Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng hạ du sông Hồng
Sáng 27/2, tại Hà Nội, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phối hợp cùng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức tọa đàm “Hiện trạng suy giảm nước về mùa khô và các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước hạ du sông Hồng”.
|
|
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Hà Văn Khối (Trường Đại học Thủy lợi) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến suy giảm mực nước thời kỳ mùa kiệt vùng hạ du sông Hồng do sự hạ thấp cao độ, mở rộng lòng sông và tăng tỷ lệ phân nước sang sông Đuống ở vùng mực nước thấp. Lòng dẫn sông Hồng, sông Lô, sông Đuống trong những năm gần đây đang bị xói sâu và mở rộng mặt cắt ướt ở nhiều đoạn.
Về ảnh hưởng, quá trình hạ thấp mực nước sông Hồng ở hạ du trở thành thường xuyên, bắt buộc các hồ chứa phải xả nước không mong muốn. Vì vậy, việc điều tiết gia tăng lưu lượng thời kỳ đổ ải vụ Đông Xuân hiện nay là bắt buộc và được coi là nhiệm vụ của các hồ chứa thượng nguồn.
Như vậy, thời kỳ này hàng năm, các hồ chứa phải xả xuống hạ du một lượng nước lớn, lên tới trên dưới 5 tỷ m3 và sẽ không đủ nước để phát điện theo công suất yêu cầu thời kỳ cuối mùa kiệt. Đồng thời, nếu trước và sau thời kỳ đổ ải, các hồ chứa thủy điện phải điều tiết theo công suất đảm bảo để duy trì mực nước sông tại Hà Nội từ 1,4m đến 1,7m thì điện năng có thể không thiệt hại nhiều nhưng số tháng thiếu nước cuối mùa kiệt là thường xuyên.
Bởi vậy, GS.TS Hà Văn Khối nhấn mạnh: Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước và đảm bảo hài hòa lợi ích dùng nước, đảm bảo môi trường sinh thái cho vùng hạ du, ngoài các giải pháp quản lý, cần thiết phải có các giải pháp điều tiết nước hạ du để nâng cao mực nước thời kỳ mùa kiệt.
Bên cạnh đó, theo GS.TS Trương Đình Dụ (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), nguyên nhân chủ yếu gây ra cạn kiệt nước vùng hạ du sông Hồng trong những năm gần đây là do đáy sông Hồng bị hạ thấp. Nếu không khắc phục được nguyên nhân chủ yếu sẽ khó giải quyết hiện tượng cạn kiệt nước sông Hồng triệt để và khó khăn trong khôi phục nhiệm vụ của các hệ thống thủy lợi sông Hồng.
Nhằm khắc phục tình trạng này, theo GS.TS Trương Đình Dụ, các biện pháp cần chú ý đến gồm: xây dựng một số đập ngầm nâng đáy sông; xây dựng các trạm bơm trước cống lấy nước và nâng cấp các trạm bơm; xây dựng các công trình điều tiết ở sông Hồng và sông Đuống. Trong đó, công tác xây dựng các công trình điều tiết trên sông Hồng và sông Đuống để khôi phục lưu lượng và mực nước là giải pháp cần được quan tâm, chú trọng./.
Nguồn: ĐCSVN/ Bùi Thủy
- Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào Nguyễn Du
- Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11
- Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc
- Hà Nội công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin
- Việt Nam giành 6 Huy chương Olympic Toán học quốc tế
- Hội thảo Lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
- Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số
- Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2015: Hội thảo 'Tứ ngũ đại đồng đường'
- Phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp vào nông nghiệp
- Báo chí cách mạng không thể tránh né những vấn đề 'nhạy cảm'*