Lạng Sơn: NCT phát huy vai trò trong giữ gìn dân ca truyền thống
Lớp NCT được ví như kho tàng về các làn điệu dân ca truyền thống. Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, NCT Lạng Sơn luôn thể hiện tâm huyết với các làn điệu hát sli, then, lượn, hát ví… Các cụ luôn có sự đóng góp tích cực trong các hoạt động văn nghệ, giới thiệu, bảo tồn và truyền dạy các làn điệu này cho thế hệ trẻ.
Một tiết mục dân ca trong "Liên hoan tiếng hát NCT tỉnh Lạng Sơn"
lần thứ IV (ảnh HH)
Vào dịp "Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư" 18/11 hay dịp "Lễ hội Xuân" hàng năm, các cụ đều đóng góp các tiết mục hát dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đáng nói là sự tham gia đó mang tính tự nguyện, xuất phát từ cái tâm, từ trách nhiệm với quê hương, văn hóa dân tộc. Các cụ chọn làn điệu dân ca phù hợp, chuẩn bị các trang phục truyền thống, góp phần đem đến cho ngày hội không khí vui tươi, phấn khởi; thu hút đông đảo người dân, trong đó có thế hệ trẻ đến thưởng thức. Mỗi NCT tham gia trình diễn đều tỏ rõ sự mực thước, khiến cho lễ hội thêm trang trọng hơn.
Trong việc tham gia chương trình Liên hoan tiếng hát NCT cấp tỉnh của Lạng Sơn những năm gần đây cũng vậy. Chương trình được tổ chức 2 năm 1 lần và luôn được đông đảo NCT tại các địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Vừa mới đây, Liên hoan tiếng hát NCT tỉnh Lạng Sơn lần thứ VI, chào mừng Quốc tế NCT 1-10, có sự góp mặt của trên 160 diễn viên, là những hạt nhân trong phong trào văn nghệ của NCT tại các huyện, thành phố. Nhiều người trong số đó đã tham gia từ đợt liên hoan lần thứ nhất, hiện đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe có phần giảm sút nhưng vẫn hăng hái tham gia. Đối với các cụ, đây không chỉ là dịp để giao lưu, học hỏi mà quan trọng hơn là góp phần giới thiệu, khơi dậy niềm đam mê âm nhạc dân gian trong công chúng, trong đó có thế hệ trẻ. Trong tổng số 60 tiết mục tại Liên hoan tiếng hát NCT tỉnh lần thứ VI vừa qua có tới một nửa là hát dân ca. Trong đó, nhiều nhất là hát then, hát sli; ngoài ra còn có cả tấu mo, hát ví; có một số tiết mục là tự biên, tự diễn theo làn điệu nhất định. Nội dung các tiết mục tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, phản ánh phong tục tục tập quán, tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội như tiết mục “Ví mời rượu” của đội thi NCT huyện Bắc Sơn; “Tấu mo bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội” của đội thi NCT huyện Tràng Định… Thông qua sự thể hiện đầy cảm hứng của những diễn viên không chuyên, chương trình phần nào tác động thế hệ trẻ biết trân trọng, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Không chỉ tham gia các sự kiện văn hóa, văn nghệ mà trong sinh hoạt cộng đồng, NCT vẫn tích cực phát huy vai trò của mình trong việc lưu giữ các làn điệu dân ca truyền thống. Đặc biệt, những năm gần đây, công tác này càng được đẩy mạnh thông qua hoạt động câu lạc bộ văn nghệ NCT. Theo thống kê của Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có 207 Câu lạc bộ NCT, trong đó có 83 Câu lạc bộ văn nghệ NCT, thu hút gần 2.000 NCT tham gia. Mặc dù có khó khăn chung là thiếu trụ sở và kinh phí hoạt động, nhưng bằng tâm huyết của mình, các cụ đã cố gắng khắc phục để duy trì hoạt động; đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ các làn điệu dân ca truyền thống. Bà Nguyễn Thị Vuốt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nhiều năm, cho biết: Các thành viên trong câu lạc bộ đã tự sắm được đàn tính; những buổi tập hát then đều có mặt đông đủ các thành viên, không khí sinh hoạt rất sôi nổi, hào hứng. Không chỉ sinh hoạt nội bộ mà chúng tôi còn khuyến khích bà con nhân dân địa phương tham gia hưởng ứng, tạo thành phong trào văn nghệ rất phát triển. Bên cạnh đó, thời gian qua, chúng tôi đã vận động và hướng dẫn một số thanh niên tại địa phương tham gia học đàn tính, hát then. Để dễ hiểu, chúng tôi đã sáng tác lời mới theo các làn điệu, phù hợp với phong tục, tập quán địa phương. Các cháu tỏ ra rất hứng thú, bước đầu đã thể hiện được một số làn điệu then quen thuộc.
Trong bối cảnh nền âm nhạc hiện đại đang thịnh hành, việc bảo tồn dân ca truyền thống là rất cấp bách, nếu không nó sẽ có nguy cơ bị mai một. Trước thực tế đó, NCT đã phát huy tốt vai trò của mình, họ vừa là cầu nối, vừa chính là người trực tiếp truyền đạt kiến thức dân ca, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng đi lên. Ông Hoàng Huy Ấm, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: ngoài tài năng và những cố gắng, nỗ lực của NCT, các cấp, các ngành cần tạo điều kiện thuận lợi để họ cống hiến được nhiều hơn trong công tác này. Cần có chính sách quan tâm đến sức khỏe, tinh thần và vật chất cho các nghệ nhân cao tuổi, đặc biệt là các nghệ nhân hát dân ca, để họ yên tâm cống hiến và truyền dạy cho thế hệ trẻ./.
Bài, ảnh: Hoàng Huấn
(Nguồn: Hội NCT tỉnh Lạng Sơn)
- Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào Nguyễn Du
- Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11
- Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc
- Hà Nội công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin
- Việt Nam giành 6 Huy chương Olympic Toán học quốc tế
- Hội thảo Lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
- Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số
- Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2015: Hội thảo 'Tứ ngũ đại đồng đường'
- Phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp vào nông nghiệp
- Báo chí cách mạng không thể tránh né những vấn đề 'nhạy cảm'*