Hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2017 với chủ đề “Nâng cao nhận thức về trầm cảm”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe của mọi người bao gồm sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Hiện có rất nhiều người đang mắc hoặc có nguy cơ mắc các bệnh rối loạn tâm thần như mất trí nhớ, trầm cảm, rối loạn thần kinh động vật, thực vật, tổn thương hệ thần kinh... mà không được điều trị đúng cách. Nhiều người không coi sức khỏe tinh thần là quan trọng, thậm chí họ lảng tránh và có thái độ kỳ thị. Ngay cả đối với các cơ quan quản lý cũng thiếu nhận thức về sức khỏe tinh thần.
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra các số liệu như sau:
- Trên thế giới có 10- 15% người bị rối loạn tâm thần và số người có nguy cơ và đã mắc bệnh tâm thần ngày càng tăng, đặc biệt ở nước thu nhập thấp và trung bình.
- Hiện 47,5 triệu người bị mất trí nhớ trên thế giới và dự báo tới năm 2050 sẽ có khoảng 133 triệu người bị mất trí nhớ.
- Đứng thứ 2 là trầm cảm, hiện thế giới có trên 350 triệu người bị trầm cảm và ước chừng có 1 triệu người tự tử mỗi năm vì trầm cảm. Trầm cảm còn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 ở nhóm tuổi 15-29.
- Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc chứng trầm cảm nhưng phụ nữ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do có sự thay đổi về sinh hóa ở trong não, suy giảm hoạt động và số lượng các chất dopamin, serotonin ở nữ cao hơn.
- Đặc biệt, người cao tuổi là nhóm người bị trầm cảm cao nhất, nhiều người cao tuổi sống trong tuổi già với căn bệnh mất trí nhớ và trầm cảm, khiến cuộc sống của họ trở nên một gánh nặng của bản thân và gia đình.
Người cao tuổi Việt Nam hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2017
Riêng ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Bệnh viện Quân đội 103, mỗi năm Việt Nam có khoảng 36.000 - 40.000 người tự tử do trầm cảm (cao gần gấp 3 số người tử vọng do tai nạn giao thông là 10.000- 13.000 người/năm). Tỉ lệ trầm cảm trong cộng đồng là 24,3% ở độ tuổi 25-55 và tăng lên 47% ở người trên 55 tuổi. Hầu hết trường hợp tự tử đều do rối loạn tâm thần, trong đó 75% trầm cảm, 22% nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc, chỉ 3% còn lại do tâm thần phân liệt, động kinh.
Đặc biệt, có tới 85% bệnh nhân ung thư bị trầm cảm. Với người mắc tiểu đường chưa được kiểm soát, tỷ lệ này cũng tương tự. Bệnh nhân tiểu đường tuy đang được điều trị ổn định vẫn góp tỷ lệ là 25%. Trầm cảm làm tăng các nguy cơ mắc bệnh, giảm hiệu quả chữa bệnh thông thường. Theo kết quả khảo sát năm 2011 của Dự án VIE022 với 4.000 người cao tuổi cho số liệu đáng báo động, đó là: 35% (người được phỏng vấn) cảm thấy buồn và chán nản trong 12 tháng qua; 22% cảm thấy cô đơn; 33% không chia sẻ với người khác (VNAS 2011).
Nguyên nhân gây ra trầm cảm chủ yếu như sau: Do áp lực cuộc sống/stress (mâu thuẫn gia đình, con cái hư hỏng, làm ăn thua lỗ, người thân mất đột ngột...); bị mất quyền, bị người thân bỏ rơi, thiếu giao tiếp, sống thầm lặng; không có công việc, ít tham gia các hoạt động; người bị bệnh thời gian dài; đặc biệt việc sử dụng thuốc không đúng, tác dụng phụ của thuốc cũng là nguyên nhân gây trầm cảm (đặc biệt thuốc an thần kinh, thuốc gây nghiện...). Do vậy, người cao tuổi, những người sống ly thân, sau li dị, sống cô đơn, thất nghiệp... là các đối tượng có nguy cơ trầm cảm cao nhất. Ngoài ra còn có một nguyên nhân là yếu tố di truyền.
Những người bị trầm cảm thường có những biểu hiện: Hay có vẻ mặt buồn rầu, nét mặt đơn điệu, ánh mắt chậm chạp, lơ đãng, giảm khả năng tập trung, giảm quan tâm thích thú đã có trước đây; giảm hoặc lên cân, giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng; mất ngủ hoặc ngủ triền miên; dễ bị kích động hoặc trở nên chậm chạp; mệt mỏi hoặc mất sức. Có cảm giác buồn bã, vô dụng, vô giá trị, mặc cảm tội lỗi, oán trách người khác; hay nghĩ đến cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Ngày Sức khỏe Thế giới 2017 với chủ đề Bệnh trầm cảm: Tình trạng nhận thức kém, thiếu chính sách và nguồn lực chăm sóc sức khỏe tinh thần như thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu ngân sách, trang thiết bị, tập huấn, tuyên truyền... là những rào cản rất lớn hiện nay. Do vậy, Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn Bệnh trầm cảm là chủ đề để tuyên truyền trong dịp Ngày Sức khỏe Thế giới 2017. Cùng với nhiều nước khác, Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và bệnh trầm cảm.
Thời gian qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã xây dựng các chương trình khung về chăm sóc sức khỏe áp dụng trên toàn cầu, hỗ trợ các chính phủ xây dựng chiến lược, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần, phối hợp với các chương trình khác của chính phủ, trong đó có NCT. Tổ chức Y tế Thế giới công nhận chứng mất trí nhớ và trầm cảm là những thách thức về sức khỏe trên thế giới cần được phòng trị bệnh một cách tích cực. Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành Hướng dẫn quy chuẩn vầ Thực hành tốt về các bệnh rối loạn tâm thần (mhGAP). Họ đã tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng lần đầu tiên vào năm 2015 về nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần và các thách thức về kinh tế trước nguy cơ các bệnh rối loạn tâm thần, về nhận thức và trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, đồng thời kêu gọi hành động của các quốc gia và các tổ chức trên thế giới.
Để góp phần giảm nguy cơ và tác hại của bệnh tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng, việc cần làm trước tiên là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng. Ngành Y tế cần có chương trình về chăm sóc sức khỏe tinh thần, tập huấn cho người chăm sóc, tuyên truyền viên, tình nguyện viên; áp dụng mọi biện pháp để phát hiện sớm các bệnh tâm thần, giúp đỡ đi khám và điều trị; Gia đình, cộng đồng và xã hội không kỳ thị, chia sẻ, không bỏ rơi người có biểu hiện và mắc bệnh. Đặc biệt, phải coi đó là một loại bệnh, cần được tư vấn và điều trị. Đối với NCT, cần phải tạo điều kiện để NCT có cuộc sống khỏe mạnh, tích cực, vui vẻ, có quyền quyết định trong cuộc sống (tham gia câu lạc bộ, giải trí, làm từ thiện, tham gia công tác xã hội, giúp đỡ con cháu, làm kinh tế …). Ngoài ra, việc có các chính sách hỗ trợ NCT cô đơn, nghèo khó, ốm đau lâu ngày, phát triển các loại hình dịch vụ chăm sóc NCT, phòng và ngăn chặn bạo hành NCT, tạo phong trào tình nguyện viên, tình làng nghĩa xóm v.v. cũng là những biện pháp giảm thiểu nguy cơ trầm cảm của NCT nói riêng và mọi người nói chung.
- Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam kí kết chương trình hợp tác
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kí kết Chương trình phối hợp với Hội NCT Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026
- Trung ương Hội NCT Việt Nam làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
- Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: Chúc mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6)
- Chủ tịch nước thăm, tặng quà người cao tuổi tỉnh Hải Dương
- Trung ương Hội NCT Việt Nam: Gặp mặt 81 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam, Ngày NCT Việt Nam (6/6/1941-6/6/2022)
- Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 - 2026