Đạo đức người làm báo trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỉ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2017)
Đạo đức người làm báo trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam với việc tổ chức và xuất bản tờ báo Thanh niên ngày 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản báo chí vô giá, trong đó những giá trị đạo đức của người làm báo được Bác đặc biệt quan tâm.
Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được tầm quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Người khẳng định, muốn làm cứu nước giải phóng dân tộc, trước hết phải có tư tưởng, đường lối cách mạng, phải vận động, tổ chức và giác ngộ quần chúng, đồng thời phải liên lạc với "vô sản giai cấp mọi nơi". Để làm được điều đó, nhất thiết phải cần đến vai trò của báo chí. Báo chí cách mạng chính là công cụ thiết yếu, là vũ khí sắc bén góp phần thúc đẩy cách mạng phát triển không ngừng.
Trong cách mạng giải phóng dân tộc, báo chí là một lực lượng quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hóa, nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành những "lời hịch kháng chiến" kêu gọi đồng bào đoàn kết xung phong ra trận giết giặc lập công bảo vệ nền độc lập dân tộc. Thông qua báo chí, tố cáo tội ác và cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của chủ nghĩa đế quốc thực dân, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè trên thế giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Bác Hồ với các phóng viên báo đài (Ảnh: Internet)
Trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới đất nước, Báo chí góp phần to lớn vào việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phản ánh hiện thực đời sống xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đồng thời đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm đúng đắn của Đảng, góp phần to lớn nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy quan hệ ngoại giao không ngừng phát triển...
Từ việc nhận thức vai trò to lớn của báo chí đối với cách mạng, suốt cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với báo chí nói chung, đạo đức người làm báo nói riêng. Người đã sáng lập 09 tờ báo (Người cùng khổ, Quốc tế nông dân, Thanh niên, Công nông... ), viết hơn 2.000 bài báo với nhiều thứ tiếng khác nhau (Anh, Pháp, Trung, Nga, Thái…), sử dụng 150 bút danh, đăng trên hàng trăm tờ báo, tạp chí ở trong và ngoài nước. Đồng thời chỉ thị thành lập các cơ quan thông tấn trung ương: Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài tiếng nói Việt Nam), ngày 07/9/1945; Thành lập hãng Thông tấn Quốc gia (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 15/9/1945; Chỉ đạo ra Báo Nhân dân, năm 1951; Ký sắc lệnh quy định chế độ báo chí, tự do ngôn luận, ngày 14/12/1956, qua đó làm tiền đề cho việc ra đời các văn bản pháp luật về báo chí Việt Nam sau này...
Đánh giá vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền báo chí cách mạng Việt Nam, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, là người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí và giới báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí. Cho nên, Bác tự nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí và những lời dạy của Bác về công tác báo chí là cả một kho tàng vô giá về lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ đường lối báo chí vô sản của Đảng ta, khắc sâu trong tâm trí những người làm báo chúng ta" [1]
Giáo dục, rèn luyện đạo đức người làm báo
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục, đào tạo, rèn luyện đạo đức người làm báo. Theo Người, làm báo chính là làm cách mạng, người làm báo là người làm cách mạng phục vụ lý tưởng cách mạng, phục vụ nhân dân. Ngòi bút của người làm báo phải trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, góp phần đem lại cuộc sống tự do ấm no hạnh phúc cho nhân dân. “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. [2]
Người quan niệm, trước khi đặt bút viết, nhà báo cần phải suy nghĩ xem: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Lấy tài liệu đâu mà viết? Cách viết thế nào? Viết rồi phải làm thế nào? [3]. Những thông tin phản ánh phải đảm bảo tính khách quan, chân thực, tính thời sự, phải góp phần vào sự phát triển của cách mạng, vào "sự nghiệp phò chính, trừ tà", đem lại cuộc sống hạnh phúc ấm no cho nhân dân.
Trên mặt trận báo chí, Người luôn là tấm gương sáng ngời về ý thức tự trau dồi đạo đức, phong cách báo chí, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Người làm báo chân chính phải là người có đạo đức cách mạng và luôn đặt đạo đức cách mạng lên hàng đầu. Họ chính là những chiến sỹ cách mạng. Ngòi bút và tác phẩm của họ là những vũ khí sắc bén trên mặt trận đấu tranh chống giặc nội xâm và ngoại xâm. Vì vậy, “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động…”[4]
Nhận thức được tầm quan trọng của báo chí nói chung, đội ngũ người làm báo nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng, cho nên dù bận "trăm công nghìn việc", trong bộn bề khó khăn của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tại chiến khu Việt Bắc, năm 1949, Người đã chủ trương mở lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng - lớp viết báo đầu tiên của nước ta, đồng thời nhiều lần viết thư gửi cho lớp học nhắc nhở các học viên phải luôn chăm chỉ học tập, nghiên cứu tài liệu, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức người làm báo.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, trước yêu cầu của tình hình mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ người làm báo để tiếp tục phát huy vai trò của họ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước.
Trong các buổi tiếp xúc, nói chuyện với đội ngũ nhà báo, Người luôn nhấn mạnh nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng" [5]. Người làm báo phải là người có lập trường vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng với Nhân dân, gắn bó hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân: "Báo chí của ta thì cần phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng” [6].
Người làm báo phải luôn có ý thức không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Phải dám chịu trách nhiệm trước những bài viết của mình, vượt khó đi lên, thường xuyên học tập, trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cách mạng. “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập" [7].
Khi đặt bút viết, cần phải tôn trọng sự thật, phải trung thực khách quan, không bịa đặt, thêm bớt: “Không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”[8]. Đồng thời luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thường xuyên tự kiểm điểm, sửa chữa để các bài viết ngày càng hoàn thiện phục vụ tốt nhất cho cách mạng và nhân dân.
Qua 92 năm xây dựng và trưởng thành, Báo chí cách mạng Việt Nam đã phát huy vai trò của mình luôn đồng hành cùng với sự phát triển thăng, trầm của lịch sử dân tộc. Đội ngũ những người làm công tác báo chí đều thực hiện đúng những nội dung cốt lõi trong chuẩn mực đạo đức nhà báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Báo chí nói chung, đội ngũ những người làm báo nói riêng đã trở thành cầu nối không thể thiếu giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Thông qua ngòi bút và các tác phẩm báo chí đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho nhân dân, đồng thời phản ánh những kiến nghị của nhân dân lên các cơ quan nhà nước. Nhờ vậy, những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước có thể điều chỉnh bổ sung kịp thời phục vụ và đem lại lợi ích cho nhân dân.
Việc học tập đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh đối với những người làm báo nói riêng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung luôn mang tính thời sự và là nhiệm vụ cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Trường Chinh: Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.68.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 64.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7 Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.117-120.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr.616.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr.613
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr.422.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2005, tr.5- -52.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập Nxb CTQG, Hà Nội 2005, tr.118
- Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam kí kết chương trình hợp tác
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kí kết Chương trình phối hợp với Hội NCT Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026
- Trung ương Hội NCT Việt Nam làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
- Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: Chúc mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6)
- Chủ tịch nước thăm, tặng quà người cao tuổi tỉnh Hải Dương
- Trung ương Hội NCT Việt Nam: Gặp mặt 81 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam, Ngày NCT Việt Nam (6/6/1941-6/6/2022)
- Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 - 2026