Giao lưu những điển hình tiên tiến Cựu chiến binh gương mẫu

Ngày đăng: 03/12/2014

Nằm trong chương trình của Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 5 và kỷ niệm 25 Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/21989 – 6/12/2014), tối 2/12/2014, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức buổi giao lưu điển hình tiên tiến Cựu chiến binh gương mẫu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, ngay từ khi thành lập, Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam đã phát động trong toàn Hội phong trào thi đua xây dựng Hội cơ sở trong sạch, vững mạnh, hội viên CCB gương mẫu. Từ đó đến nay, phong trào thi đua phát triển liên tục cả về bề rộng và chiều sâu, cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Hội CCB Việt Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

 


Giao lưu với những điển hình tiên tiến CCB gương mẫu trong

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” -  Ảnh: PC


Trong phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, nhiều tấm gương đã vượt lên thách thức của số phận, vượt lên những thương tật, cống hiến tâm, tài xây dựng quê hương, đất nước… Đây là những điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa muôn màu sắc của phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” 5 năm qua.

Đến với buổi giao lưu là những gương mặt tiêu biểu trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, từng trải qua mưa bom, bão đạn trong chiến tranh. Mỗi người có cách làm khác nhau, có những cống hiến khác nhau, nhưng tựu chung lại, những cách làm sáng tạo, những cống hiến đó đã đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.

Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày của CCB Lâm Văn Bảng (Phú Xuyên, Hà Nội) – 1 trong 10 người được tuyên dương là “Công dân ưu tú” của Thủ đô năm 2014 – là một ví dụ. Tâm niệm cần giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay biết đến lịch sử hào hùng của dân tộc, ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, ông đã lặn lội 21 năm đi sưu tầm hiện vật.

Qua 10 năm trưng bày, bảo tàng của ông đã có trên 4.000 hiện vật, trong đó có những hiện vật có một không hai trên thế giới như: lá cờ nhuộm bằng máu, cuốn Điều lệ Đảng viết trong tù… Mỗi kỷ vật như một câu chuyện huyền thoại. Có những kỷ vật gắn với quá trình đấu tranh với địch trong nhà tù, những câu chuyện đào hầm vượt ngục của chiến sỹ cách mạng tại nhà tù Phú Quốc… Sưu tầm hiện vật đã là khó, việc giữ gìn, bảo quản, phát huy, duy trì giá trị của hiện vật, theo ông, càng khó khăn hơn. Ông mong muốn cùng các ban, ngành, các CCB chung tay giữ hiện vật và truyền nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ.

Kể về câu chuyện về hồi sinh lại chiến khu mà mình từng gắn bó, Đại tá Đoàn Minh Chiến - người từng được mệnh danh là “Hùm xám” chiến khu D, CCB phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã chia sẻ. Trong một lần trở về chiến khu xưa và cũng là quê hương của mình, cảm thấy day dứt khi cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Vậy là, ông đã quyết định rời xa cuộc sống thành thị, xách ba lô về quê với quyết tâm “bắt chiến trường xưa phải nở hoa, kết trái”. Với sự dấn thân táo bạo, ông đã nhận 64 ha đất hoang đồi trọc để cải tạo, trồng cây cao su, cây ăn quả, trồng rừng kết hợp chăn nuôi, hàng năm đạt doanh thu 2,5 - 3 tỷ đồng. Ông đã đóng góp hàng tỷ đồng để kéo điện lưới quốc gia về cho đồng bào vùng chiến khu và xây dựng 10 căn nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà tình thương” và các quỹ phúc lợi xã hội. Ông cũng giúp đỡ, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật giúp hàng trăm hộ gia đình CCB và nhân dân trong vùng phát triển kinh tế thoát nghèo. 

 


 Một tiết mục văn nghệ được biểu diễn tại buổi giao lưu - Ảnh: PC


Buổi giao lưu đã được nghe chia sẻ của nữ CCB Hoàng Thị Nhâm, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Hoàng Nhâm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Với tâm niệm có giao thông thì có giao thương, có giao thương mới có giao lưu, nữ CCB này đã táo bạo kinh doanh ngành nghề khó khăn nhất là xây dựng đường giao thông nông thôn và thủy lợi miền núi, nhằm góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh biên giới.

Hơn 7 năm qua, doanh nghiệp Hoàng Nhâm luôn nỗ lực thực hiện hàng trăm công trình thủy lợi ở vùng sâu xa, biên giới tạo việc làm cho hơn 500 lao động… Không chỉ có ý chí thép trên mặt trận kinh tế, CCB này còn có tấm lòng nhân ái với cuộc đời, với con người, xây dựng quỹ đến trường và nhận đỡ đầu cho nhiều trẻ em dân tộc. CCB Hoàng Thị Nhâm vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2014. Đây là doanh nhân CCB duy nhất được phong tặng Anh hùng lao động trong 5 năm qua.

Đến với buổi giao lưu còn có nhiều điển hình tiên tiến, nhiều nhân tố tích cực trong đời sống CCB cả nước, như: CCB Trần Mạnh Báo, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình; CCB Trần Văn Bường, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Bình; CCB Ngô Văn Lanh, Chủ tịch Hội CCB phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên… Đây thực sự là những CCB tiêu biểu về tinh thần yêu nước, có ý chí kiên cường, quyết tâm làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Thành tích của họ là sự tiếp nối vững chắc những chiến công trong những năm tháng trong quân ngũ. Đến nay, khi tuổi đã cao nhưng vẫn vững trí, sáng lòng, ngày đêm bồi đắp lòng yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ động lực cống hiến cho dân tộc./.

(Nguồn: ĐCSVN/Phạm Cường)