Tạo xung lực mới cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Ngày đăng: 08/04/2015

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, hôm nay (7/4/2015), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

 


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2011. (Ảnh: TTXVN)

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản ViệtNamkể từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong bối cảnh hai nước đang tiến hành các hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc có ý nghĩa tạo xung lực mới cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa ViệtNamvà Trung Quốc.


Nhìn lại quá khứ, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong suốt 65 năm qua, có lúc thăng, trầm, nhưng vượt lên trên tất cả, tình hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chủ lưu quan trọng trong mối quan hệ này. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, về tổng thể, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng. Điểm sáng trong quan hệ giữa hai Đảng là Hội thảo lý luận nhằm trao đổi kinh nghiệm cũng như thực tiễn về xây dựng Đảng, quản lý đất nước. Tính đến nay, hai bên đã tổ chức 10 cuộc Hội thảo lý luận giữa hai Đảng.

Kể từ khi thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước (năm 2012) đến nay, hai Tổng Bí thư đã tiến hành ba cuộc điện đàm trực tiếp.


Chính phủ hai nước đã thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (11/2006) và đã tiến hành 07 phiên họp (lần gần đây nhất là vào ngày 27/10/2014). Quan hệ giữa các ngành quan trọng như: ngoại giao, an ninh - quốc phòng được đẩy mạnh. Quan hệ giữa các địa phương hai bên cũng được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực như: trao đổi đoàn các cấp; ký kết các văn bản hợp tác; cùng nhau tổ chức hội thảo, triển lãm...


Giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được tăng cường. Hai bên đã tổ chức thành công 02 cuộc Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây (năm 2010, 2013), Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt - Trung (2010), 02 lần Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Trung Quốc (2010, 2013), 06 lần Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, 14 lần Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung.

Từ sau năm 2000 đến nay, đầu tư của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng cả về số lượng, quy mô và địa bàn đầu tư. Quan hệ hợp tác đầu tư có bước phát triển mới, tính lũy kế đến hết tháng 12/2014, Trung Quốc có 1.082 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 7,94 tỷ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã cho ta vay 1,6 tỷ USD tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt may, hóa chất... Ngoài tín dụng, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại dùng vào việc tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội ở Trung Quốc; giao lưu thanh thiếu niên; đầu tư trang thiết bị cho một số bệnh viện tại Việt Nam.

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã dành nhiều thời gian trao đổi các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu duy trì đà tăng trưởng kim ngạch song phương đi đôi với cải thiện cán cân thương mại. Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vào tháng 10 năm 2011, hai bên đã ký “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung giai đoạn 2012 - 2016”; ký Bản ghi nhớ Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm (đi kèm với Quy hoạch) vào dịp Phiên họp lần 6 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (4/2013).

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường (2013), hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với trọng tâm là hợp tác xây dựng một số dự án tiêu biểu có quy mô lớn về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông; tiếp tục áp dụng các biện pháp đảm bảo thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển cân bằng, lành mạnh, hoàn thành trước thời hạn mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 60 tỷ USD năm 2015, đặt mục tiêu 100 tỷ USD năm 2017; tăng cường phối hợp và hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhất là hợp tác trong việc phòng ngừa tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ quốc tế, giữ vững an ninh tiền tệ ở mỗi nước.

Quan hệ trao đổi, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh. Hiện có hơn 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc với những ngành nghề đa dạng, có khoảng 4.000 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam, tập trung vào các ngành ngôn ngữ, du lịch, kinh doanh.

Trung Quốc là thị trường du lịch lớn của ViệtNam. Hàng năm có khoảng 1 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc, trong khi khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam năm 2013 đạt 1,9 triệu lượt người và năm 2014 đạt 1,94 triệu lượt người…

Hai bên đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ; đã tiến hành đàm phán về 3 vấn đề: Biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề Biển Đông. Đến nay, hai bên đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền (1999); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000), Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2000) và Nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2004). Về vấn đề Biển Đông, hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển ViệtNam- Trung Quốc. Trong khuôn khổ đa phương, ASEAN (trong đó có Việt Nam) và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 và đang tích cực thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đầu tháng 9/2013, ASEAN - Trung Quốc lần đầu tiên tham vấn chính thức ở cấp SOM về COC.

Nhìn về quá khứ hợp tác hữu nghị, có hiệu quả hướng đến tương lai phát triển của hai nước, chúng ta tin tưởng, chuyến thăm chính thức lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố, duy trì cục diện hữu nghị, ổn định, tạo thêm đà phát triển lành mạnh cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước. Sự thành công của chuyến thăm sẽ góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc./.

Nguồn: ĐCSVN/Nguyễn Vũ Cân