Sôi nổi thảo luận dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Kỳ họp thứ mười, Quốc hội Khóa XIII
Sôi nổi thảo luận dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
QĐND - Ngày 24-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển nội dung, Quốc hội đã dành toàn bộ thời gian trong ngày để thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là bộ luật rất quan trọng, lần thứ 3 được Quốc hội thảo luận, tiếp tục hoàn thiện dự thảo để dự kiến thông qua tại kỳ họp này.
|
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ảnh: TTXVN |
Chuẩn bị công phu nhưng cần tiếp tục hoàn thiện
Trước khi các đại biểu tiến hành thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Buổi thảo luận sôi nổi ngay từ đầu khi các đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình); Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng); Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh); Lê Xuân Thảo (đoàn Hà Nội); Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận)… đánh giá cao bản dự thảo trình Quốc hội lần này là “chuẩn bị công phu”; đã tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện sau khi thảo luận từ các kỳ họp trước. Nữ đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa) nhận xét: “Đây là một bộ luật rất đồ sộ, tác động trực tiếp đến tất cả chúng ta. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung một cách công phu…”. Đồng quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: Do tiếp thu ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nhân… nên dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này trình Quốc hội được chuẩn bị khá công phu, khoa học, chính xác”. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, quy định rõ hơn một số điều, khoản.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) “hoan nghênh dự thảo Bộ luật Dân sự trình Quốc hội lần này”, bởi đã có nhiều đổi mới; tiếp thu tối đa những ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Về những chế độ pháp lý đối với một số loại tài sản mới (trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước, khoáng sản), đại biểu Khánh cho rằng, đến nay Quốc hội đã ban hành các đạo luật (Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chứng khoán, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản…), những quy định này cũng đã góp phần bảo đảm cơ chế pháp lý để Nhà nước quản lý xã hội, quản lý và xác định những vấn đề về tài sản của những cá nhân, pháp nhân trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo đại biểu, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, đã xuất hiện một số loại tài sản mới như: Tài sản ảo, game online, ví điện tử, khoảng không vũ trụ…, do đó, những loại tài sản này cũng cần phải được bổ sung và luật hóa để khẳng định được quyền tài sản. Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, việc công nhận các loại tài sản mới này còn nhiều bất cập. Đây chính là những rào cản, khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta.
Cũng liên quan đến vấn đề hội nhập quốc tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Bộ luật Dân sự không chỉ “dùng” cho người Việt Nam và không chỉ phù hợp với đặc điểm, đặc thù của Việt Nam, mà còn của công nhân, doanh nhân nước ngoài từ hàng trăm quốc gia; do đó, phải phù hợp với các công ước quốc tế, pháp luật và quan hệ quốc tế. “Để xây dựng các quan hệ pháp lý dân sự nhằm hưởng thụ các quyền và thực thi các nghĩa vụ, cần khái niệm từng định chế, thậm chí từng câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy, bởi nó sẽ tác động đến nền kinh tế, các quan hệ văn hóa-xã hội, nhất là khi có tranh chấp xét xử”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.
Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự nên theo hướng nào?
Đây cũng là những nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại nghị trường. Liên quan đến chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, các ý kiến tán thành dự thảo Bộ luật Dân sự quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, mà tùy thuộc vào từng quan hệ dân sự, việc tham gia của những chủ thể này thực hiện thông qua các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc thông qua người đại diện.
Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội), việc loại bỏ hộ gia đình, tổ hợp tác ra khỏi chủ thể quan hệ pháp luật dân sự là phù hợp. Đại biểu Thảo lý giải: “Trong thực tế đã xuất hiện nhiều vướng mắc khi để các thành phần này tham gia quan hệ pháp luật dân sự”. Đại biểu cũng cho rằng, việc bỏ hộ gia đình, tổ hợp tác ra khỏi chủ thể quan hệ pháp luật dân sự không vướng gì trong xử lý thực tế hiện nay, bởi tại Điều 101 của dự thảo bộ luật cũng đã có quy định rõ hộ gia đình, tổ hợp tác có thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự vào những trường hợp nhất định.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì cho rằng, qua tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự hiện hành cho thấy, có rất nhiều bất cấp, vướng mắc trong việc xác định tư cách thành viên, tư cách đại diện tài sản chung, trách nhiệm pháp lý… Về bản chất pháp lý, sự tham gia của các chủ thể này thực chất là sự tham gia của cá nhân chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự bằng tài sản riêng của mình.
Quyền cá nhân cần được quy định cụ thể hơn
Đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa) dành hầu hết quỹ thời gian được phát biểu để góp ý vào nội dung quy định tại Điều 32 về “Quyền cá nhân đối với hình ảnh” trong dự thảo Bộ luật Dân sự. Theo đại biểu, thời gian qua, báo chí sử dụng hình ảnh cá nhân một cách tùy tiện, xâm phạm đến lợi ích, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân khác. Những vi phạm chủ yếu là trong quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh, giao dịch dân sự… Đại biểu Hiền cho rằng, trong quá trình thi hành Bộ luật Dân sự và Luật Báo chí hiện hành còn nhiều vấn đề chưa được quy định cụ thể. “Tiêu chí nào được xác định là ảnh cá nhân, ảnh sinh hoạt tập thể, thế nào là vì lợi ích cá nhân, lợi ích công cộng, nhất là việc đăng ảnh đương sự trong phiên tòa dân sự, hành chính, lao động…, pháp luật quy định ra sao cũng là vấn đề còn bỏ ngỏ, dẫn đến việc áp dụng khác nhau”, đại biểu Lê Minh Hiền nêu câu hỏi. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cần quy định rõ việc sử dụng hình ảnh khác phải theo luật định; đồng thời cũng nhấn mạnh, về nguyên tắc, định hướng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Luật Báo chí (sửa đổi) cần quy định cụ thể để bảo vệ quyền nhân thân, trong đó có quyền của cá nhân đối với hình ảnh.
Góp ý về Điều 34 quy định “Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín”, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh): Quy định như trong dự thảo bộ luật thì “rất là tốt”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên quy định về thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của cá nhân được đăng trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính tại phương tiện thông tin đại chúng đó; đồng thời phải gỡ bỏ và cải chính ở vị trí và với tính chất, mức độ tương xứng. “Sở dĩ phải quy định chặt chẽ như vậy trong bộ luật, vì thực tế có trường hợp đăng thì rất dài, 5-7 số báo, thậm chí hàng trang, cả trang nhất, trang hai, nhưng khi cải chính thì rất bé nhỏ, ở trang trong, vì vậy nên quy định thêm cho phù hợp”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
“Nóng” vấn đề chuyển đổi giới tính
Vấn đề về chuyển đổi giới tính, được quy định tại Điều 37 của dự thảo Bộ luật Dân sự cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Đa số ý kiến đều đồng tình và mong muốn pháp luật sẽ sớm thừa nhận vấn đề chuyển đổi giới tính, vì đây là quyền con người được quy định trong Hiến pháp. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, không nên phân biệt đối xử mà nên công nhận với người chuyển đổi giới tính. “Theo dự thảo bộ luật, với những người muốn chuyển đổi giới tính, nếu không cấm thì họ có quyền thực hiện, còn nếu cấm thì dễ khuyến khích những người này làm chui; làm chui rồi về chúng ta vẫn công nhận, như thế là bất cập”, đại biểu Bá Thuyền lý giải.
Cũng ủng hộ quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng nên thừa nhận vấn đề chuyển đổi giới tính này vào một đạo luật cụ thể. Đại biểu Nguyễn Thúy Anh (đoàn Phú Thọ) thì đề xuất: Chuyển đổi giới tính nhưng phải theo luật, phải bổ sung điều kiện đối với người có đề nghị thay đổi giới tính. Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Thúy Anh, đó phải là những người “có tâm tư, là người từ 18 tuổi trở lên, đã thực hiện tiêm hoóc-môn, cam kết giữ nguyên giới tính này cho tới khi chết”.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới, trường hợp nào được chuyển đổi giới tính để tránh lạm dụng. Còn đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) thì “tha thiết” đề nghị Quốc hội nghiên cứu sớm công nhận vấn đề này. “Trong thực tế, những người có vấn đề về giới tính họ vẫn đi học, đi làm bình thường và vẫn phải “ẩn” cái chuyện đó, dường như là có một cái “tội” gì đó”, đại biểu Bùi Thị An luận dẫn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chưa nên quy định “công nhận việc chuyển đổi giới tính”.
Chủ nhật, 25-10, Quốc hội nghỉ làm việc.
- Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam kí kết chương trình hợp tác
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kí kết Chương trình phối hợp với Hội NCT Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026
- Trung ương Hội NCT Việt Nam làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
- Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: Chúc mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6)
- Chủ tịch nước thăm, tặng quà người cao tuổi tỉnh Hải Dương
- Trung ương Hội NCT Việt Nam: Gặp mặt 81 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam, Ngày NCT Việt Nam (6/6/1941-6/6/2022)
- Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 - 2026