Những kiến thức cơ bản để tuổi già không bị sa sút trí tuệ

Ngày đăng: 04/11/2014

                  TS.Đàm Hữu Đắc
                  PCT TT Hội NCT Việt Nam

Giáo sư Takeuchi Takahito sinh năm 1941 tạiTokyo. Ông là một nhà khoa học đã giảng dạy và nghiên cứu nhiều công trình y tế, đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) ở Nhật Bản, những nghiên cứu của ông đang được áp dụng ở đất nước này trong suốt 40 năm qua. Ông dành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu trên các ca lâm sàng cụ thể, vận dụng các lý luận đã được nghiên cứu trên thế giới về cơ chế bệnh sinh và những ảnh hưởng của đời sống lên sự biến đổi tâm sinh lý của người bệnh để đưa ra những kiến thức cơ bản cần thiết cho việc chăm sóc một cách bài bản, khoa học.

 
"Hành trình vì sức khỏe NCT" tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận)
(Ảnh minh họa/ Việt Quang)

Với tinh cảm tốt đẹp với đất nước và con người ViệtNam, Giáo sư Takeuchi Takahito đã tặng Viện sức khỏe cộng đồng ViệtNambộ sách quí gồm 5 cuốn: Nước; Vận động và bài tiết; Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ; Dinh dưỡng và Điều trị sa sút trí tuệ tại nhà. Trong đó, nêu bật những kiến thức cơ bản về tầm quan trọng của các yếu tố ảnh  hưởng đến sức khỏe và tâm lý, sinh lý NCT; những lý luận về chăm sóc và các ví dụ thực tiễn sinh động rất bổ ích cho mọi người. Những kiến thức từ bộ sách có thể ứng dụng tốt ở ViệtNam, bởi giữa Nhật Bản và ViệtNamcó nhiều nét tương đồng về văn hóa cũng như về con người. Với những phân tích có tính khoa học thực tiễn, kết hợp với những nghiên cứu thực nghiệm và lý luận về tâm sinh lý NCT, bộ sách đã nêu ra những phương pháp đơn giản, dễ hiểu về chăm sóc hỗ trợ tự lực, giúp NCT có thể phục hồi sức khỏe, tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

Bệnh sa sút trí tuệ ở NCT Nhật Bản cũng như ở ViệtNamđều có những biểu hiện tương tự nhau, cũng là sự bất hạnh và khổ tâm nhất của NCT. Những biểu hiện phổ biến nhất là khi nhớ, khi quên, không nhớ ra cả con, cháu, người thân thiết trong gia đình, dòng họ, những bạn bè tri kỷ nhất của mình, thậm chí quên cả tên của mình, nhầm ngày, tháng, năm sinh, lẫn lộn các đồ vật, quên cả những sự vật mới xảy ra; khi ra khỏi nhà thì quên đường về, quên rửa mặt, quên cài cúc áo; đôi khi thẫn thờ, ăn uống kém, trầm cảm, khi ảo giác khi hoang tưởng; có khi gây ầm ĩ, hưng phấn, đi lại loanh quanh vào buổi tối; trong cuộc sống nơi này, nơi kia xẩy ra không ít cảnh đau lòng ,buồn phiền cho con,cháu, người thân, cho cộng đồng, thậm chí còn gây uất ức cho con cháu trong gia đình, dòng họ như nghi ngờ con cháu, người thân, người giúp việc lấy tiền, đồ dùng, trang sức của mình. Có trường hợp NCT định nhờ cháu gửi tiết kiệm với số tiền khá lớn, nhưng khi đến nhà cháu đã quên không mang tiền theo, cả ngày ở nhà cháu ăn uống vui vẻ đến chiều tối ra về cứ nghĩ mình đã gửi cháu tiền tiết kiệm rồi, khi sờ túi chỉ thấy có Chứng minh nhân dân không thấy sổ gửi tiền tiết kiệm đâu mới hoảng hốt quát cháu: Bà đến để nhờ cháu gửi tiền tiết kiệm sao cháu không đưa sổ tiết kiệm cho bà mà chỉ đưa mỗi Chứng minh nhân dân? Cháu gái nói bà có đưa tiền cho cháu đâu? Thế là hai bà cháu cứ đôi co mãi, bà đùng đùng bỏ về, đến đêm mở tủ ra thấy tập tiền vẫn còn nguyên. Nhiều trường hợp khác cũng tương tự, có bà cứ nghi cho cháu giúp việc lấy nhẫn vàng của mình, cháu thanh minh, thề thốt thế nào cũng không nghe, còn nói "chỉ có hai bà cháu ở nhà, có ai khác vào đâu, chả lẽ chiếc nhẫn nó bay được à", thế là cháu giúp việc ấm ức suốt đêm, sáng hôm sau dậy sớm bỏ về quê luôn, được biết hôm sau bà cũng tìm thấy nhẫn vàng vẫn ở trong túi áo của mình. Có trường hợp, cũng gây oan trái cho con dâu, khi con gái đến thăm mẹ hỏi hôm qua con đi nghỉ mát về có gửi cho mẹ mấy con ghẹ trứng ngon lắm chị dâu cho mẹ ăn chưa? "Ghẹ nào, chị dâu ăn hết rồi có cho mẹ miếng nào đâu", cô con dâu nghe vậy, đùng đùng chạy vào thanh minh "hôm qua con cho mẹ ăn, mẹ chả nói sao ghẹ trứng nhiều thịt ngon thế". Trường hợp khác, thấy một, hai giờ sáng một bác NCT thức dậy, cứ lẩn thẩn đi đi, lại lại rồi lại lục tìm các thứ, cởi túi này buộc túi khác... Đó là những biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ, mất trí nhớ, nếu không được chữa trị để thuyên giảm có thể sẽ dẫn đến căn bệnh Alzheimer.

Thực tế cho thấy, những người mắc bệnh Alzheimer hay các hình thức bệnh mất trí nhớ khác đều ngày càng tệ hơn, nhiều khi trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt những nguyên nhân dẫn đến, đã được Giáo sư Takeuchi Takahito phân tích rất sâu sắc trong bộ sách. Đó là Nước, Dinh dưỡng, Vận động và Bài tiết, cùng phương pháp chăm sóc bệnh sa sút trí tuệ. Ví dụ,Giáo sư cảnh báo các vấn đề có thể xảy ra khi mất nước: Nếu cơ thể mất nước từ 1-2% có thể dẫn đến rối loạn ý thức; mất nước từ 2-3% có thể sốt, ảnh hưởng đến tuần hoàn; mất nước 5% chức năng vận động suy giảm; mất nước 7% xuất hiện ảo giác; mất nước 10% có thể tử vong. Chúng ta biết rằng, nước chiếm 60% trọng lượng cơ thể, khi già đi thì khối lượng nước chỉ chiếm khoảng 50% trọng lượng. Lão hóa là quá trình làm mất nước. Đối với trẻ em nước cũng chiếm 80% trọng lượng cơ thể. Nước là khởi nguồn của sự sống là điều mà ai cũng biết, nhưng khi kiểm chứng dựa  trên các cơ sở khoa học ta càng thấy được tầm quan trọng của nước hơn. Sự sống, sinh mệnh là sự tổng hợp của các hoạt động về cả thể chất  và tinh thần và nước chính là khởi nguồn của các hoạt động đó. Lượng nước vào cơ thể chỉ chiếm 10% nhưng nếu ít hơn 10% thì cơ thể rơi vào trạng thái mất nước, dẫn đến tình trạng suy giảm ý thức, sốt, rối loạn tuần hoàn, rối loạn vận động, gây ảo giác và có thể dẫn đến tử vong.Vấn đề quan trọng nữa là chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, cung cấp đầy đủ các yếu tố vi lượng như canxi, phospho. Tránh lạm dụng rượu, bia, thuốc lá. Điều trị các bệnh mãn tính kết hợp, như: bệnh phổi, phế quản, bệnh tim mạch, đái tháo đường... Giáo sư đã phân tích kỹ trong Tập 4, để có sức khỏe và trí tuệ chúng ta phải đảm bảo lượng bổ sung dinh dưỡng hàng ngày cần đạt 1500kcal/ngày. Yếu tố hết sức quan trọng nữa là phải tích cực vận động. Vận động đóng vai trò phòng chống bệnh sa sút trí tuệ, mất trí nhớ, những người không có thói quen vận động sẽ dễ mắc bệnh. Có thể nói, vận động cơ thể có ảnh hưởng lớn tới sự phát sinh bệnh song cũng là phương pháp hiệu quả trong việc điều trị và chăm sóc sau khi đã mắc bệnh. Mỗi người chọn cho mình một hình thức vận động cho phù hợp, duy trì được đều đặn, thường xuyên, như tạo điều kiện để tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, câu lạc bộ NCT. Đối với NCT chọn tập các bài thể dục dưỡng sinh, thức vũ kinh cho phù hợp, đơn giản nhất. Dễ thực hiện, không tốn kém là đi bộ, sáng, chiều tối: sáng tốt nhất là sau 5h30, chiều sau 6h tối về mùa hè, mùa đông có thể sớm hơn, khi đi cần rảo bước nếu đi quá chậm từng bước một hoặc đi nhiều người nhởn nhơ như dạo chơi, chuyện trò thì hiệu quả buổi đi bộ không cao, thời gian đi bộ tùy theo sức khỏe, tốt nhất từ 30 phút đến 50 phút/buổi hoặc tối thiểu 40 phút/ngày. Trong bộ sách, Giáo sư đã phân tích kỹ, chỉ dẫn các phương pháp cơ bản. Một trong những biện pháp giảm tỷ lệ mắc bệnh sa sút trí tuệ bằng việc đi bộ. Nếu đi bộ 3,2km/ngày, tuần 2- 3 lần giảm 42% tỷ lệ mắc bệnh sa sút trí tuệ; duy trì sở thích mà mình đam mê giảm 38%, lại có mối giao lưu, quan hệ bạn bè thân thiện vui vẻ cũng góp phần giảm thiểu bệnh sa sút trí tuệ. Nhóm nghiên cứu của Giáo sư cho thấy những người có trên 3 sở thích so với những người không có sở thích nào, tỷ lệ mắc bệnh giảm 80%, thậm chí không mắc bệnh sa sút trí tuệ.

Qua nghiên cứu bước đầu bộ sách của Giáo sư Takeuchi Takahito tôi cho rằng không chỉ bổ ích với lớp NCT mà bổ ích hơn cho chính  lớp người trẻ tuổi. Tôi khẳng định, để tuổi Già khỏe mạnh không mắc phải bệnh sa sút trí tuệ dẫn đến bệnh Alzheimer, kể cả bệnh cao huyết áp cần thực hiện các phương pháp, giải pháp trong bộ sách quí của Giáo sư Takeuchi Takahito ngay từ khi con trẻ. Bởi bệnh sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer, bệnh cao huyết áp của NCT hiện nay là thời gian trước đây khi còn trẻ chúng ta đã không thực hiện chế độ ăn, uống, sinh hoạt, vận động hợp lý, khoa học, theo cơ địa của mỗi người. Trước hết, ít uống nước, hoặc uống nước chưa đảm bảo theo yêu cầu của cơ thể con người từ 1.500ml-2.000ml/ngày. Thứ hai, do ăn uống quá sô bồ, rượu, bia quá đà, thịt động vật quá nhiều, toàn món khoái khẩu, ăn, uống không kìm chế, cùng với nó lượng mỡ, muối ăn theo quá nhiều, quá mức cho phép của cơ thể ắt dẫn đến thừa cân, béo phì, đặc biệt qua xét nghiệm cho thấy các thông số về  mỡ máu cao, đường huyết cao, gan nhiễm mỡ, thận suy, tim mạch, xơ vữa động mạch vành. Thứ ba, là ít vật động… Đây là những nguyên nhân cơ bản hàng đầu dẫn đến các bệnh nói trên ở NCT, người nặng bị tai biến, đột quỵ, nhồi máu não, thậm chí dẫn đến tử vong; người nhẹ hơn thì mắc bệnh sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ. Để tuổi già không mắc phải các căn bệnh sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ, bệnh Alzheimer, cao huyết áp... thế hệ trẻ ngay từ bây giờ phải quan tâm thực hiện chế độ ăn, uống, sinh hoat, vận động hợp lý khoa học./.