Kiểm tra, giám sát kết quả 5 năm thực hiện Luật NCT và 3 năm thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012-2020

Ngày đăng: 11/08/2015

Trong 2 ngày 4-5/8/2015, Đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi (NCT) Việt Nam do đồng chí Cù Thị Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam làm Trưởng đoàn đã làm việc với Hội NCT hai xã Việt Hùng, Vân Nội, huyện Đông Anh và UBND thành phố Hà Nội về kết quả 5 năm thực hiện Luật NCT và 3 năm thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012-2020. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Lê Minh Giang, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Trung ương Hội NCT Việt Nam; Cục Bảo trợ xã hội Bộ LĐ - TB&XH và Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam.
 

Chủ tịch Cù Thị Hậu và đoàn công tác làm việc tại xã Việt Hùng,
huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Ngày 4/8, Đoàn đã giám sát tại 2 xã Việt Hùng và Vân Nội, huyện Đông Anh. Công tác triển khai Luật NCT và Chương trình Hành động Quốc gia về NCT ở 2 xã triển khai khá tốt. Tổ chức Hội hoạt động nề nếp, số NCT tham gia tổ chức Hội chiếm tỉ lệ cao. Cán bộ Hội được cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện. Phó Chủ tịch Hội NCT xã Vân Nội được trợ cấp 200.000đ; Chi hội trưởng 100.000đ/tháng. Hai xã đều triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp xã hội cho NCT bị khuyết tật, cô đơn, hộ nghèo và cận nghèo và NCT đủ 80 tuổi trở lên theo các Nghị định của Chính phủ. Công tác chúc thọ, mừng thọ nhân dịp Tết cổ truyền và các ngày lễ lớn được thực hiện cho 100% NCT tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95 và từ 100 tuổi trở lên theo quy định của Luật NCT.

 

Đoàn công tác làm việc tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Ngoài tiền tặng quà từ ngân sách của Thành phố, UBND,  Hội NCT xã và các chi hội còn tặng thêm quà bằng tiền và hiện vật có giá trị từ 80.000-100.000đ cho mỗi cụ. Việc tổ chức tang lễ, phúng viếng được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, mỗi cụ được phúng viếng từ 200.000 -250.000đ, riêng Chi hội thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng phúng 01 cỗ áo quan trị giá 1.700.000đ.   Xã Việt Hùng có số NCT qua đời được đưa đi hỏa táng đạt 80%, đảm bảo việc tang văn minh tiến bộ; cấp thẻ BHYT miễn phí 100% cho NCT từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất BHXH… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và tổ chức khám chữa bệnh cho NCT theo Thông tư 21 của Bộ Tài chính và Thông tư 35 của Bộ Y tế vẫn còn nhiều khó khăn bất cập: Kinh phí còn quá ít nên chủ yếu chỉ khám cho NCT từ đủ 80 tuổi trở lên; số NCT từ 60-79 chưa được khám bệnh thường xuyên; việc ưu tiên khám chữa bệnh cho NCT ở các bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức. Việc xây dựng Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu còn hạn chế…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn
phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác.


Ngày 05/8, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Đoàn công tác làm việc với  UBND thành phố do đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực đón tiếp; cùng dự có đông đảo đại diện lãnh đạo các sở ban, ngành và Ban Đại diện Hội NCT thành phố. Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện tốt chế độ chính sách cho NCT theo Luật NCT và Chương trình hành động quốc gia về NCT. Hà Nội hiện có 604.733 hộ gia đình có NCT, với 728.343 NCT từ 60 tuổi trở lên, chiếm tỷ lệ 10,5% tổng dân số. NCT từ 100 tuổi trở lên có 1.270 người; hội viên Hội NCT có 622.852 người; 18.144 NCT NCT thuộc diện hộ nghèo, 12.904 NCT thuộc hộ cận nghèo.

Căn cứ Luật NCT, Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NCT, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 27/9/2011 về chăm sóc, phát huy vai trò NCT thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và quyết định một số chính sách quan trọng nhằm chăm sóc phát huy vai trò NCT thành phố như:  Trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ BHYT đối với NCT thuộc diện đối tượng BTXH với mức chuẩn trợ cấp (hệ số 1) là 350.000 đ/người/tháng; cấp thẻ BHYT cho 492.856 NCT thuộc diện đối tượng BTXH, đạt tỷ lệ 64,8%, trong đó BHYT tự nguyện 76.781 người, BHYT bắt buộc 412.668 người.  Các bệnh viện, trung tâm y tế quận huyện thị xã phối hợp với Hội NCT ở cơ sở tổ chức định kỳ khám sức khỏe cho NCT, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho 691.866 lượt NCT. Ban Đại diện Hội NCT thành phố phối hợp với Bệnh viện mắt Quốc tế DND, Bệnh viện mắt Trung ương, Bệnh viện mắt Việt Nhật, Bệnh viện mắt Hitec, Bệnh viện mắt Sài Gòn-Hà Nội và Bệnh viện mắt Hà Nội tổ chức khám, tư vấn các bệnh về mắt cho 163.517 NCT và chữa các bệnh về mắt cho 15.754 NCT.Tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe tại nhà cho 15.738 NCT; tổ chức khám sức khỏe, tư vấn cho 92.365 phụ nữ cao tuổi với số tiền trên 2,7 tỷ đồng .

Thành phố chỉ đạo các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã bố trí các giường bệnh để chăm sóc sức khỏe riêng cho NCT. Đội ngũ nhân viên y tế hàng năm được đào tạo về lão khoa là 1.725 người. NCT được ưu tiên khám chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Thành phố bố trí đầy đủ kinh phí chăm sóc sức khỏe cho  NCT hàng năm theo Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/2/2011 của Bộ Tài chính và Thông tư  số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế. Kết quả 82.037 NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm; 691.866 NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 708.785 NCT được phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe.

 Về thực hiện chế độ BTXH cho NCT, thành phố chi trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 58.773 NCT có công với cách mạng, 288.809 NCT hưởng chế độ hưu trí mất sức; giải quyết TCXH tại cộng đồng cho 95.166 NCT, trong đó có 90.780 NCT từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấpBHXH, 4.386 NCT thuộc hộ nghèo không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng; trợ giúp đột xuất cho 2.133 NCT thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; 409 NCT được hỗ trợ nhà ở với tổng kinh phí trên 33 tỷ đồng.  Các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, hướng dẫn thủ tục và đề nghị UBND quận, huyện, thị xã xét duyệt TCXH hàng tháng cho NCT thuộc diện đối tượng BTXH (NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH; NCT thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng TCXH hàng tháng) đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định với mức chuẩn trợ cấp 350.000đ/người/tháng. NCT nghèo không có người phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng được tiếp nhận vào các cơ sở BTXH. Năm 2014,  Sở LĐTBXH thành phố đã tiếp nhận 195 NCT thuộc hộ nghèo vào nuôi dưỡng tại 3 Trung tâm BTXH công lập; cấp thẻ BHYT miễn phí cho NCT từ 80 tuổi trở lên đang hưởng tuất BHXH. Đặc biệt, thành phố thực hiện chính sách khuyến khích hỏa táng, hỗ trợ mức 3.000.000 đồng/trường hợp; hỗ trợ chi phí vận chuyển (nội thành 500.000 đồng/trường hợp; ngoại thành 1.000.000 đồng/trường hợp).

Công tác thăm hỏi, chúc thọ, tặng quà NCT được thực hiện mỗi năm 2 đợt (nhân dịp Tết nguyên đán và Ngày Quốc tế NCT 1/10) với các mức quà cao hơn quy định của Luật: Độ tuổi 70, 75, 80, 85 (500.000đ/người);  90, 95 (600.000đ/người); tròn 100 (1.000.0000đ/người và 5 mét lụa đỏ); trên 100 (1.000.000đ/người). Một số quận, huyện còn trích ngân sách chúc thọ, mừng thọ các cụ tuổi từ 91-94 và từ 96-99 với mức 500.000đ/cụ.

Thành phố thực hiện giảm 50% giá vé xe buýt nội đô đơn tuyến và 45% giá vé xe buýt nội đô liên tuyến đối với NCT từ 60 tuổi trở lên; giảm 20% giá vé, giá dịch vụ khi tham quan di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, tập luyện thể dục thể thao tại các cơ sở thể dục thể thao.

Hội NCT cơ sở đã vận động hội viên đóng góp Chân quỹ của Hội tới nay có số dư 163 tỷ 575 triệu đồng; vận động xã hội, người hảo tâm ủng hộ Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT, đến nay có 568/584 Hội cơ sở có quỹ (đạt tỉ lệ 97,2%) và có số dư là 42 tỷ 879 triệu đồng, đồng thời tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình xây dựng Quỹ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ do gia đình, dòng họ quản lý.

Để tạo điều kiện cho NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội, các loại hình câu lạc bộ NCT từ chi hội đến cấp thành phố được thành lập và hoạt động, trong đó mô hình câu lạc bộ dưỡng sinh (Thức vũ kinh) được NCT tham gia hưởng ứng tích cực. Hiện Hà Nội có 8.227 câu lạc bộ sức khỏe, văn hóa, thể thao và giải trí tại 30 quận huyện thị xã, thu hút 250.000 NCT tham gia. Phong trào sống vui, sống khoẻ của NCT ngày càng sôi động với nhiều loại hình câu lạc bộ VHVN, TDTT, thơ ca... Tiêu biểu là các quận, huyện như Long Biên, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Trì, Mê Linh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Gia Lâm, Sóc Sơn phong trào phát triển rất mạnh.

NCT thành phố luôn phát huy vai trò “Tuổi cao - Gương sáng”, tham gia đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng:  Có 46.106 NCT tham gia công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc; 3.201 NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; 5.651 NCT là chủ trang, cơ sở sản xuất kinh doanh; 80.609 NCT tham gia chương trình bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; 137.002 NCT tham gia công tác xã hội khác như khuyến học, thanh tra nhân dân, an ninh nhân dân, hòa giải; tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, thực hiện nếp sống văn minh. Vai trò NCT luôn được đề cao và phát huy trong gia đình và xã hội. Năm 2014, 95% gia đình NCT thành phố đạt gia đình văn hóa.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc phát huy vai trò NCT ở một số địa phương nhất là ở xã phường, thị trấn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Cán bộ còn kiêm nhiệm nhiều công việc, cơ sở hạ tầng còn khó khăn; kinh phí cấp cho Hội cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của NCT... Mặc dù thành phố đã nâng mức TCXH cao hơn so với chuẩn Trung ương quy định (350.000 đồng/người/tháng) nhưng vẫn còn thấp, chưa phù hợp với thực tế, đời sống của NCT thuộc diện cô đơn, hộ nghèo còn nhiều khó khăn.

Từ thực tiễn công tác NCT, Thành phố nêu một số đề xuất, kiến nghị Quốc hội bổ sung sửa đổi Luật NCT, cụ thể: Tại khoản 2 Điều 18 Luật NCT quy định: “NCT thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng được tiếp nhận vào cơ sở BTXH”. Trên thực tế, có một số NCT cô đơn, không nơi nương tựa, không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng được vào sống tại các cơ sở BTXH, nhưng không thuộc hộ nghèo (do có các khoản trợ cấp, thu nhập trên mức chuẩn nghèo). Tuy nhiên các khoản thu nhập này không đủ để NCT vào sống tại các cơ sở chăm sóc NCT theo hình thức tự nguyện (mức đóng góp từ 5 triệu đến 12 triệu đồng/tháng). Vì vậy đề nghị bỏ điều kiện NCT “thuộc hộ gia đình nghèo” khi tiếp nhận NCT vào cơ sở BTXH.

Về cơ chế chính sách, Thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội và Nghị định 45/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội cho phù hợp với thực tế để tạo điều kiện cho các cấp hội hoạt động hiệu quả hơn.

Chủ tịch Cù Thị Hậu phát biểu kết luận buổi làm việc
với UBND thành phố Hà Nội.

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Cù Thị Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam đánh giá cao và trân trọng cám ơn sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố Hà Nội đối với NCT và tổ chức Hội NCT trên địa bàn; khẳng định kết quả thu được qua đợt kiểm tra, giám sát lần này sẽ là một trong những căn cứ để Ủy ban Quốc gia về NCT và Hội NCT Việt Nam báo cáo Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật NCT trong thời gian tới.

Ngô Thị Mến - Văn phòng Trung ương Hội