Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Để gia đình trở thành tổ ấm

Ngày đăng: 29/06/2016

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28 tháng 6, xin có đôi điều bày tỏ cùng những ai quan tâm với tư cách là con người với nhau cùng có trách nhiệm giữ gìn tổ ấm. Bao nhiêu năm qua, những giá trị sâu sắc và sự thiêng liêng của hai từ “Gia đình” luôn là điều nhiều người quan tâm. Tôi rất ngưỡng mộ những đại gia đình như: “Tứ đại đồng đường”, “Ngũ đại đồng đường” hay ít ra là “Tam đại đồng đường” mà tôi được chứng kiến với hàng mấy chục người chung một nồi cơm, nhường nhau cọng rau, miếng thịt, bữa ăn thật ấm cúng. Lúc thầy u tôi còn sống, các cụ thường dạy con cháu: Nhà mình được tứ đại đồng đường là quý rồi, nhờ phúc đức của tổ tiên để lại, các con phải biết trân trọng, giữ gìn.

Bây giờ ở nhiều nơi, truyền thống đó hầu như chỉ còn trong ký ức. Nhiều lúc tôi tự hỏi cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, giàu hơn nhiều so với khoảng 20 năm trước đây cả về tinh thần và vật chất, nhưng dường như con người sống có vẻ cá nhân hơn, ích kỷ hơn!? Phải chăng người ta chỉ mải mê kiếm tiền, thậm chí bằng mọi giá mặc dù biết rằng khi sang thế giới bên kia họ cũng không mang theo được gì như lời của Nguyễn Trãi: “Của là muôn sự của chung/sinh không, thác lại tay không có gì”, hoặc khi đang sống, con cháu họ cứ tiêu xài tiền của ông bà/cha mẹ theo kiểu “Công tử Bạc Liêu”. Vậy tiền nhiều (chưa nói đến những đồng tiền không chính đáng) để làm gì khi họ không chăm lo cuộc sống gia đình hạnh phúc, đầm ấm, con cháu thành đạt để không thẹn với tổ tiên, họ tộc và với cộng đồng, quê hương, đất nước.

Muốn có một tổ ấm hạnh phúc theo đúng nghĩa, trước hết vợ chồng phải có một trách nhiệm quan trọng là thực sự tin nhau, thương yêu nhau, chăm sóc cho nhau và luôn quan tâm đến con cái của mình theo tinh thần “con cái là cơ nghiệp”. Những vấn đề nảy sinh trong gia đình hiện nay cần được điều chính mềm mại, khéo léo chính là độ bền vững của hôn nhân, sự bình đẳng giới và việc giáo dục con cái. Cha mẹ có bổn phận nuôi dạy con cái trong tình thương yêu, cung cấp những nhu cầu vật chất và tinh thần cần thiết cho chúng; dạy dỗ chúng ngay từ nhỏ biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, biết tôn trọng mọi người và khi trưởng thành phải là công dân tốt, biết tuân theo pháp luật. Không ai khác là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ phải chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái sinh ra chính là sự tôn trọng lời hôn ước thủy chung từ thuở ban đầu. Những gia đình thành công là nhờ có tôn ti trật tự, biết kính trọng yêu thương, khoan dung và cùng cộng đồng trách nhiệm. Có những nhà nghiên cứu đã từng khuyến cáo, thời gian vắng nhà của các ông bố bà mẹ càng tăng lên thì quan hệ gia đình càng “lạnh” đi. Dó đó, người cha phải thực sự là trụ cột gia đình với tình thương yêu, gương mẫu, bảo vệ, đảm bảo cuộc sống cho các thành viên. Trách nhiệm chính của người mẹ là chăm sóc con cái với tình mẫu tử mà người cha không dễ thay thế. Tuy nhiên, cả hai phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng. Không để xảy ra sự ngược đãi hay không làm tròn trách nhiệm hoặc không thủy chung... Bởi lẽ, sự tan rã gia đình sẽ mang lại hậu quả khó lường cho cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng và xã hội. Vì thế, tất cả đều phải có trách nhiệm xây dựng, duy trì và củng cố để gia đình thực sự là một hạt nhân cơ bản của xã hội.

 

Đại gia đình sum vầy ngày Tết

 

Tất cả những người trong gia đình phải luôn gương mẫu, như S.Johnson nói: Gương mẫu luôn luôn có hiệu nghiệm hơn lời giáo huấn. Một ông bố/bà mẹ thường xuyên nói tục, chửi bậy, rượu chè, cờ bạc,… hay có những thói hư tật xấu khác, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới con. Sự nghiệp, công danh là rất đáng trân trọng, nhưng phải hài hòa; nếu quá say sưa với danh vọng, tiền tài,… mà quên mất gia đình thì cũng cần xem lại trách nhiệm của bản thân. Dù có địa vị lớn hay nhỏ trong xã hội cũng phải vừa lo việc nước, vừa được việc nhà. Trong điều kiện hiện nay, nhiều gia đình mãi lo làm ăn, giành quá ít thời gian quan tâm tới chăm sóc con mà phó mặc cho nhà trường, xã hội. Điều đó đã tác động tiêu cực không nhỏ đến con cái. Thực tế cho thấy tỷ lệ ly hôn có xu hướng gia tăng, thường tập trung ở các cặp vợ chồng trẻ. Nhiều vụ ly hôn không xuất phát từ lý do kinh tế mà bởi người chồng sống thiếu trách nhiệm, sống buông thả, hoặc mắc vào tệ nạn xã hội như: ma tuý, rượu chè, cờ bạc hay ngoại tình. Nhịp sống công nghiệp, cộng với việc giải quyết nhu cầu, sở thích cá nhân đã làm cho mối quan hệ của các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo… Vì thế, có những gia đình bất hạnh không phải nguyên nhân vì nghèo khó, bệnh tật,… mà do thiếu sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau hay do mâu thuẫn xảy ra thường xuyên vì ai cũng muốn mình là người giỏi, người tài, người đúng,… hoặc do hiếu thắng, giận hờn không tự kiềm chế được để “Hậu quả cơn nóng giận bao giờ cũng nghiêm trọng hơn nguyên nhân” (Ngạn ngữ Hy Lạp). Mong rằng tất cả mọi gia đình, mọi người “Thà sống trong căn nhà nhỏ đầy tiếng cười còn hơn là sống trong một lâu đài đầy nước mắt” (Ngạn ngữ phương Đông).

Gia đình, xã hội sẽ như thế nào nếu xảy ra những cảnh thương tâm, đau lòng trong nhiều gia đình khi không còn cảnh “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” hay “Giọt máu đào hơn ao nước lã” mà qua các phương tiện thông tin đại chúng đã cho chúng ta biết hoặc được chứng kiến tận mắt. Đó là điều tất cả đều phải suy nghĩ để có trách nhiệm xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững dù là cán bộ nhỏ, to hay người dân bình thường. Chắc đã quá lời rồi, xin được cảm thông và dừng lời ở đây./.

                                                        

Tác giả: Đặng Tài Tính