Hội thảo Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc

Ngày đăng: 21/03/2015

Chiều 20/3, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương, Tỉnh uỷ Hà Giang đã tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội thảo.

Cùng chủ trì Hội thảo còn có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
phát biểu tại Hội thảo
.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, để phát triển, tỉnh Hà Giang đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành và đã xác định được những tiềm năng, lợi thế như: phát triển cây dược liệu; chăn nuôi bò vàng vùng cao; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu... Tuy nhiên, các tiềm năng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ.

Hà Giang đã xác định quan điểm phát triển trên cơ sở “một trục, hai hướng” như kết nối Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối một trục giữa tỉnh Hà Tuyên - Vĩnh Phúc (trước đây) với thị trường Châu Văn Sơn (11 triệu dân của Trung Quốc). Đây là lợi thế không chỉ của Hà Giang, mà còn là nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương và địa phương cùng tổ chức thực hiện. Sự phát triển và ổn định của Hà Giang sẽ góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế có hiệu quả.

Muốn vậy cần phải có cơ chế phù hợp, hợp tác tích cực, liên kết chặt chẽ, thông tin đầy đủ, sản phẩm và dịch vụ có thế mạnh... Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đề xuất với Chính phủ phương án cơ chế đặc thù phân cấp nguồn thu hoạt động xuất - nhập khẩu để đầu tư hạ tầng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn tới; cho Hà Giang được chủ động lập, đề xuất danh mục thực hiện thí điểm chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hàng nông sản qua các cửa khẩu phụ, lối mở; được thí điểm quyết định danh mục các mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, ưu tiên nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường kết nối Hà Giang với Đông Bắc và Tây Bắc; quy hoạch vùng trồng dược liệu khu vực Đông Bắc, Tây Bắc gắn với quy hoạch khu, cụm công nghiệp chế biến dược liệu tại tỉnh Hà Giang; dành nguồn lực của Trung ương cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng dạy nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số và cho việc giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc.…

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp đã đánh giá tổng quan về tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của tỉnh Hà Giang. Đồng thời, đề ra mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc để trao đổi, cung cấp các thông tin về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng và đề ra được những nhiệm vụ quan trọng trong mối liên kết vùng trong giai đoạn tới...

Hội thảo cũng tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp; định hướng của Ban Kinh tế Trung ương về phát triển kinh tế tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hà Giang cũng như các tỉnh cần kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chính sách thương mại biên mậu phải nhạy bén, tạo điều kiện để hàng hóa ViệtNamxuất khẩu thuận lợi nhất. Cần nghiên cứu thị trường Trung Quốc kỹ lưỡng để thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên cùng có lợi.

Phó Thủ tướng lưu ý, đi liền với các vấn đề trên là giao thông vận tải phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa; công tác quy hoạch không để chồng lấn các quy hoạch phân khu chức năng, trong quá trình làm không nôn nóng, vội vàng; đẩy mạnh giảm nghèo bền vững; đào tạo nhân lực có chất lượng và phù hợp nhu cầu thiết thực của địa phương; bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp thu, nghiên cứu kỹ ý kiến của các đại biểu về chính sách biên mậu, hạ tầng giao thông, cơ chế đặc thù; tham mưu, nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính quốc gia đối với các tỉnh khó khăn như Hà Giang; tiếp tục quan tâm, tham mưu, giúp đỡ Hà Giang trong quá trình phát triển. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế phối hợp, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, tiến hành quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch ngành, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ đến các bản làng, đào tạo và đưa đồng bào đi xuất khẩu lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu giữa các tỉnh trong vùng để so sánh, đối chiếu.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang sau Hội thảo này cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang nỗ lực hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đưa cuộc sống của nhân dân trong tỉnh ngày càng ấm no, hạnh phúc…/.

Nguồn: ĐCSVN/ Phạm Cường