Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Theo đó, công dân đang tạm trú nếu có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc trung ương (TW); có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc TW từ một năm trở lên đối với trường hợp đăng kí thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc TW; từ hai năm trở lên đối với trường hợp đăng kí thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc TW; Trường hợp tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau thì thời gian tạm trú liên tục được tính bằng tổng thời gian tạm trú tại các chỗ ở đó; nơi đề nghị được đăng kí thường trú phải là nơi đang tạm trú thì sẽ được đăng kí thường trú tại thành phố trực thuộc TW.
Riêng trường hợp đăng kí thường trú vào nội thành TP Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.
Nghị định cũng quy định 5 trường hợp không đăng kí thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới như: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kĩ thuật, di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng; chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép; chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp những người có quan hệ là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con chuyển đến ở với nhau); chỗ ở bị kê biên, tịch thu để thi hành án, trưng mua theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về thời hạn đăng kí thường trú, Nghị định quy định trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng kí thường trú thì người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng kí thường trú tại chỗ ở mới.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu, người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng kí thường trú. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng kí khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng kí thường trú cho trẻ em đó.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6/2014.
Nguồn: Báo Người cao tuổi, 7/5/2014.
- Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lí cho người nghèo và đối tượng yếu thế tại Việt Nam
- Nghỉ hưu sớm có bị trừ tỉ lệ tính lương hưu ?
- Người về hưu đi làm có phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
- NCT chỉ được hưởng một loại trợ cấp xã hội
- NCT có nên tham gia BHXH tự nguyện không
- Quy định về quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
- NCT cô đơn là hộ nghèo được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng
- Chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội không đúng bị xử phạt như thế nào ?
- NCT nào đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội
- Ngược đãi, chửi bới bố mẹ già có thể bị phạt tù đến 5 năm