Sửa đổi Bộ luật Dân sự: Thay đổi cơ chế chứng minh bồi thường thiệt hại

Ngày đăng: 27/03/2015

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Nhằm góp phần cung cấp thông tin để người dân hiểu rõ hơn về nội dung Bộ luật, ngày 26/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến: Một số điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Tham dự Tọa đàm có: Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp; TS, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong; TS Phạm Văn Tuyết, Đại học Luật Hà Nội.

Dự án Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi là Dự án luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân. Chính vì vậy, tại buổi Tọa đàm, nhiều điểm mới trong giải quyết các vụ việc dân sự như: Quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu, quy định về hậu quả của giao dịch dân sự không tuân thủ về hình thức, bảo vệ người thứ ba ngay tình..., đã được các chuyên gia pháp luật trao đổi thẳng thắn, cụ thể.

 


Tọa đàm trực tuyến một số điểm mới trong dự thảo BLDS
(sửa đổi).(Ảnh: TH)
.


Người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại

Từ sự việc con ruồi trong chai nước của công ty Tân Hiệp Phát, nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến: Trong trường hợp người tiêu dùng uống chai nước kém chất lượng (nếu có), thì có quyền được yêu cầu bồi thường hay không? Để làm điều này, khách hàng phải chứng minh gì? Trong trường hợp nhà sản xuất đã thỏa thuận bồi thường cho khách hàng thì có coi đây là giao dịch dân sự hay không?

TS. Phạm Văn Tuyết cho biết: Khi khách hàng mua một sản phẩm có lỗi, có thể yêu cầu nhà sản xuất phải bồi thường và việc này trải qua 4 bước: Thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án. Nếu trong quá trình thương lượng, hòa giải, nhà sản xuất đồng ý bồi thường theo đúng quy trình thủ tục thì đây được coi là giao dịch dân sự hợp pháp.

Tuy nhiên, TS Phạm Văn Tuyết cũng lưu ý, không phải người mua nào cũng được bồi thường, mà người mua phải là người tiêu dùng. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của ViệtNam, người mua sử dụng sản phẩm phục vụ cho mục đích sinh hoạt của mình, của tổ chức thì được gọi là người tiêu dùng. Trong trường hợp người mua nước giải khát bán lại kiếm lời thì theo Luật, không được coi là người tiêu dùng.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế Nguyễn Hồng Hải cho biết: Hiện nay, pháp luật hiện hành mới chỉ đặt nặng trách nhiệm đối với người gây thiệt hại. Dự thảo BLDS (sửa đổi) đã đưa ra trách nhiệm giảm thiểu bồi thường thiệt hại đối với người yêu cầu thiệt hại.

BLDS hiện hành chỉ quy định bồi thường thiệt hại về vật chất chứ chưa quy định về tinh thần. Dự thảo BLDS (sửa đổi) đã quy định cụ thể hơn, trong trường hợp tài sản gây thiệt hại, tổn hại tinh thần, thì người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần đó.

Trong quan hệ dân sự thì bên bị hại, nhất là bên yếu thế thường gặp khó khăn trong chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại, có thể kể thêm vụ người dân kiện Công ty VEDAN. Để khắc phục bất cập trên, dự thảo BLDS (sửa đổi) đã quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ( Điều 605 – Điều 629), người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hải khẳng định, một trong những điểm mới Bộ luật này là thay đổi cơ chế chứng minh bồi thường thiệt hại. BLDS hiện hành quy định lỗi chứng minh bồi thường thiệt hại thuộc về người bị thiệt hại. Tuy nhiên, hiện nay, Dự thảo quy định theo hướng là người bị thiệt hại chỉ có trách nhiệm chứng minh có thiệt hại thực tế gây ra bởi hành vi trái luật cho là xâm hại đến họ.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng đánh giá, đây là quy định mang tính nhân văn và tính thực tiễn. Bởi lẽ, người tiêu dùng ViệtNamthường yếu thế, không có khả năng thực hiện kiểm chứng, thu thập chứng cứ.

Thay đổi cách quy định thời hiệu khởi kiện

Trước ý kiến cho rằng, dự thảo BLDS (sửa đổi) theo hướng bỏ hẳn quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu, ông Nguyễn Hồng Hải khẳng định: Dự thảo không bỏ thời hiệu mà chỉ thay đổi cách quy định thời hiệu khởi kiện.

Bộ luật hiện hành quy định 3 loại thời hiệu: Khởi kiện, hưởng quyền, miễn trừ nghĩa vụ.

Đáng chú ý nhất là quy định về thời hiệu khởi kiện. Đây là khoảng thời hạn theo luật định mà trong thời hạn đó, chủ thể dân sự phải yêu cầu tòa án thực hiện bảo vệ quyền của mình, hết thời hạn yêu cầu đó thì Tòa án từ chối giải quyết. Nhưng khi Tòa án từ chối giải quyết, thì Tòa án sẽ không đưa ra phán quyết về giải quyết hậu quả của từ chối đó. Điều này sẽ không bảo vệ tốt quyền chủ thể. Và cách quy định này có thể gây nhiều cách hiểu khác nhau...

Vì vậy, Dự thảo BLDS đề xuất quy định chung về thời hiệu (Điều 167 – 180) và thời hiệu thừa kế (Điều 646) theo hướng: Cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong thời hạn luật định. Hết thời hạn đó mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu như quy định hiện hành, tòa án vẫn phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Dự thảo BLDS (sửa đổi) đã đưa ra phương án quy định thời hạn yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

Bàn về quy định này, Chuyên gia Nguyễn Minh Phong Phong cho rằng, nên bỏ thời hiệu khởi kiện gắn với yếu tố nợ nần có bằng chứng, văn tự hợp pháp, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng người có nghĩa vụ trả nợ trốn tránh, đồng thời nảy sinh các trường hợp khác như vi phạm pháp luật hình sự...

TS Phạm Văn Tuyết cho rằng, vẫn phải giữ thời hiệu khởi kiện, nhưng bỏ quyền lợi về tranh chấp, nhất là tranh chấp về quyền đòi nợ...

Nguồn: ĐCSVN/ Thu Hằng