Thắng lợi có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ *
Sau gần năm tháng kể từ khi Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (HĐNQLHQ) khóa 26, ngày 20/6/2014, HĐNQ tại Geneva (Thuỵ Sĩ) đã chính thức thông qua Báo cáo UPR chu kỳ 2 của Việt Nam.
Quang cảnh một buổi họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ lần thứ 26.
(Ảnh minh hoạ, Nguồn:VTV/ Vietnam+)
Bạn bè thế giới đều chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực có giá trị nhân văn sâu sắc nhưng rất nhạy cảm này. Đây là một thắng lợi đặc biệt, một dấu son mới trong quá trình bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam và là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo,… Đồng thời thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Có được kết quả đặc biệt này có nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung vào bốn nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm đúng đắn, rõ ràng về quyền con người. Theo đó, Việt Nam một mặt thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền con người bằng những biện pháp cụ thể vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân; mặt khác, chủ trương tăng cường đóng góp, thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực này. Chính sách của Việt Nam thể hiện rất rõ tất cả vì quyền của người dân được quy định trong các Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật; tiếp thu và vận dụng nhiều nội dung, tinh thần Công ước quốc tế về các quyền Dân sự - Chính trị, Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Tuyên ngôn Nhân quyền; đáp ứng nghiêm túc các yêu cầu đối với một quốc gia thành viên HĐNQ nói riêng và thành viên LHQ nói chung.
Tinh thần trên được khẳng định, trở thành điểm nhấn quan trọng trong Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 sau một thời gian dài tiếp thu hàng chục triệu ý kiến đóng góp của nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó đã dành riêng 36/120 điều nói về quyền con người là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố Nhà nước pháp quyền và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Theo Hiến pháp 2013, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; không bị tra tấn, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Phụ nữ được tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Thanh niên được học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân. Người cao tuổi được tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Các dân tộc ở Việt Nam đều bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm; các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
Hai là, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hiểu rất rõ và luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển, ổn định của một quốc gia văn minh. Tinh thần đó không chỉ phù hợp với khát vọng tha thiết của toàn thể nhân dân, mà còn hòa nhịp với nguyện vọng và các giá trị chung của nhân loại.
Những thành tựu về nhân quyền ngày càng được khẳng định trên thực tế là minh chứng hùng hồn. Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Việt Nam đã hoàn thành 5/8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và triển vọng hoàn thành các Mục tiêu còn lại trước thời hạn vào năm 2015, đồng thời là một trong mười nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua theo Báo cáo chỉ số phát triển con người của Chương trình Phát triển LHQ. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, người dân Việt Nam hàng ngày được tiếp cận thông tin của thế giới thông qua hệ thống gần 1.000 báo in, 1.174 cổng thông tin điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình, nhất là sự phát triển của Internet. Theo Liên minh Viễn thông quốc tế, có gần 31 triệu người Việt Nam dùng Internet, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á và thứ 8 tại châu Á. Có thể nói rằng, chưa bao giờ người dân Việt Nam lại có mức sống cao và được thụ hưởng tất cả những quyền và tự do của mình trên tất cả các lĩnh vực dân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội như hiện nay. Trong thời gian gần đây, bất chấp một số khó khăn kinh tế, Nhà nước Việt Nam không những không cắt giảm mà còn đẩy mạnh các chính sách đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, các dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn khác.
Có thể khẳng định rằng những thành tựu về nhân quyền đã được HĐNQLHQ đánh giá cao và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã chứng kiến tại Việt Nam thừa nhận. Cả LHQ và bè bạn quốc tế đều đánh giá cao việc nước ta vừa chú trọng phát triển kinh tế, vừa quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời cho rằng đây là việc rất ít nước đang phát triển làm được. Vì vậy. thành công này chính là sự khẳng định của quốc tế về những thành tựu nhân quyền mà Việt Nam đạt được; đồng thời thể hiện thế và lực của đất nước ta ngày càng vững chắc hơn nên được cộng đồng quốc tế tin cậy.
Ba là, với tư cách và trách nhiệm là một quốc gia thành viên của LHQ và cộng đồng thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền; coi việc phát triển bảo đảm chất lượng sống cho người dân ngày càng được cải thiện là việc làm thiết thực nhằm thực hiện các quyền của người dân. Việt Nam luôn khẳng định quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam với bạn bè quốc tế trong việc bảo đảm quyền con người. Đồng thời cũng luôn là nước tích cực tham gia và có nhiều đóng góp thiết thực vào cả ba lĩnh vực quan trọng của LHQ là hòa bình - an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người. Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm, tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách toàn diện, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐNQ và các cơ chế khác của LHQ về nhân quyền. Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại, trao đổi, hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế và LHQ về vấn đề quyền con người trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề cùng quan tâm nhằm tìm ra sự đồng thuận, khắc phục những khác biệt.
Trong hai ngày 27 - 28/3/2014, tại Trụ sở LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ, HĐNQ đã tiến hành các phiên thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết và quyết định quan trọng của Kỳ họp lần thứ 25. Đoàn Việt Nam đã chủ động tham gia, tích cực đóng góp vào quá trình thảo luận và thông qua các văn bản của Kỳ họp này trên tinh thần thúc đẩy việc bảo vệ và mở rộng thụ hưởng các quyền của người dân, tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp và thực tiễn quốc tế cũng như các đặc thù về kinh tế, truyền thống văn hóa và phát triển của các quốc gia, khu vực. Đoàn Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực với các thành viên trong Hội đồng nói chung và nhất là với các nước bạn bè để thúc đẩy và tăng cường đối thoại xây dựng, hợp tác hữu hiệu, đấu tranh chống cách tiếp cận thiên lệch, thiếu khách quan cũng như các biện pháp gây sức ép, áp đặt và can thiệp... và đảm bảo những giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử, tôn giáo và các đặc thù khác của mỗi quốc gia.
Đúng như sự khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong bài phát biểu tại Phiên Cấp cao, kỳ họp đầu tiên Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên HĐNQ: “…Là thành viên mới của HĐNQ, Việt Nam sẽ là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp thực chất vào công việc chung của HĐNQ. Việt Nam sẽ là đối tác tin cậy, trao đổi xây dựng và phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên và quan sát viên trên các vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực quyền con người,…”.
Bốn là, Việt Nam luôn học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến có tính xây dựng của cộng đồng quốc tế để khắc phục những hạn chế nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn trong lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam. Tại Khóa họp 26 này, Việt Nam đã chính thức thông báo với các nước về việc chấp nhận 182 trong số 227 khuyến nghị (chiếm 80,17%) mà Việt Nam đã nhận được thông qua đối thoại với 106 quốc gia trong phiên họp lần thứ 18 của Nhóm làm việc về UPR vào ngày 05/02/2014. Đây là tỷ lệ cao thể hiện những nỗ lực cởi mở và quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Các khuyến nghị được chấp nhận xuất phát từ chính sách và cam kết nhất quán của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quyền con người. Đặc biệt là cam kết tự nguyện của Việt Nam với tư cách là thành viên của HĐNQ: Tăng cường các chính sách, biện pháp và nguồn lực để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị và dân sự phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; cố gắng để đạt được tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ MDG đúng hạn; hoàn thiện và nâng cao của hệ thống pháp luật, tư pháp và các cơ chế quốc gia về quyền con người; Bảo đảm các quyền cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người cao tuổi; tham gia các công ước nhân quyền quốc tế, tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định tại các điều ước quốc tế, đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương;... Đây cũng là dịp quan trọng để Việt Nam tiếp tục khẳng định với thế giới những thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong nhiều năm qua về lĩnh vực bảo đảm quyền con người và cũng là dịp để thế giới hiểu rõ về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Để Báo cáo UPR của Việt Nam với nội dung phong phú, toàn diện, thể hiện rõ trách nhiệm cam kết về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, ngày 02/4/2014, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan chủ trì phối hợp và được sự hỗ trợ của UNDP Việt Nam, đã tổ chức Hội thảo thông báo về kết quả rà soát định kỳ đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam theo Cơ chế UPR chu kỳ 2. Thông qua đó nhằm thông báo rộng rãi cho mọi cá nhân, tổ chức quan tâm về kết quả rà soát tình hình đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam, lấy ý kiến tham vấn về các khuyến nghị Việt Nam có thể chấp nhận cũng như lộ trình thực hiện các khuyến nghị này. Việt Nam đã chuẩn bị hết sức nghiêm túc Báo cáo UPR chu kỳ 2 với sự tham gia của 13 bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội, các cơ quan của LHQ, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cá nhân.
Chúng ta có thể khẳng định và tự hào rằng trong mấy chục năm qua, Nhà nước Việt Nam đã làm hết sức mình, luôn quan tâm đến cuộc sống của người dân với nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm và phát huy quyền con người, được thể hiện rõ trong pháp luật, chính sách và bằng những thành tựu trên thực tế ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi việc làm của Việt Nam đều hướng tới người dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và nước ta còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đã vượt qua các trở ngại, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Việt Nam đã ký kết, tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về nhân quyền, nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ của nước thành viên Công ước, tiến hành nhiều đối thoại về quyền con người với các nước, đối tác quan tâm. Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia vào những nỗ lực khu vực về đảm bảo và phát huy quyền con người, trong đó có ASEAN. Đồng thời đặc biệt coi trọng, tham gia tích cực vào các hoạt động tại HĐNQ và hợp tác tốt với các cơ chế của HĐNQ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số tổ chức và cá nhân vẫn chưa từ bỏ âm mưu sử dụng nhân quyền đưa ra những nhận xét thiếu khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền, dân chủ, tôn giáo,… ở Việt Nam với luận điệu cũ rich nhưng Việt Nam với chính sách đúng đắn và được bạn bè quốc tế ủng hộ nên đã vượt qua tất cả để làm những gì có thể với mục tiêu vì cuộc sống của nhân dân. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài về nước và đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đã và đang chứng kiến những thay đổi về lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo là minh chứng hùng hồn để bác bỏ thái độ xấu của các thế lực thù địch. Một minh chứng mới nhất đã nói lên điều đó, nhiều khách quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài về tham dự Đại lễ Phật đản LHQ - Vesak 2014 được tổ chức tại chùa Bái Đính, Ninh Bình vào giữa tháng 5/2014 đều có chung nhận xét rằng: Không thể nói không có tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nếu bị hạn chế tôn giáo thì làm sao xây dựng được ngôi chùa to đẹp như thế và làm sao có chuyện hàng chục nghìn tăng ni, Phật tử ở trong và ngoài nước phấn khởi tụ họp về đây tham dự Đại lễ với không khí thanh bình, không có sự cản trở nào đối với việc tiến hành các nghi lễ tôn giáo”… Vậy mà vẫn còn có những kẻ cố tình nhào nặn, bịa đặt rằng: “Việt Nam đang đánh bóng hình ảnh về nhân quyền, tự do tôn giáo bằng việc tổ chức Đại lễ Vesak”, nhằm “che giấu các hành động đàn áp, hạn chế tôn giáo”!? Một số tổ chức, cá nhân, trong đó có những phần tử xấu ở trong nước câu kết với một số người Việt lưu vong và thế lực thiếu thiện chí đã tức tối, hùng hổ cho rằng Việt Nam vẫn “vi phạm nhân quyền, dân chủ, ngăn cản và hạn chế tự do tôn giáo,…”. Tất cả những việc làm xấu xa đó càng làm Việt Nam tăng thêm quyết tâm vừa thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền, vừa đấu tranh để chống lại những thái độ sai trái, làm cho thế giới hiểu rõ đâu là sự thật, bất chấp những hoạt động vu cáo, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ bức tranh nhân quyền ở Việt Nam./.
Nguồn: Đặng Tài Tính (TW Hội NCT Việt Nam)
* Bài đã đăng Tạp chí Công an nhân dân
- Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào Nguyễn Du
- Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11
- Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc
- Hà Nội công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin
- Việt Nam giành 6 Huy chương Olympic Toán học quốc tế
- Hội thảo Lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
- Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số
- Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2015: Hội thảo 'Tứ ngũ đại đồng đường'
- Phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp vào nông nghiệp
- Báo chí cách mạng không thể tránh né những vấn đề 'nhạy cảm'*