Nhìn lại một số lễ hội Xuân tại Bắc Ninh
Xứ Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu chuyện cổ, những sự tích văn hóa và là một trong những địa phương có nhiều lễ hội. Theo thống kê của cơ quan văn hóa tỉnh Bắc Ninh, đến nay toàn tỉnh có 547 lễ hội, trong đó có 49 hội chùa, 484 hội đình và 14 hội đền.
Các lễ hội diễn ra quanh năm, nhưng tập trung vào mùa xuân. Vào tháng giêng, tháng hai âm lịch, gần như ngày nào cũng có vài, ba hội: “Mồng 4 là hội kéo co/Mồng 5 hội Ó chẳng cho nhau về/Mồng 6 là hội Bồ Đề/Mồng 7 trở về đi hội Đống Cao…”. Một số lễ hội thu hút khách từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hội Lim, Đền Đô, Hội Chùa Dâu, Đền Bà Chúa Kho…
|
|
Hầu hết các lễ hội đều có lịch sử lâu đời, gắn với truyền thống địa phương, thể hiện được tính gắn kết của cộng đồng làng xã, tình yêu thiên nhiên, tôn kính anh hùng hào kiệt, là biểu hiện phong phú của đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo và những hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian tiêu biểu, mang đậm bản sắc riêng có của một miền quê văn hiến.
Những năm qua, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư trong từng làng, xã đã đầu tư nhiều công sức, tiền bạc tu tạo các di tích lịch sử, văn hóa, nơi thờ tự…, không gian lễ hội đều khang trang.
Tuy nhiên, nhìn lại một số lễ hội tiêu biểu đầu năm 2015 như: Hội Lim, Đền Bà Chúa Kho... cho thấy, bên cạnh những giá trị tích cực, các lễ hội đã và đang bộc lộ những hạn chế cần sớm được chấn chỉnh, khắc phục như: Xu hướng thực dụng, thương mại hóa lễ hội, làm lu mờ giá trị văn hóa, lịch sử, lan tràn mê tín dị đoan và những hủ tục lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự, trị an…
Hội Lim có từ lâu đời và trở thành hội vùng của các làng thuộc tổng Nội Duệ từ thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim. Kế đó là Bà Mụ Ả, người tu hành và trụ trì tại chùa Hồng Ân (lúc đó chỉ là một am nhỏ), đã bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Ân dành cho việc xây dựng chùa, vườn chùa và cũng đặt ruộng, đặt tiền cho 6 xã làm hương hỏa cho chùa. Hàng năm, vào ngày 13 tháng Giêng, dân làng tổ chức lễ hội tưởng nhớ những người đã có công với cộng đồng dân cư nơi đây.
Một trong những hoạt động tại hội Lim thu hút sự chú ý của khách thập phương là lễ rước từ các làng lên núi Hồng Vân. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục sặc sỡ sắc màu, sau đó là lễ tế trước lăng Hồng Vân, tưởng nhớ công lao của tiền nhân. Nhưng hiện nay, đại bộ phận công chúng đi hội đều không được giới thiệu ý nghĩa của các nghi lễ này và cũng không hiểu được lịch sử của lễ hội, kể cả những người sống trong vùng Lim, làm mất giá trị giáo dục truyền thống.
Đặc trưng của hội Lim là hội của dân ca Quan họ, một loại hình dân ca đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mấy năm gần đây, Ban tổ chức đã dựng nên những lán trại để các “làng quan họ” phục vụ du khách, nhưng trong không gian lễ hội xô bồ, các lán trại không cách xa nhau mấy đều dùng tăng âm, loa công suất lớn, nên du khách như bị tra tấn bởi những âm thanh hỗn tạp, chát chúa...
Từ trước Tết Nguyên đán, chính quyền và cơ quan văn hóa tỉnh, huyện đã chỉ đạo tuyên truyền, yêu cầu các câu lạc bộ Quan họ chấm dứt hiện tượng “ngửa nón xin tiền”, nhưng nhiều du khách “nhiệt tình” tiến sát bờ hồ ném tiền vào cơi đựng trầu và nón quai thao, hoặc dúi tiền vào tay liền chị đang hát ở các lán trại làm cho các liền anh, liền chị cũng ngần ngại, khó xử. Có du khách “vô tư” nhảy vào xen giữa liền anh, liền chị đang hát để… người thân đứng ngoài chụp ảnh, khiến cho không gian Quan họ trở nên buông tuồng, suồng sã.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, việc hát canh tại gia đình từ tối hôm trước ngày chính hội (tối 12 tháng Giêng) đã phát triển rầm rộ. Chỉ riêng hai bên đường phố Lim có hàng chục nhà tổ chức hát canh. Ô tô đỗ nối đuôi nhau cả hai bên lề đường, một số nhà dựng rạp, có ghế để du khách ngồi, có nước trà, trầu cánh phượng mời khách, có thiết bị âm thanh hiện đại. Du khách được thưởng thức các bài Quan họ cổ nguyên gốc, không nhạc đệm. Ở các gia đình tổ chức hát canh, thu hút phần lớn là những doanh nhân, một số là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà báo và những người có hiểu biết về dân ca, yêu thích dân ca Quan họ. Tại đây, du khách cũng nhiệt tình thưởng tiền, không phải chỉ là những đồng tiền lẻ mà thường là dăm chục nghìn hoặc một, hai trăm nghìn đồng.
Cùng với những trò chơi như: Đánh đu, vật, chọi gà, bịt mắt bắt dê... và các dịch vụ: Viết thư pháp, ký họa chân dung, bán các ấn phẩm văn hóa…, sự có mặt của Trung tâm trang phục Quan họ đã thu hút được đông đảo bạn trẻ. Chỉ cần dành ra 10 đến 15 phút là du khách sẽ trở thành những “liền anh, liền chị” với bộ trang phục nền nã, thướt tha đặc trưng của người Quan họ, tha hồ chụp ảnh với người thân, bạn bè giữa không gian náo nhiệt của ngày Hội Lim.
Hiện nay, chính quyền huyện Tiên Du và xã Nội Duệ đã đầu tư chỉnh trang tôn tạo không gian trên đồi và xung quanh đồi Lim khang trang hơn, nhưng còn thiếu công trình vệ sinh, quá ít thùng rác… Hàng ăn uống giải khát bày dọc hai bên đường lẫn với cát bụi. Các dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm tràn lan với giá "cắt cổ". Các hình thức đánh bạc như: xóc đĩa, đánh bài, úp xu, đánh cờ, trò chơi có thưởng… vẫn ngang nhiên dụ dỗ, mồi chài, lừa lọc du khách.
|
|
Đền Bà Chúa Kho tọa lạc trên núi Kho, (thôn Cô Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh). Tại đây thờ một phụ nữ người làng Quả Cảm đã có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tích luỹ lương thực, giúp triều đình trông coi kho lương trong cuộc kháng chiến chống Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt. Bà “thác” ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho bà là phúc thần. Người dân nhớ thương bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.
Đền Bà Chúa Kho mới được khôi phục cách đây vài ba chục năm. Hàng năm, khách từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về đây dâng hương, lễ vật không phải vì lòng tôn kính công lao và phẩm hạnh của bà với đất nước mà đều có ý nguyện được bà phù hộ, độ trì để “ăn nên, làm ra”, giàu sang, phú quý. Theo thông lệ có vay, có trả, nên tuy khách đi lễ quanh năm, nhưng đông nhất là 3 tháng đầu năm (đi vay hoặc “xin lộc rơi, lộc vãi”) và 3 tháng cuối năm (đi trả).
Không có con số chính xác, nhưng mỗi năm, những người đi lễ về đây bỏ tiền ra mua sắm vàng giấy và tiền âm phủ đã gây ra một sự lãng phí không nhỏ. Một số người kinh doanh, buôn bán bỏ ra hàng triệu hoặc vài ba triệu để mua đồ lễ. Điều làm cho du khách phiền lòng là tình trạng bám theo du khách từ xa, có khi vài ba cây số để chèo kéo vào mua đồ lễ, thuê viết sớ, đổi tiền lẻ... Đội quân bán thẻ, khấn thuê mời chào công khai, nhưng hầu như không có sự ngăn chặn triệt để của Ban quản lý Đền.
Do lượng khách đi lễ đông, nên thường xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Khách đi lễ không những phải khấn vái từ xa mà nhiều khách bị kẻ gian móc túi làm mất tài sản, tiền bạc.
Lễ hội là hoạt động văn hoá, là nhu cầu phong phú, đa dạng của cộng đồng dân cư đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Để phát huy được giá trị đích thực của các lễ hội, thiết nghĩ, trước hết, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục làm cho người dân nhận thức đúng đắn mục đích của các lễ hội là nhằm phát huy giá trị văn hoá, tôn vinh và nhớ ơn công đức các danh nhân, giáo dục truyền thống lịch sử, góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở đậm đà bản sắc dân tộc và sắc thái địa phương.
Dù là lễ hội của làng, xã hay của vùng đều phải đặt dưới sự quản lý của chính quyền và sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan văn hoá các cấp; thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về lễ hội. Các hoạt động tại lễ hội (kể cả phần lễ và phần hội) đều phải bảo đảm văn minh, lành mạnh, an toàn, vệ sinh, tiết kiệm. Cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn biểu hiện thương mại hóa, kiên quyết xử lý nghiêm minh các hoạt động mê tín dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức.
Tại không gian lễ hội nên đặt các pa-nô, áp phích cỡ lớn giới thiệu lịch sử lễ hội, nội dung, chương trình, địa điểm diễn ra các hoạt động của lễ hội, giúp cho du khách nắm được. Các phương tiện thông tin đại chúng biểu dương đúng mức mặt tích cực, đồng thời phân tích, phê phán những lệch lạc, hạn chế để các địa phương và cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức lễ hội các năm sau hoàn thiện hơn, tránh tuyên truyền, khen ngợi một chiều./.
Nguồn: ĐCSVN/ Hồng Minh
- Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào Nguyễn Du
- Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11
- Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc
- Hà Nội công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin
- Việt Nam giành 6 Huy chương Olympic Toán học quốc tế
- Hội thảo Lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
- Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số
- Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2015: Hội thảo 'Tứ ngũ đại đồng đường'
- Phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp vào nông nghiệp
- Báo chí cách mạng không thể tránh né những vấn đề 'nhạy cảm'*