Kỉ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Dấu tích xưa rất đỗi tự hào

Ngày đăng: 05/09/2016

Dưới bóng những cây cổ thụ um tùm xanh mát, người hướng dẫn viên vừa dẫn đường, vừa giới thiệu, tái hiện những sự kiện lịch sử trọng đại của Đảng, của đất nước gắn với quê hương cách mạng Kim Bình. Những đại biểu người cao tuổi chăm chú lắng nghe, rưng rưng xúc động, hình ảnh những năm tháng kháng chiến trường kì gian khổ mà rất đỗi tự hào lần lượt hiện ra…

 

Nhà bia tổng thể trong Khu Di tích

 

Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Kim Bình nằm trên đồi Nà Loáng thuộc thôn Bó Củng, xã Kim Bình (xưa thuộc xã Vinh Quang), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Dòng suối Cổ Linh chảy qua dưới chân đồi, là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt thuận tiện cho cán bộ, Nhân dân trong khu vực. Theo các tài liệu còn lưu giữ, tháng 2/1951, tại đây diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đại hội có ý nghĩa quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam và chính thức đưa Đảng ra hoạt động công khai; cũng là đại hội duy nhất tổ chức tại địa phương cho đến thời điểm này. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt hơn 760 nghìn đảng viên ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Các đại biểu thảo luận thông qua đường lối kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược; thông qua Tuyên ngôn, Chính cương Điều lệ Đảng; bầu BCH Trung ương 29 ủy viên; bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Bí thư của Đảng.   

Cụ Sầm Văn Chu, Chủ tịch Hội NCT xã cho biết: Để chuẩn bị xây dựng khu vực Đại hội, Bác Hồ và Trung ương đã chỉ đạo cán bộ, bộ đội, đồng bào địa phương cùng khai thác, vận chuyển gỗ, tre nứa, lá cọ, đào hầm hào, đường đi, làm hội trường, các khu nhà ở và làm việc của lãnh đạo, đại biểu, khu hậu cần, trạm xá… Suốt trong những ngày diễn ra Đại hội, Nhân dân Kim Bình lại nhường cơm sẻ áo, chăm lo hậu cần, bảo vệ an toàn cho Bác Hồ và các đại biểu. Tất cả thực hiện với tinh thần bí mật song hết sức khẩn trương. Chỉ trong 4 tháng, hơn 30 ngôi nhà trong khu vực Đại hội hoàn thành, chia làm 3 khu: Khu đại biểu chính thức, khu Bộ Chính trị - khách quốc tế và hậu cần. Hầu hết các ngôi nhà sử dụng cột gỗ tròn, mái lợp lá cọ, vách bằng phên nứa đan nong đôi, nền đất. Hội trường lớn giản dị, thanh nhã, có tính thẩm mĩ cao nằm ở trung tâm, quay về hướng Tây chiều dài 30m, rộng 8m, cao 8m thiết kế theo kiểu 4 mái. Sân khấu nổi ghép bằng ván gỗ là chỗ trang trí khánh tiết và nơi Chủ tịch đoàn chủ trì Đại hội. Trong hội trường có gác lửng dành cho đại biểu dự khuyết và phóng viên báo chí. Bàn ghế đều bằng gỗ tạp xẻ, đóng tại địa phương.

Cách hội trường không xa, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhìn ra khoảng sân rộng, sàn ghép bằng ván gỗ cao hơn so với mặt đất, bia tưởng niệm cũng bằng gỗ trang trọng in dòng chữ: "Đại hội Đại biểu lần thứ II - Thương nhớ các đồng chí đã hi sinh vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa cộng sản". Nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, nhỏ xinh theo kiểu nhà sàn, quay mặt vào hội trường. Sàn nhà rải bằng phên nứa đan trên dầm gỗ, phía dưới có bếp lửa. Cạnh đó, hai hầm hình chữ U ngụy trang bởi luống cọ, có hai cửa ngách thông lên mặt đất. Nhà khách quốc tế nửa sàn, nửa đất thiết kế 3 tầng, mái cao thấp theo thế đất. Hai cầu thang chính giữa và bên sườn cùng hệ thống cửa sổ tạo sự thông thoáng, mát mẻ. Khu đất tương đối bằng phẳng gần hội trường lớn được sử dụng làm sân thể thao; một số gốc cây, thân cây cưa ra làm bàn ghế.

Ngoài ra, trạm xá, nhà triển lãm, trạm gác, hệ thống giao thông hào và nhiều hố trú ẩn cá nhân rải rác được thiết kế giản dị, hợp lí.

Tấm bia tổng thể ngay lối vào Khu Di tích còn ghi lại nhiều sự kiện trọng đại khác của cách mạng Việt Nam như: Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên - Việt từ ngày 3 đến 7/3/1951; Hội nghị Liên minh Nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia diễn ra ngày 11/3/1951; khai giảng khóa III của Trường Nguyễn Ái Quốc (tiền thân Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) ngày 31/5/1951; Đại hội Chiến sĩ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất 1/5/1952.

Trải qua hơn nửa thế kỉ, do tác động của thiên nhiên và con người, các công trình hầu như hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn địa điểm và nền nhà. Sau khi được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia năm 1991; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh tiến hành di dời dân, mở rộng diện tích tôn tạo nhằm phát huy tác dụng nghiên cứu và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Hiện Khu di tích mới phục dựng một số hạng mục như hội trường, đài liệt sĩ, nhà làm việc của Bác Hồ và xây dựng khu nhà làm việc của Ban Quản lí. Được biết, hiện nay tại Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ một số hiện vật như bàn ghế, bục kê bát hương tại đài tưởng niệm, hộp cơm của đại biểu…

Nhiều năm qua, phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong xã đoàn kết nỗ lực vươn lên, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, được tỉnh chọn làm điểm và cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2015./. 

 

Bài, ảnh: Thanh Hà