Tiến bộ vượt bậc trong Hiến pháp 2013 về quyền của Người cao tuổi.

Ngày đăng: 24/10/2014

Lê Liên *

Từ Hiến pháp năm 1992 đến Hiến pháp năm 2013, đạo luật cơ bản của Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có một bước tiến to lớn khi qui định quyền con người, trong đó lần đầu tiên, quyền của người cao tuổi được xác lập hoàn chỉnh.

 


Mừng Quốc hội thông qua luật Người cao tuổi
ở cơ quan Trung ương Hội

 

Hiến pháp năm 1992 có điều nói về trẻ em, lứa tuổi đầu tiên của đời người (Điều 65), điều nói về thanh niên, lực lượng xung kích của xã hội (Điều 66), nhưng chưa có điều, khoản nào nói về quyền của người cao tuổi, lứa tuổi cuối cùng của đời người. Đến Hiến pháp 2013, Điều 37 qui định rõ: 

“1. Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

2. Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

3. Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đây là lần đầu tiên Hiến pháp nước ta đề cập đến quyền của người cao tuổi với nội dung toàn diện, phản ánh đầy đủ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về công tác người cao tuổi trong xu thế chung của thế giới và nước ta là già hóa dân số đang là hiện tượng phổ biến, mang tính toàn cầu, các nước phải có các chính sách thích hợp để kịp thời đối phó với xu thế đó. 30 từ “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong Hiến pháp năm 2013 là kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách hơn bảy thập kỷ qua của Đảng và Nhà nước ta về công tác người cao tuổi.

Liên hiệp quốc qui định: một quốc gia, lãnh thổ già hóa dân số khi số người từ đủ 65 tuổi trở lên bằng và hơn 7% tổng dân số, hoặc từ đủ 60 tuổi trở lên bằng và hơn 10% tổng dân số, thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” là thời kỳ mà tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm xuống dưới 30%, tỷ trọng người già từ 65 tuổi trở lên dưới 15% trong tổng dân số.

Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người cao tuổi nước ta chiếm 8,099% tổng dân số cả nước, chỉ số già hóa dân số của Việt Nam tăng từ 24,3% lên 35,5% do tỷ lệ người cao tuổi tăng, trong khi tỉ lệ trẻ em giảm mạnh trong thập kỷ qua. Kết quả này cũng cho thấy, hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ của “cơ cấu dân số vàng”. Cụ thể: tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33,1% (năm 1999) xuống còn 24,5% (2009). Tỷ trọng dân số nhóm tuổi từ 15 đến 64 tăng từ 61,1% lên 69,1% và nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên tăng từ 5,8% đến 6,4%. Thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" của Việt Nam bắt đầu từ năm 2003.

Cập nhật kết quả điều tra dân số các năm sau đó (2010, 2011, 2012), tỷ lệ người cao tuổi so với tổng dân số ngày càng tăng nhanh, đến ngày 31-12-2012, người cao tuổi ở Việt Nam đã đạt 9 triệu, chiếm 10,02% dân số. Tổng cục Thống kê dự báo thời kỳ già hoá dân số ở nước ta sẽ diễn ra sau năm 2017. Tuy nhiên, từ năm 2017, thời gian để Việt Nam chuyển sang cơ cấu dân số già quá ngắn, chỉ mất khoảng 20 năm, ít hơn nhiều so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Quá trình này tại Pháp là 115 năm (1865-1980), Thụy Điển 85 năm (1890-1975), Úc 73 năm (1938-2011), Mỹ 69 năm (1944-2013), Ca-na-đa 65 năm (1944- 2009), Hung-ga-ri 53 năm (1941-1994), Ba Lan 47 năm (1966-2013), Anh 45 năm (1930-1975), Nhật Bản 26 năm (1970-1996, Trung Quốc 26 năm (2000-2026), Thái Lan 22 năm (2003-2025).

Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh, do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Khuynh hướng nhân khẩu học này cho thấy Việt Nam đã đạt được những thành tựu  to lớn trong việc cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, già hóa dân số nhanh cũng tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam. Đây là cơ sở rất cơ bản để chúng ta đề ra chính sách xây dựng đất nước phồn vinh, giàu có trước khi dân số già hoá, tránh được tình trạng “nước chưa giàu dân số đã già” đang tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn có quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn về công tác người cao tuổi. Xuất phát từ quan điểm cơ bản về vai trò và sức mạnh của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những quan điểm cơ bản cốt lõi về người cao tuổi: Một là, người cao tuổi là “của quý vô giá”, một lực lượng xã hội quan trọng, có tiềm năng to lớn. Hai là, từ cách nhìn như trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò trọng đại của người cao tuổi đối với gia đình, Tổ quốc là quan trọng.  Ba là, từ vị trí, vai trò tiềm năng của người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tôn kính người cao tuổi, đặt niềm tin sâu sắc, coi trọng và phát huy vai trò tiềm năng của lực lượng người cao tuổi. Bốn là, tập hợp, đoàn kết người cao tuổi là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi vừa có giá trị lịch sử, vừa mang tính thời đại, thời sự thế giới hiện nay. Điều này thể hiện trong Tuyên bố chính trị Hội nghị quốc tế về người cao tuổi do Liên hiệp quốc tổ chức tại Madrit (Tây Ban Nha) tháng 4-2010: “Các kỹ năng, các kinh nghiệm và các nguồn lực của các nhóm người cao tuổi được thừa nhận như một tài sản vô giá cho sự phát triển của lứa tuổi đang trưởng thành, trong xã hội có tính nhân văn và nhoà nhập đầy đủ”.

Đảng ta khẳng định người cao tuổi là một lực lượng xã hội đông đảo, quý giá trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người cao tuổi trong xã hội Việt Nam có vai trò và vị trí rất quan trọng, là lớp người có công sinh thành nuôi dưỡng và giáo dục các thế hệ con cháu, giữ gìn và phát triển giống nòi; bảo vệ và phát triển thuần phong mỹ tục, truyền thống yêu nước của cả dân tộc. Đông đảo người cao tuổi đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là lớp người kiên định vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngày 27-9-1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 59-CT/TW về chăm sóc người cao tuổi.

Thông báo số 305-TB/TW, ngày 3-2-2010, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định: “Người cao tuổi Việt Nam là lớp người có vai trò, vị trí quan trọng đối với gia đình và xã hội, đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Người cao tuổi cần được chăm sóc và phát huy trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng nêu rõ: “Quan tâm chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hoá, được tiếp cận thông tin, sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa”. 

Thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi già hóa dân số bắt đầu trở thành xu thế phát triển toàn cầu, ta chưa thực sự quan tâm đúng mức tới người cao tuổi. Tuy có chậm hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng khi nhận thức đúng vấn đề, việc quan tâm đến người cao tuổi, Nhà nước ban hành các chính sách để người cao tuổi thụ hưởng lại được tiến hành nhanh chóng, đầy đủ hơn hẳn nhiều nước trên thế giới.

Thể chế hoá đường lối quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong hơn ba thập kỷ qua, Nhà nước ta đã ban hành hơn 50 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Các văn bản về người cao tuổi; Các văn bản liên quan đến người cao tuổi, người cao tuổi là một bộ phận được thụ hưởng từ chính sách chung, như: các văn bản về người có công với cách mạng, các văn bản về người khuyết tật, các văn bản về người bị nhiễm HIV, các văn bản về Bảo hiểm xã hội, các văn bản về bảo hiểm y tế. Các văn bản quy phạm pháp quy đã ban hành từng bước tạo dựng được hệ thống chính sách chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, xác định được mục tiêu của người cao tuổi là sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.

Luật người cao tuổi đã được Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ VI thông qua ngày 23-11-2009, xác định vị trí, vai trò, tiềm năng quý giá, một lực lượng xã hội quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân, quy định các chính sách cụ thể về chăm sóc, phụng dưỡng phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống xã hội. Thi hành Luật người cao tuổi, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi. Cụ thể hóa Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, theo chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông, vận tải, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, đã ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Luật người cao tuổi.

Ngày 22-11-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1781/QĐ-TTg, Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020, trong đó xác định 9 hoạt động chủ yếu: “1. Hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi. 2. Hoạt động chăm sóc sức khỏe. 3. Hoạt động chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần. 4. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến người cao tuổi. 5. Hoạt động nâng cao đời sống vật chất. 6. Hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi dựa vào cộng đồng. 7. Hoạt động phát triển các cơ sở chăm sóc và nhà ở đối với người cao tuổi. 8. Hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cán bộ; giám sát, đánh giá nghiên cứu về những vấn đề liên quan người cao tuổi. 9. Hoạt động chủ động chuẩn bị cho tuổi già.

Hiến pháp 2013 được thông qua đã hình thành nên một hệ thống văn bản pháp quy hoàn chỉnh từ đạo luật cơ bản, đến các chính sách cụ thể bảo đảm đầy đủ quyền cho người cao tuổi.

Chấp hành pháp luật, trong thực tiễn, công tác người cao tuổi cũng được Đảng, Nhà nước, toàn xã hội quan tâm ngày càng chu đáo. Công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi được các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội quan tâm. Hiện nay có 1, 4 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và các trợ cấp xã hội đã được hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng từ ngân sách Nhà nước. Nhiều địa phương, cơ sở đã quan tâm tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, lập sổ sách theo dõi sức khoẻ người cao tuổi, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuôc miễn phí cho hàng triệu người cao tuổi, quan tâm phát triển các hoạt động văn hóa tinh thần cho người cao tuổi, tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, tâm linh đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo người cao tuổi. Đến nay cả nước có 58.099 câu lạc bộ người cao tuổi các thể loại hết sức phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thu hút gần 2,6 triệu người cao tuổi tham gia. Nhiều vụ xâm phạm thân thể, tính mạng, tài sản của người cao tuổi đã bị nghiêm trị theo pháp luật.

Người cao tuổi cũng được phát huy đầy đủ kinh nghiệm, vốn sống của mình. Cả nước có 1,240 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể. Có địa phương có đến 70-80 % số người cao tuổi làm Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản, gần 2,5 triệu người cao tuổi còn tham gia lao động sản xuất, kinh doanh; hơn 93 ngàn người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, gần 300 ngàn người cao tuổi làm kinh tế giỏi; 500 ngàn gia đình có người cao tuổi đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Do khả năng kinh tế đất nước còn có hạn, nhiều chính sách đối với người cao tuổi đã được xây dựng nhưng chưa có điều kiện thi hành, nhưng với một hệ thống pháp luật bảo đảm đầy đủ quyền của người cao tuổi, chắc chắn kinh tế đất nước càng phát triển, người cao tuổi càng được thụ hưởng nhiều quyền lợi về kinh tế hơn, tính mạng, tài sản của người cao tuổi sẽ được pháp luật bảo vệ chặt chẽ hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ngày càng vững chắc hơn./.

 

----------------

*    Nguyên Trợ lý Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên truyền – Thi đua, Trưởng Ban Biên tậpTrang Thông tin điện tử tổng hợp Hội NCT Việt Nam