Quốc hội thảo luận tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Đề cập đến tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề sản xuất nông nghiệp đã bộc lộ những bất cập rõ hơn bao giờ hết. Do vậy, chúng ta cần phải bàn những giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để vấn đề này. Đại biểu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPT&NT) cần phải làm kỹ hơn, cụ thể hơn quy hoạch sản xuất nông nghiệp như: về diện tích, sản lượng nông nghiệp; về chủng loại cây trồng, vật nuôi. Cụ thể sản xuất cây gì? con gì? số lượng là bao nhiêu? Sản lượng tương ứng trong từng mùa vụ là bao nhiêu?
Đại biểu Quốc hội họp tại tổ chiều 25/5 bàn về phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh:VA
Bên cạnh đó, Bộ NNPT&NT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những khuyến cáo, chính sách ứng dụng và chỉ rõ nên sử dụng công nghệ gì, tập trung vào khâu sản xuất nào. Quan trọng hơn nữa, cần phải có sự thay đổi trong nhận thức, vì hiện nay chúng ta đang chạy theo số lượng hơn chất lượng.
"Cứ nói nhiều rằng Việt Nam đứng thứ nhất, đứng thứ nhì thế giới về sản xuất gạo, cà phê… nhưng toàn bộ lượng gạo xuất khẩu giá trị thấp, chủ yếu dành cho quốc gia giải quyết nhu cầu “ăn để no” chứ không phải “ăn ngon” - đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho hay.
Đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta khi đánh giá những mặt tích cực của nền kinh tế 4 tháng đầu năm 2015 cần có chừng mực vì nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn. Chính phủ cần phải quản lý quy hoạch sản xuất nông nghiệp sao cho hiệu quả, như cây mắc ca giờ trồng quá tràn lan, thả nổi cho các địa phương, vượt quá nhiều định mức quy hoạch của Chính phủ. Ngoài ra, thời gian tới, đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách ưu đãi cho nông thôn, chính sách giãn nợ, hỗ trợ thuế, để người dân không bị động, gặp khó khăn và có giải pháp lâu dài nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh.
Về vấn đề sông Đồng Nai, đại biểu Võ Thị Dung cho hay không chỉ đơn thuần là câu chuyện của tỉnh Đồng Nai mà ảnh hưởng đến cả khu vực, nhưng Chính phủ vào cuộc vẫn chậm. Do vậy, cần phải cải tiến công tác điều hành của Chính phủ.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đánh giá cao Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, cần có hướng chỉ đạo sát hơn, quyết liệt hơn để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2015. Cần phải làm rõ được nguyên nhân nào dẫn đến khó khăn, tồn tại vì có như vậy mới đưa ra được giải pháp chính xác hơn.
“Chính phủ cần chỉ đạo bộ ngành quản lý định hướng công tác quy hoạch sản xuất nông sản, không nên để người dân “tự xử” như hiện nay nghĩa là tự nuôi, tự trồng, tự bán dẫn đến được mùa mất giá là chuyện không tránh khỏi. Mặt khác, năm nào Chính phủ cũng thực hiện bình ổn giá lúa gạo, nhưng đây chỉ xem là giải pháp tạm thời. Cần phải xử lý tận gốc vấn đề nghĩa là phải đầu tư giống lúa, kỹ thuật trồng, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm” – đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu cũng chỉ rõ, đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp triển khai quá chậm. Đến giờ các địa phương vẫn loay hoay chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì thích hợp.
Cũng như nhiều đại biểu khác, đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) cho rằng những bất cập tồn tại như các mặt hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng thấp, mặc dù Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành tái cấu trúc nông nghiệp, nhưng hiệu quả còn chậm so nhu cầu đề ra.
“Có nhiều nguyên nhân, do dự báo thị trường, phát triển tự do, không theo quy hoạch, nên sản phẩm nông nghiệp lúc thừa lúc thiếu, tiêu thụ sản phẩm của nông dân khó khăn; quy trình ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa bảo đảm nên không vươn ra thị trường nước ngoài” – đại biểu Lê Hữu Đức chỉ rõ.
Đồng tình quan điểm với nhiều đại biểu phát biểu trước đó, đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) nêu thực tế, ngành nông nghiệp mô hình chưa có, quy hoạch cũng không cụ thể mà chỉ là “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, không thể quy hoạch cho cả một vùng lớn, trong khi vùng đó điều kiện, hoàn cảnh lại khác nhau, cây con nuôi trồng cũng không thể áp dụng chung. Không chỉ vậy, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vẫn mạnh ai nấy làm, tự phát, trong khi đáng lẽ phải quy hoạch lại.
“Với nông nghiệp thì phải thực sự tâm huyết mới có những cách làm tốt. Các tỉnh cố gắng không thôi chưa đủ. Cần có sự liên kết vùng tốt, quan tâm đúng mức đến người nông dân. Thực tế, chỉ đạo vấn đề này chưa được căn cơ, vẫn chỉ là nói nhiều” – đại biểu cho hay.
Đại biểu Võ Kim Cự kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo việc tổ chức hợp tác vùng và liên vùng trước hết là liên vùng tỉnh và tiếp đến là liên vùng trong nước; chỉ đạo căn cơ gắn giữa kế hoạch và quy hoạch (vùng nào trồng con gì, nuôi con gì và gắn với chế biến) chứ không chúng ta cứ nói thôi thì năm này sang năm khác vẫn thế. Phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương, "cột" trách nhiệm cấp ủy và chính quyền địa phương vì chính quyền địa phương đó hiểu rõ vùng mình hơn ai hết./.
Nguồn: ĐCSVN/ Mỹ Anh
- Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam kí kết chương trình hợp tác
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kí kết Chương trình phối hợp với Hội NCT Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026
- Trung ương Hội NCT Việt Nam làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
- Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: Chúc mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6)
- Chủ tịch nước thăm, tặng quà người cao tuổi tỉnh Hải Dương
- Trung ương Hội NCT Việt Nam: Gặp mặt 81 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam, Ngày NCT Việt Nam (6/6/1941-6/6/2022)
- Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 - 2026