tập trung vào những mục tiêu cơ bản thì đối tượng cần giúp đỡ, hỗ trợ sẽ không đạt được kết quả theo mong muốn. Từ thực tế nhiều năm qua cho thấy không ít dự án, tiền bạc, hiện vật cấp không hiệu quả thấp. Rất đáng mừng trong thời gian gần đây, chính người dân, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở nhiều địa phương đã đề cập đến vấn đề này, họ thật sự chia sẻ với Nhà nước. Đã có nơi này, nơi kia ở Tây bắc,Tây nguyên hay miền Trung kiến nghị : Chính phủ cần giảm bớt phần chi hỗ trợ, trợ cấp xã hội cho người nghèo, kể cả một số hỗ trợ trực tiếp trong sinh hoạt đời sống, xây nhà ở, mà chuyển sang hình thức cho vay lãi suất thấp, khó khăn quá thì cho vay không lãi xuất. Bởi nhiều chính sách hiện nay đã làm cho người nghèo ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước không muốn thoát nghèo, làm phát sinh mâu thuẫn ở cơ sở, ở khu dân cư, vì ai cũng muốn vào hộ nghèo. Trong thời gian qua, đã có không ít hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng nghèo đói, đề cập nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững nhưng thực tế ở cơ sở nhiều nơi sự gắn kết người dân với cộng đồng, chính quyền cơ sở thật sự chưa chặt chẽ, làm chưa quyết liệt; chưa thật sự giúp họ chuyển đổi nhận thức, có ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, không cam chịu nghèo hèn. Thực tế, họ có thế mạnh, tiềm năng gì; đang cần cộng đồng, nhà nước giúp đỡ việc gì thì đồng tiền đầu tư, hỗ trợ của cộng đồng, của nhà nước vào mới có hiệu quả. Còn hiện nay, có đến 60 văn bản của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng. Có gia đình, có người nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ từ A đến Z, thì làm sao có hiệu quả. Đã có địa phương có gia đình không muốn ra khỏi danh sách xã nghèo, hộ nghèo; đã có những báo cáo không chuẩn xác, đúng tình hình nghèo đói ở địa phương, cơ sở trước thềm Đại hội Đảng các cấp.

Hiện nay nhiều Quốc gia trên thế giới đang hướng tới giải quyết vấn đề nghèo đa chiều, vì họ cho rằng nghèo dựa vào xác định nhu cầu chi tiêu hay thu nhập chưa phản ánh được đầy đủ tính đa dạng của người nghèo, hộ gia đình nghèo.Vì trên thực tế có rất nhiều người hay hộ gia đình được coi là không nghèo về thu nhập hay chi tiêu, nhưng họ vẫn nghèo về tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản khác như tiếp cận dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, nước sạch, nhà ở và các dịch vụ xã hội hòa nhập khác. Nhiều nước đã quan tâm đến nghèo đa chiều và đang xây dựng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều,phương pháp đo lường nghèo đa chiều. Trong điều kiện hội nhập Quốc tế, chúng ta cần xúc tiến việc nghiên cứu này nhưng cần có lộ trình, bước đi phù hợp. Bởi nền kinh tế đất nước, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta so với một số nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới còn khoảng cách khá xa. Tôi cho rằng, đối với nước ta cần có thời gian khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án tiếp cận nghèo đa chiều, phương pháp đo lường nghèo đa chiều cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa dân tộc để triển khai thực hiện vào sau năm 2016. Từ nay đến 2016 tập trung chỉ đạo, huy động đa nguồn lực để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí chi tiêu, thu nhập, giải quyết căn bản vấn đề ăn, mặc, ở, học hành, khám chữa bệnh cho dân đã; đến sau năm 2016 thực hiện phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, thậm chí chỉ đạo thực hiện trước ở các thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực tế ở nước ta cho thấy gia đình hộ nghèo, cận nghèo do rất nhiều nguyên nhân và rất đa dạng, như:

- Có những gia đình do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn để phát triển sản xuất, tổ chức kinh doanh, tổ chức các hoạt động dịch vụ, buôn bán nhỏ; có người thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, sử dụng vốn vay kém hiệu quả; có người do ốm đau, bệnh tật, sức khỏe yếu, cũng có người do chây lười lao động. Ở những địa phương có nhiều gia đình thoát nghèo nhanh, bền vững vấn đề cơ bản do gia đình có ý chí quyết tâm phấn đấu thoát nghèo.

- Cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở địa phương, cơ sở chưa chỉ đạo sát sao, nắm vững tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của người dân; chưa biết được họ có tiềm năng, thế mạnh nào, đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng, của Nhà nước. Đồng thời, chưa có biện pháp giúp đỡ kịp thời, sát thực đến từng gia đình, còn chung chung và chưa thường xuyên theo dõi, động viên khích lệ họ.

Do vậy, từ nay đến 2020 cần tiếp tục thực hiện những giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cần kịp thời sửa đổi bổ sung những chính sách không còn phù hợp, hướng vào những chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, không tiếp tục tạo ra sự trông chờ, ỉ lại Nhà nước. Trước hết, là những hộ mới thoát nghèo, những hộ cận nghèo để họ không tái nghèo và không rơi xuống diện nghèo. Việc này đòi hỏi có sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các cơ quan chức năng của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp hành động của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; sự tham gia đóng góp, chia sẻ của cộng đồng, của chính người dân, nhất là hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các chính sách tạo mở việc làm, tăng thu nhập như hướng nghiệp, khởi sự nghề nghiệp,dạy nghề, tạo việc làm phù hợp gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp, phát triển chăn nuôi, phát triển các ngành nghề tuyền thống mây, tre, nứa, thủ công mỹ nghệ, gắn với tiêu thụ sản phẩm để có thu nhập, tăng thêm thu nhập, hạn chế được những rủi ro. Khắc phục tình trạng dạy nghề mang tính hình thức, theo chỉ tiêu không gắn với việc làm thu nhập, nguyện vọng của người nghèo như thời gian qua gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước, thời gian công sức của dân.

Thứ ba, đồng tình với định hướng giảm nghèo thời gian tới cần phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách cụ thể. Đồng tiền, bát gạo của Nhà nước phải đến đúng đối tượng đang cần thiết nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững; mạnh dạn bỏ dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không; hoặc chuyển ngay việc cho không sang hình thức cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất nhằm khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, làm ăn có tính toán của người dân. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy vốn vay đều thực hiện theo cơ chế thị trường, vấn đề cơ bản cần tuyên truyền, hướng dẫn chỉ bảo để người dân tiếp cận được nguồn vốn, thực tế cho thấy khi người dân đã tiếp cận được nguồn vốn, thì họ đã biết tính toán, biết hạch toán, khi cần họ sẵn sàng vay lãi suất cao hơn để chớp cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi cho kịp để có thu nhập,có lãi.

Thứ tư, Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo ở các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể; cần đổi mới nội dung công tác tuyên truyền theo chí hướng phấn đấu thoát nghèo, không muốn ở "thương hiệu xã nghèo, hộ nghèo, người nghèo", nhất là lớp trẻ. Cần tuyên truyền, giới thiệu kịp thời những mô hình, kinh nghiệm thoát nghèo nhanh, bền vững của các hộ gia đình, địa phương, kinh nghiệm sử dụng vốn vay có hiệu quả, đối với hộ còn nghèo do thiếu kinh nghiệm cần cử những cán bộ khuyến nông giúp đỡ chỉ bảo đến nơi,đến chốn theo hướng cầm tay chỉ việc; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp, giúp đỡ cho địa phương, người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên giầu có.

Để các chính sách của Nhà nước thật sự có tính khả thi và đi vào cuộc sống, việc này nên thực hiện như mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của Hội NCT, với vốn vay không nhiều, chỉ bằng một phần nhỏ của đối tượng được vay ngân hàng Chính sách xã hội, thậm chí vay dưới 5 triệu đồng/hộ cũng đã giúp NCT thoát nghèo bền vững.  

Nên thu hút người chủ của các hộ nghèo, hộ gia đình cận nghèo tham gia Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Đây là mô hình được đánh giá là thích hợp nhất với người nghèo, giúp họ thoát nghèo bền vững. Bởi chính cộng đồng mới là người gần gũi, thấu hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân dẫn đến nghèo khó để giúp họ từ nâng cao nhận thức hiểu biết, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp hoặc buôn bán nhỏ, chăn nuôi qui mô từ nhỏ đi lên và cũng gia tăng dần thu nhập từ thấp đến cao.

Qua nghiên cứu, đánh giá 700 mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở 12 tỉnh, thành phố, Hội Người cao tuổi Việt Nam khẳng định đây là một mô hình phù hợp nhất đối với người nghèo, có nhiều hoạt động thiết thực nhất, vốn cho vay xóa đói giảm nghèo ít nhất nhưng hiệu quả sử đụng vốn tốt nhất. Hội NCT Việt Nam đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành chức năng của Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn để nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở các xã đang còn nhiều hộ nghèo. Đây có thể là giải pháp giảm nghèo bền vững ở nước ta./.