Nhìn lại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Một kỳ họp hợp lòng dân
Sau 30 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã chính thức khép lại. Đây là kỳ họp để lại những ấn tượng tốt đẹp với các đại biểu tham dự cũng như với đồng bào và cử tri cả nước - một kỳ họp hợp lòng dân, sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới.
Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, do đó công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 11 dự án Luật, 9 Nghị quyết và cho ý kiến 15 dự án luật.
Số lượng các dự án luật được xem xét, thông qua tại kỳ họp này tuy không phải là nhiều so với các kỳ họp trước nhưng là những dự luật quan trọng, liên quan đến tổ chức bộ máy, bảo đảm quyền con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phù hợp với tiến trình hội nhập và tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành. Tất cả những dự luật này đều nằm trong lộ trình hiện thực hóa Hiến pháp 2013 như: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật an toàn vệ sinh lao động. Đặc biêt, Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật trưng cầu ý dân... được Quốc hội dành sự quan tâm thích đáng trong thảo luận, cho ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tư pháp theo quy định của Hiến pháp, định hướng cải cách tư pháp… Đây được coi là những đạo luật gốc, cơ bản, chi phối các đạo luật chuyên ngành khác.
|
|
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.
Trên lĩnh vực kinh tế- xã hội, với áp lực về đích cho năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2011-2015, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi, mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII diễn ra trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Nếu như 6 tháng đầu năm 2014, nông nghiệp đóng góp 3,44% vào GDP thì đến 6 tháng đầu năm nay, con số này là 2,17%. Nông dân ở nhiều địa phương khốn đốn vì tiêu thụ nông sản chậm, nắng hạn gay gắt ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ... Trước thực tế trên, Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó tập trung giải quyết những vướng mắc hiện nay là công tác quy hoạch sản xuất. Đồng thời, xác định rõ lợi thế, các sản phẩm của vùng, địa phương, quốc gia để chuyển dịch cơ cấu một cách hợp lý, bền vững; mở rộng quy mô và vận dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, làm bà đỡ cho nông dân trong việc mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Một trong những vấn đề được dư luận và cử tri cả nước quan tâm, theo dõi, đó là, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Báo cáo giám sát đã chỉ rõ, so với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân thì việc phòng, chống oan, sai còn hạn chế, bất cập. Sau xem xét, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này, ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến căn bản, không để xảy ra oan, sai và bồi thường cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, trong số 9 Nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua, có 2 Nghị quyết liên quan đến phát triển hạ tầng kinh tế và an sinh xã hội. Đó là Nghị quyết về Chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Nếu như Cảng hàng không quốc tế Long Thành có ý nghĩa lớn để phát triển đất nước trong thế kỷ 21 thì việc cho phép người lao động tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội sau 1 năm nghỉ việc lại có ý nghĩa tức thời, trước mắt. Cả hai vấn đề này đều đòi hỏi Quốc hội phải đưa ra quyết định rõ ràng và các cơ quan của Chính phủ phải tăng cường tuyên truyền để người dân đồng thuận.
Không tuyên truyền sao được khi dự án xây dựng sân bay Long Thành có số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, 5.000 ha đất bị thu hồi đồng nghĩa với việc hàng nghìn hộ dân phải thay đổi chỗ ở và sinh kế; Không tuyên truyền sao được khi một điều luật chưa đi vào cuộc sống đã gặp phải sự phản đối từ cuộc sống. Điều đó cho thấy, mọi quyết định, chủ trương của Nhà nước dù hay đến đâu, dù tốt đến mấy thì trước hết phải đảm bảo không ảnh hưởng đến nồi cơm của từng gia đình, lợi ích của cộng đồng hay của mỗi cá nhân.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nhiều dự án Luật quan trọng tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: M. Hùng) |
Về công tác nhân sự, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân.
Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, nhân dân cả nước rất quan tâm đến các phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa rất lớn và thể hiện rõ nét nhất những đổi mới liên tục trong hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp gần đây.
Bằng việc đặt trọng tâm vào chủ đề công, nông nghiệp; giáo dục, khoa học, chủ đề chất vấn của Kỳ họp thứ 9 đã đưa thẳng những câu chuyện từ lũy tre làng, từ cây lúa, con gà của người nông dân lên diễn đàn Quốc hội. Qua ghi nhận ý kiến của cử tri, cho thấy phiên chất vấn đã diễn ra trong bầu không khí dân chủ, thẳng thắn, có tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, đã đáp ứng gần như thỏa mãn nỗi trông đợi của đồng bào và cử tri cả nước.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được đổi mới bằng việc các Bộ trưởng trả lời ngay những vấn đề nêu ra thay vì đi sâu ''báo cáo thành tích” của ngành như các kỳ họp trước. Nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ ngay tại Nghị trường, giải tỏa những bức xúc, lo lắng của cử tri, chẳng hạn như việc bãi bỏ những khoản phí vô lý, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, hay như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng, đổi mới giáo dục sẽ không tạo ra cú sốc cho học sinh và phụ huynh… Tại phiên bế mạc kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó nêu ra những công việc cụ thể cho các bộ, ngành để Quốc hội và cử tri giám sát, biến những cam kết thành hành động cụ thể.
Với những đổi mới tinh tế, kịp thời và xác đáng, tạo dựng nên những cuộc đối thoại đầy ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả tức thì, đây cũng là kỳ chất vấn hết sức thành công và nâng lên tầm cao mới như một ấn tượng đặc biệt của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và trở thành một trong những phiên chất vấn ấn tượng nhất của cả nhiệm kỳ trong lòng cử tri cả nước.
Như vậy, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra, thông qua nhiều Dự án Luật quan trọng. Đây không chỉ là sự tiếp tục hiện thực hóa các quy định của Hiến pháp vào cuộc sống mà còn là bước chuẩn bị quan trọng của Quốc hội cho một nhiệm kỳ mới sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2016./.
Nguồn: ĐCSVN/ Nhóm PV
- Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam kí kết chương trình hợp tác
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kí kết Chương trình phối hợp với Hội NCT Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026
- Trung ương Hội NCT Việt Nam làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
- Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: Chúc mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6)
- Chủ tịch nước thăm, tặng quà người cao tuổi tỉnh Hải Dương
- Trung ương Hội NCT Việt Nam: Gặp mặt 81 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam, Ngày NCT Việt Nam (6/6/1941-6/6/2022)
- Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 - 2026