Tình hình kinh tế xã hội quý I năm 2014
Ngày 2/4/2014, trên Cồng thông tin điện tử Chính phủ, chinhphu.vn, đã phát hành bài “Tình hình kinh tế xã hội quý I năm 2014”. Trang thông tin điện tử Hội NCT Việt Nam xin trân trọngđăng lại toàn văn nội dung bài báo điện tử nói trên:
Bước sang năm 2014, kinh tế thế giới phát triển theo hướng đẩy nhanh tăng trưởng toàn cầu tại các nền kinh tế lớn với hàng loạt các biện pháp mạnh được thực thi. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế mới nổi thực hiện chính sách thắt chặt thông qua việc tăng lãi suất nhằm giảm áp lực tiền tệ, vì vậy tăng trưởng kinh tế tại khu vực này đang gặp trở ngại. Kinh tế - xã hội nước ta trước bối cảnh thế giới vừa có những thuận lợi, nhưng cũng không ít rủi ro, thách thức, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và diễn biến khó lường. Khó khăn trong sản xuất kinh doanh chưa được giải quyết triệt để, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục. Trước tình hình đó, Chính phủ xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 là: “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãnh phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.
Để thực hiện tốt mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Ngay từ đầu năm, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp và địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nhằm sớm khắc phục những hạn chế, vượt qua thách thức để ổn định vĩ mô, tạo tăng trưởng bền vững, bảo đảm đời sống dân cư. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong ba tháng đầu năm như sau:
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 ước tính tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm trở lại đây [1]. Trong toàn nền kinh tế, cả ba khu vực đều đạt mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37% (quý I/2013 tăng 2,24%), đóng góp 0,32 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69% (quý I/2013 tăng 4,61%), đóng góp 1,88 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,95% (quý I/2013 tăng 5,65%), đóng góp 2,76 điểm phần trăm.
Số liệu trên cho thấy khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2013 là: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,61%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,58%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,91%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tuy mức tăng của cả khu vực không cao, ở mức 4,69% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá với 7,3%, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ một số năm trước [2], góp phần tác động lớn đến mức tăng trưởng chung. Ngành xây dựng tăng 3,4%, thấp hơn mức tăng 4,79% của quý I/2013.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tuy tăng thấp nhất ở mức 1,91% nhưng đóng góp 1,41 điểm phần trăm trong mức tăng 2,37% của toàn khu vực do quy mô nông nghiệp hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 73% trong khu vực; thủy sản tăng 3,58%, đóng góp 0,67 điểm phần trăm; lâm nghiệp tăng 4,64%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,32%; khu vực dịch vụ chiếm 46,8% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2013 là: 13,27%; 40,17%; 46,56%).
Xét về góc độ sử dụng GDP của quý I năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,06% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 4,92%, cao hơn mức tăng cùng kỳ một số năm gần đây [3]; tích lũy tài sản tăng 3,24%, đóng góp 0,62 điểm phần trăm; chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,3 điểm phần trăm do xuất siêu. Độ mở của nền kinh tế quý I tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây, từ mức 155,6% của quý I/2010 tăng lên 194,3% trong quý I/2014 [4]
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
quý I các năm 2012, 2013 và 2014
|
Tốc độ tăng so với quý I năm trước (%) |
Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng quý I |
||
|
Quý I năm 2012 |
Quý I năm 2013 |
Quý I năm 2014 |
|
Tổng số |
4,75 |
4,76 |
4,96 |
4,96 |
Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản |
2,81 |
2,24 |
2,37 |
0,32 |
Công nghiệp và xây dựng |
5,15 |
4,61 |
4,69 |
1,88 |
Dịch vụ |
4,99 |
5,65 |
5,95 |
2,76 |
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm 2014 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 165 nghìn tỷ đồng, tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 126,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,01%; lâm nghiệp đạt 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8%; thủy sản đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,71%.
a. Nông nghiệp
Tính đến ngày 15 tháng Ba, cả nước đã gieo cấy được 3062,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1112,7 nghìn ha, bằng 100,1%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1949,7 nghìn ha, bằng 98,4%, nguyên nhân một mặt do ảnh hưởng của thời tiết hạn hán, mặt khác do giá lúa thấp nên một số địa phương chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng khác cho giá trị cao hơn. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa giảm 400 - 500 đồng/kg từ đầu tháng Ba. Để hỗ trợ nông dân, ngày 15 tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 373a/QĐ-TTg về mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2013-2014.
Tính đến trung tuần tháng Ba, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 725,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 64,6% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long bước vào thu hoạch rộ, đạt trên 702 nghìn ha, chiếm 45% diện tích xuống giống và bằng 64,4% cùng kỳ năm 2013. Một số địa phương có tiến độ thu hoạch lúa đông xuân nhanh là: Tiền Giang hơn 77 nghìn ha, đạt 100% diện tích gieo cấy; Vĩnh Long 55 nghìn ha, đạt 89%; Sóc Trăng 105 nghìn ha, đạt 75%; Cần Thơ 59 nghìn ha, đạt 67,4%. Ước tính sơ bộ, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 69,2 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ đông xuân 2013, sản lượng đạt 10,8 triệu tấn, tăng 126 nghìn tấn.
Gieo trồng các loại rau, màu cũng được được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến giữa tháng Ba, cả nước đã gieo trồng được 350 nghìn ha ngô, bằng 102,8% cùng kỳ năm trước; 78,9 nghìn ha khoai lang, bằng 98,7%; 126,6 nghìn ha lạc, bằng 93%; 51,3 nghìn ha đỗ tương, bằng 94,4%; 486,4 nghìn ha rau đậu, bằng 108,3%.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong ba tháng đầu năm chịu ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại. Theo báo cáo sơ bộ, có hơn 2 nghìn con trâu, bò bị chết do rét. Ước tính đàn trâu cả nước 3 tháng đầu năm giảm khoảng 1,5% - 2% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò giảm khoảng 1% - 1,5%; sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng giảm 1% - 1,5%. Đàn lợn ước tính tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do dịch lợn tai xanh được khống chế và giá thịt lợn có dấu hiệu tăng trở lại. Ước tính sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 3 tháng tăng 1% - 1,2% so với cùng kỳ năm 2013. Dịch cúm gia cầm bùng phát làm ảnh hưởng đến kết quả chăn nuôi gia cầm tại nhiều địa phương. Từ đầu năm, cả nước có 32 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch cúm gia cầm với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là hơn 140 nghìn con, tiêu hủy trên 160 nghìn con. Ước tính tổng số gia cầm ba tháng đầu năm giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính đến ngày 21/3/2014, dịch lợn tai xanh đã được khống chế; dịch bệnh khác chưa qua 21 ngày còn ở các địa phương là: Dịch lở mồm long móng ở Quảng Trị và Sơn La; dịch cúm gia cầm còn ở các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau.
b. Lâm nghiệp
Hoạt động lâm nghiệp những tháng đầu năm có nhiều thuận lợi về thời tiết và thị trường tiêu thụ lâm sản. Tổng diện tích rừng trồng tập trung 3 tháng ước tính đạt 11,5 nghìn ha, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có diện tích trồng rừng nhiều là: Quảng Ngãi 2445 ha; Nghệ An 2400 ha; Quảng Ninh 2230 ha; Quảng Nam 1100 ha; Yên Bái 1036 ha; Phú Thọ 944 ha. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 64,2 triệu cây, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2013; sản lượng gỗ khai thác đạt 1190 nghìn m3, tăng 5,2%; sản lượng củi khai thác đạt 7,6 triệu ste, tăng 2,7%.
Thời tiết đang mùa khô hạn nên nhiều vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Tính đến trung tuần tháng Ba, diện tích rừng bị thiệt hại ước tính 600 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 508 ha, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị phá là 92 ha tăng 64,8%. Một số tỉnh có nhiều diện tích rừng bị cháy là: Lạng Sơn 67 ha; Yên Bái 64 ha; Bình Thuận 48 ha; Sơn La 44 ha. Theo thông tin cảnh báo cháy rừng ngày 20/3/2014 từ Cục Kiểm lâm, trên địa bàn cả nước có 22 tỉnh có khu vực nguy cơ cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm [5]. Trước nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng cao ở nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2014 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
c. Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm ước tính đạt 1185,2 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 870,8 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm đạt 118,2 nghìn tấn, tăng 8,6%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 3 tháng ước tính đạt 497,9 nghìn tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó cá đạt 346,8 nghìn tấn, giảm 4%; tôm đạt 87,5 nghìn tấn, tăng 10,1%. Do sản xuất cá tra thua lỗ kéo dài trong thời gian qua nên diện tích và sản lượng những tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có sản lượng cá tra 3 tháng đầu năm giảm nhiều là: An Giang đạt 45 nghìn tấn, giảm 6,3%. Vĩnh Long đạt 26,1 nghìn tấn, giảm 7%; Bến Tre đạt 24 nghìn tấn, giảm 46%; Cần Thơ đạt 20,4 nghìn tấn, giảm 24%. Tình hình nuôi trồng cá tra hiện nay có xu hướng khả quan hơn do giá cá tra nguyên liệu tăng và ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho các hộ đầu tư thả nuôi cá tra trở lại.
Nuôi tôm tại các địa phương phát triển theo hướng giảm diện tích nuôi tôm sú và tăng nhanh diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Đây là loại tôm cho năng suất cao, ít dịch bệnh, có thể nuôi từ 2 đến 3 vụ một năm và có thị trường xuất khẩu ổn định. Một số tỉnh có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 3 tháng tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2013 là: Sóc Trăng 6113 ha, tăng 167%; Cà Mau 3704 ha, gấp 5 lần; Trà Vinh 1828 ha, gấp 4 lần; Bạc Liêu 1573 ha, tăng 118%; Long An 1338 ha, tăng 65%. Tuy nhiên, hiện nay việc mở rộng nhanh diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn theo cách tự phát, chưa có quy hoạch và thiếu sự quản lý cũng như đầu tư về thủy lợi, cùng với nguồn giống, thức ăn chưa được kiểm soát gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sinh trưởng của tôm. Do đó các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường tập huấn, tuyên truyền cho người nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đạt hiệu quả cao.
Sản lượng thủy sản khai thác 3 tháng ước tính đạt 687,3 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 524 nghìn tấn, tăng 5,6%; tôm đạt 30,7 nghìn tấn, tăng 4,8 %. Khai thác thủy sản biển 3 tháng đạt 648,9 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng thuỷ sản khai thác trong kỳ đạt khá chủ yếu do thời tiết tương đối thuận lợi cho các chủ tàu, thuyền ra khơi đánh bắt. Một số địa phương có sản lượng khai thác biển đạt khá là: Kiên Giang 112 nghìn tấn, tăng 13% cùng kỳ năm trước; Ninh Thuận đạt 37,8 nghìn tấn, gấp 3 lần; Sóc Trăng 13 nghìn tấn, tăng 7,2%. Khai thác cá ngừ đại dương vẫn tiếp tục giảm do mùa khai thác trước bị thua lỗ nhiều, ngư dân chuyển sang làm nghề khác: Phú Yên đạt 1226 tấn, giảm 40,3%; Bình Định đạt 1700 tấn, giảm 40,4%, Khánh Hòa đạt 502 tấn, giảm 3,5%.
3. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Ba ước tính tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2%, cao hơn mức tăng 5% của cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng khá ở mức 7,3%, cao hơn nhiều mức tăng 5,3% của quý I/2013 và đóng góp 5,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 9,2%, cao hơn mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2,9%, làm giảm 0,6 điểm phần trăm của mức tăng chung.
Trong ngành công nghiệp cấp 2, một số ngành có chỉ số sản xuất 3 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Dệt tăng 20,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 19,4%; sản xuất trang phục tăng 14%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 12,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 12,3%. Một số ngành có mức tăng khá là: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 9,8%; sản xuất đồ uống tăng 9,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 8,7%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 3,9%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 3,4%; sản xuất thuốc lá giảm 0,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 1,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 1,7%; sản xuất kim loại giảm 2,4%; khai thác than cứng và than non giảm 8,9%.
Trong các sản phẩm công nghiệp, một số sản phẩm có chỉ số sản xuất 3 tháng tăng cao so với cùng kỳ là: Giày, dép da tăng 32,8%; sữa tắm, sữa rửa mặt tăng 28,2%; thép cán tăng 19%; vải dệt từ sợi thiên nhiên tăng 17,8%; ti vi tăng 17,6%; quần áo thường tăng 13,8%; thủy hải sản chế biến tăng 13,5%; sữa bột tăng 11,8%; phân ure tăng 10,9%; điện sản xuất tăng 9,2%... Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm là: Xi măng tăng 0,7%; gạch xây bằng đất nung tăng 0,9%; sữa tươi tăng 1,1%; vải dệt từ sợi tổng hợp giảm 3%; phân NPK giảm 5,1%; thức ăn cho thủy sản giảm 6,1%; than sạch giảm 9,0%; điện thoại di động giảm 10,9%; sắt, thép thô giảm 22,5%...
Chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2013 của một số địa phương như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,6%; Đồng Nai tăng 7,1%; Bình Dương tăng 6,5%; Hà Nội tăng 3,6%; Hải Phòng tăng 11,3%; Bắc Ninh tăng 4,8%; Vĩnh Phúc tăng 0,2%; Cần Thơ tăng 5%; Hải Dương tăng 6,4%; Đà Nẵng tăng 10,5%; Bà Rịa Vũng Tàu giảm 1,7%; Quảng Ninh giảm 3,5%; Quảng Nam tăng 8,9%; Quảng Ngãi giảm 1,9%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2014 giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành này tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ 2 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2013 là: Sản xuất thiết bị điện tăng 29,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 19,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 16,6%; sản xuất trang phục tăng 13,5%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá là: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 10,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,5%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 8%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất thuốc lá tăng 7,6%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 7,4%; sản xuất đồ uống tăng 5,9%; dệt tăng 4,8%; sản xuất kim loại giảm 9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 14,7%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có mức tăng giảm dần. Tại thời điểm 01/3/2014, chỉ số tồn kho tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm 2013, thấp hơn mức tăng cùng thời điểm một số năm trước [6], trong đó những ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm là: Sản xuất trang phục tăng 9,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 5,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 3,3%; sản xuất đồ uống tăng 3%; dệt tăng 2,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 28,7%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung là: Sản xuất kim loại tăng 126,8%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 61,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 59,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 54,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 53,6%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 2 tháng đầu năm là 84,4%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao là: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 181,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 152,9%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế 122,6%; sản xuất kim loại 122,4%.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/03/2014 tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,8% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6,4%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng giảm 1,8% so với cùng thời điểm năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện và công nghiệp cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải cùng tăng 2,9%.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp tại thời điểm 01/02/2014 so với cùng thời điểm năm trước của các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,3%; Đồng Nai tăng 2,9%; Bình Dương tăng 3,9%; Hà Nội giảm 0,1%; Hải Phòng tăng 3,6%; Bắc Ninh tăng 18,5% (do công ty Samsung Electronic mở rộng sản xuất kinh doanh); Vĩnh Phúc tăng 4,9%; Cần Thơ tăng 0,9%; Hải Dương tăng 7,8%; Đà Nẵng tăng 5,3%; Bà Rịa- Vũng Tàu tăng 4,9%; Quảng Ninh tăng 1,9%; Quảng Nam tăng 1,8%; Quảng Ngãi tăng 4,1%.
4. Hoạt động dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước tính đạt 233,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung ba tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 701,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 5,1%, tuy cao hơn mức tăng của cùng kỳ hai năm trước nhưng vẫn ở mức thấp [7]. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ba tháng của khu vực kinh tế Nhà nước đạt 68 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng mức và tăng 6,9%; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 607,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,7%, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,6%, tăng 25%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ba tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 530,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,5% tổng mức và tăng 8,1%; khách sạn nhà hàng đạt 85,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% và tăng 12,1%; dịch vụ đạt 79 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% và tăng 23,5%; du lịch đạt 7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 20,3%.
b. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách ba tháng đầu năm ước tính đạt 749,8 triệu lượt khách, tăng 5,3% và 34,9 tỷ lượt khách.km, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 8,1 triệu lượt khách, tăng 8,2% và 8,6 tỷ lượt khách.km, tăng 9,6%; vận tải địa phương đạt 741,7 triệu lượt khách, tăng 5,3% và 26,2 tỷ lượt khách.km, tăng 4,8%. Vận tải hành khách đường bộ ba tháng ước tính đạt 703,7 triệu lượt khách, tăng 5,5% và 25,5 tỷ lượt khách.km, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; đường hàng không đạt 4,7 triệu lượt khách, tăng 16% và 7,5 tỷ lượt khách.km, tăng 12,4%; đường sắt đạt 2,7 triệu lượt khách, giảm 1,8% và 0,9 tỷ lượt khách.km, giảm 5,1%; đường biển đạt 1,3 triệu lượt khách, tăng 2,4% và 58,7 triệu lượt khách.km, tăng 1,9%.
Vận tải hàng hóa ba tháng đầu năm ước tính đạt 248,3 triệu tấn, tăng 4,6% và 52,1 tỷ tấn.km, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 241,4 triệu tấn, tăng 4,8% và 21,5 tỷ tấn.km, tăng 3,4%; vận tải ngoài nước đạt 6,9 triệu tấn, giảm 3% và 30,6 tỷ tấn.km, giảm 0,2%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 190,5 triệu tấn, tăng 5,7% và 10,5 tỷ tấn.km, tăng 4,5%; đường sông đạt 42,6 triệu tấn, tăng 2,8% và 9,1 tỷ tấn.km, tăng 2,4%; đường biển đạt 13,6 triệu tấn, giảm 3,6% và 31,6 tỷ tấn.km, tăng 0,1%; đường sắt đạt 1,5 triệu tấn, giảm 6,1% và 0,8 tỷ tấn.km, giảm 6%.
c. Khách quốc tế đến Việt Nam
Trong ba tháng đầu năm nay, số khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 2,3 triệu lượt người, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất so với mức tăng cùng kỳ ba năm trở lại đây [8]. Trong tổng số, khách đến với mục đích du lịch đạt 1403,8 nghìn lượt người, tăng 27,1%; đến vì công việc đạt 391,5 nghìn lượt người, tăng 28,8%, thăm thân nhân đạt 403,8 nghìn lượt người, tăng 35,6%.
Số khách quốc tế đến nước ta trong ba tháng đầu năm từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Trung Quốc 587,5 nghìn lượt người, tăng 48,9%; Hàn Quốc 238,5 nghìn lượt người, tăng 6,3%; Nhật Bản 170,8 nghìn lượt người, tăng 9,2%; Hoa Kỳ 140,1 nghìn lượt người, tăng 9,7%; Nga 131,5 nghìn lượt người, tăng 55,2%; Đài Loan 109,5 nghìn lượt người, tăng 13,2%; Cam-pu-chia 99,1 nghìn lượt người, tăng 33,8%; Ôx-trây-li-a 95,3 nghìn lượt người, tăng 9,2%; Ma-lai-xi-a 80,8 nghìn lượt người, tăng 15,2%; Thái Lan 65,6 nghìn lượt người, tăng 9,1%; Pháp 65,4 nghìn lượt người, tăng 12,9%.
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
1. Xây dựng, đầu tư phát triển
a. Hoạt động xây dựng
Giá trị sản xuất xây dựng quý I theo giá hiện hành ước tính đạt 155,5 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 16,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5%; khu vực ngoài Nhà nước 127,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 11,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,4%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 58,9 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 23,6 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 45,9 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 27,1 nghìn tỷ đồng.
Giá trị sản xuất xây dựng quý I theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 125,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 13,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 102,7 nghìn tỷ đồng, giảm 1,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,5 nghìn tỷ đồng, tăng 162,5%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 47,2 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 18,9 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 37,2 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 22,4 nghìn tỷ đồng.
b. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2014 theo giá hiện hành ước tính đạt 214,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 28,4% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước 78,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng vốn và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 77,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,1% và tăng 6,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 58,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,4% và tăng 4,4%.
Tốc độ phát triển vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện
quý I các năm 2012, 2013 và 2014 so với cùng kỳ năm trước
Đơn vị tính: %
Quý I năm 2012 |
Quý I |
Quý I năm 2014 |
|
Tổng số |
107,3 |
104,7 |
103,8 |
Khu vực Nhà nước |
116,4 |
100,0 |
100,4 |
Khu vực ngoài Nhà nước |
102,1 |
108,2 |
106,9 |
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài |
102,1 |
107,2 |
104,4 |
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện quý I ước tính đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch năm và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2013, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 6701 tỷ đồng, bằng 17% kế hoạch năm và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 1247 tỷ đồng, bằng 27,5% và giảm 2,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 658 tỷ đồng, bằng 18,9% và giảm 1,3%; Bộ Xây dựng 330 tỷ đồng, bằng 16,2% và giảm 24,1%; Bộ Y tế 136 tỷ đồng, bằng 16,8% và giảm 9,1%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 129 tỷ đồng, bằng 17,4% và giảm 12%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 104 tỷ đồng, bằng 16,7% và giảm 6,1%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 85 tỷ đồng, bằng 18,7% và giảm 1,7%; Bộ Khoa học và Công nghệ 55 tỷ đồng, bằng 19,7% và giảm 7,8%; Bộ Công Thương 55 tỷ đồng, bằng 18,7% và giảm 2,5%; Bộ Thông tin và Truyền thông 41 tỷ đồng, bằng 19,6% và giảm 10,5%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 27677 tỷ đồng, bằng 19,6% kế hoạch năm và giảm 2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 19144 tỷ đồng, bằng 18,5% và giảm 2,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 6858 tỷ đồng, bằng 22,1% và tăng 0,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 1675 tỷ đồng, bằng 25,3% và giảm 2,6%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 3967 tỷ đồng, bằng 16,9% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 2049 tỷ đồng, bằng 12,1% và giảm 14,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu 1012 tỷ đồng, bằng 22,5% và tăng 15,8%; Vĩnh Phúc 910 tỷ đồng, bằng 25,6% và giảm 0,7%; Nghệ An 819 tỷ đồng, bằng 34,1% và tăng 17%; Thanh Hóa 756 tỷ đồng, bằng 25,1% và tăng 8,6%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/3/2014 thu hút 252 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2046,7 triệu USD, giảm 6% về số dự án và giảm 38,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời có 82 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 1287,3 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 3334 triệu USD, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2014 ước tính đạt 2850 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong quý I, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 2332 triệu USD, chiếm 69,9% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 288,3 triệu USD, chiếm 8,6%; các ngành còn lại đạt 713,7 triệu USD, chiếm 21,5%.
Cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong quý I, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có số vốn đăng ký lớn nhất với 687,7 triệu USD, chiếm 33,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hải Dương 248,1 triệu USD, chiếm 12,1%; Bình Dương 223,5 triệu USD, chiếm 10,9%; Đồng Nai 110,6 triệu USD, chiếm 5,4%; Bắc Giang 108,1 triệu USD, chiếm 5,3%.
Trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 534,2 triệu USD, chiếm 26,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) đạt 264,5 triệu USD, chiếm 12,9%; Quần đảo Virgin thuộc Anh đạt 238,7 triệu USD, chiếm 11,7%; Xin-ga-po đạt 230,7 triệu USD, chiếm 11,3%; Ca-na-đa đạt 226 triệu USD, chiếm 11%; Nhật Bản đạt 133,7 triệu USD, chiếm 6,5%...
2. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/03/2014 ước tính đạt 157,1 nghìn tỷ đồng, bằng 20,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 109,9 nghìn tỷ đồng, bằng 20,4%; thu từ dầu thô 20,5 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 26,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,9%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 34,8 nghìn tỷ đồng, bằng 18,9% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 25,6 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 24,2 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6%; thuế thu nhập cá nhân 10,4 nghìn tỷ đồng, bằng 21,8%; thuế bảo vệ môi trường 2,3 nghìn tỷ đồng, bằng 18,5%; thu phí, lệ phí 2 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2014 ước tính đạt 184,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 28,8 nghìn tỷ đồng, bằng 17,7% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 28 nghìn tỷ đồng, bằng 17,7%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 132,1 nghìn tỷ đồng, bằng 18,8%; chi trả nợ và viện trợ 23,7 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7%.
3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Ba ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 25,8% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 33,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 13,2%), bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 10,9 tỷ USD, tăng 9,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,4 tỷ USD, tăng 16,3%. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 67,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 10,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung, khu vực trong nước chiếm 32,6% và đóng góp 3,3 điểm phần trăm.
Một số mặt hàng xuất khẩu trong quý I đạt mức kim ngạch tăng cao là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 24,8%; giày dép đạt 2,2 tỷ USD tăng 25,9%; thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 35,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 23,3%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 534 triệu USD, tăng 38,7%; hạt tiêu đạt 331 triệu USD, tăng 31,7%; hạt điều đạt 318 triệu USD, tăng 21,5%. Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, giảm 5,5%; dầu thô đạt 1,7 tỷ USD, giảm 8,3%; gạo đạt 626 triệu USD, giảm 8,9%; sắn và sản phẩm sắn đạt 367 triệu USD, giảm 14,8%; cao su đạt 306 triệu USD, giảm 39,2%; than đá đạt 217 triệu USD, giảm 25,4%.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước đạt 15 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 45% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, giảm so với tỷ trọng 46,2% của cùng kỳ năm 2013. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 19% và chiếm 37,5%, tăng so với tỷ trọng 36% của cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5% và chiếm 12,6%, giảm so với tỷ trọng 13,7%. Hàng thủy sản ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 35,3% và chiếm 4,9%, tăng so với tỷ trọng 4,1% cùng kỳ năm 2013.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu trong quý I năm nay, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ 2013. Tiếp theo là thị trường EU đạt 5,9 tỷ USD, tăng 7,5%; ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4%; Trung Quốc 3,8 tỷ USD, tăng 30,2%; Nhật Bản 3,6 tỷ USD, tăng 17,8%; Hàn Quốc 1,5 tỷ USD, giảm 8,9%.
b. Nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 12,3 tỷ USD, tăng 21,9% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 15,5%), bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 42,6% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu và tăng 9,7%, đóng góp 4,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,5 tỷ USD, chiếm 57,4%, tăng 14,6% và đóng góp 8,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Kim ngạch nhập khẩu quý I năm nay tăng do đóng góp của một số mặt hàng thuộc nhóm hàng phục vụ gia công lắp ráp hàng xuất khẩu và nhóm hàng nguyên nhiên liệu dùng cho sản xuất như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 4,9 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD, tăng 23,9%; xăng dầu đạt 2 tỷ USD, tăng 21,6%; vải đạt 1,8 tỷ USD, tăng 13,3%; chất dẻo đạt 1,4 tỷ USD, tăng 5,6%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 946 triệu USD, tăng 26,6%; kim loại thường đạt 769 triệu USD, tăng 14,3%; sản phẩm chất dẻo đạt 690 triệu USD, tăng 27,8%; sản phẩm hóa chất đạt 688 triệu USD, tăng 16,8%; ô tô đạt 628 triệu USD, tăng 31,1%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 180 triệu USD, tăng 32,2%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trong quý I giảm so với cùng kỳ năm 2013 là: Sắt thép đạt 1,5 tỷ USD, giảm 3,6%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu 639 triệu USD, giảm 9,8%; phân bón đạt 245 triệu USD, giảm 24,6%; xe máy đạt 101 triệu USD, giảm 21,8%.
Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm cũng có sự thay đổi. Nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 30,2 tỷ USD, tăng 13% và chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (cùng kỳ năm trước chiếm 93%), trong đó máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,6% và chiếm 38,7% so với tỷ trọng 38,2% cùng kỳ năm 2013. Nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 17,7 tỷ USD, tăng 12,6%, chiếm 54,8%, tương đương tỷ trọng cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 2,1 tỷ USD, tăng 5% và chiếm 6,5% kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (cùng kỳ năm 2013 chiếm 7,0%).
Về thị trường nhập khẩu trong quý I, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu với kim ngạch đạt 8,3 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 5,7 tỷ USD, tăng 21,5%; ASEAN đạt 5,1 tỷ USD, tăng 2,1%; Nhật Bản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 12,1%; EU đạt 2,1 tỷ USD, tăng 0,8%; Hoa Kỳ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 17,8%.
Hai tháng đầu năm xuất siêu 1,3 tỷ USD, tháng Ba nhập siêu 300 triệu USD nên tính chung 3 tháng đầu năm xuất siêu 1 tỷ USD, bằng 3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong tổng xuất siêu 3 tháng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,9 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,9 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng gia công, lắp ráp luôn chiếm ưu thế như: điện thoại các loại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, hàng dệt may… và dự báo đây vẫn là xu hướng của hoạt động xuất, nhập khẩu trong năm 2014.
4. Chỉ số giá
a. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2014 giảm 0,44% so với tháng trước. CPI tháng Ba giảm sâu một mặt do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên Đán giảm và giá các mặt hàng nhanh trở về mặt bằng trước Tết. Mặt khác, do kinh tế trong nước gặp khó khăn nên người dân có xu hướng tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với 0,96% (Lương thực giảm 0,13%; thực phẩm giảm 1,54%); nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,74%; nhóm giao thông và nhóm bưu chính viễn thông cùng giảm 0,03%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại tăng nhẹ, trong đó nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,03%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2014 tăng 0,8% so với tháng 12/2013, mức tăng thấp và giảm dần kể từ năm 2012 [9] và tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay tăng 4,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2013, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây [10]. Một số yếu tố chính tác động đến CPI quý I năm nay là: (1) Lượng nông sản trên thị trường dồi dào nên giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ trong những ngày cận Tết Nguyên đán, sau Tết trở về mặt bằng giá trước đó; (2) Các ngành chức năng và địa phương thực hiện tốt việc dự trữ hàng hóa, bình ổn giá thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong dịp Tết của dân cư nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến như một số năm trước đây; (3) Sản xuất còn gặp khó khăn và sức mua của thị trường thấp nên một số loại sản phẩm hàng hóa tiêu thụ chậm.
b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 3/2014 tăng 3,31% so với tháng trước; tăng 3,33% so với tháng 12/2013; giảm 17,97% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2014 tăng 0,02% so với tháng trước; giảm 0,07% so với tháng 12/2013; tăng 0,66% so với cùng kỳ năm 2013.
c. Chỉ số giá sản xuất
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2014 tăng 2,42% so với quý trước và tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông nghiệp tăng 2,66% và tăng 3,96%; hàng lâm nghiệp tăng 1,32% và tăng 9,8%; hàng thủy sản tăng 1,77% và tăng 8,57%. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp quý I năm 2014 tăng 0,76% so với quý trước và tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 1,67% và tăng 16,72%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,24% và tăng 0,89%; điện và phân phối điện tăng 2,71% và tăng 13,77%; nước sạch, nước thải tăng 0,17% và tăng 4,28%.
Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất quý I năm nay tăng 0,94% so với quý trước và tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá một số ngành là: Khai khoáng tăng 2,8% và tăng 6,87%; điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,91% và tăng 10,12%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 1,67% và tăng 4,92%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,13% và tăng 3,02%.
Chỉ số giá cước vận tải kho bãi quý I tăng 1,36% so với quý trước và tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá cước vận tải hành khách tăng 1,97% và tăng 3,11%; giá cước vận tải hàng hóa tăng 0,74% và tăng 1,87%; giá cước dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải tăng 1,99% và tăng 3,72%. Chỉ số giá cước vận tải các ngành đường như sau: Giá cước ngành đường sắt quý I năm 2014 tăng 3,8% so với quý trước và tăng 5,24% so với cùng kỳ năm trước; giá cước vận tải đường bộ và xe buýt tăng 1,98% và tăng 3,75%; đường thủy tăng 1,03% và tăng 1,74%; đường hàng không không đổi; dịch vụ kho bãi và các dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 1,99% và tăng 3,72%.
d. Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý I năm nay tăng 0,54% so với quý trước và tăng 0,78% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của một số mặt hàng tăng/giảm tương ứng như sau: Rau quả tăng 3,95% và tăng 14,21%; sản phẩm từ hóa chất tăng 3,54% và giảm 2,67%; gạo tăng 3,48% và giảm 3,13%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 3,41% và giảm 4,83%; hạt tiêu tăng 3,21% và tăng 2,82%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 3,21% và tăng 1,61%. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý I giảm 0,15% so với quý trước và giảm 2,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của một số mặt hàng tăng/giảm tương ứng như sau: Nguyên phụ liệu dệt may da giày giảm 6,07% và giảm 9,35%; xơ, sợi dệt giảm 1,91% và giảm 1,46%; lúa mỳ giảm 1,79% và giảm 9,98%; thức ăn gia súc nguyên liệu giảm 0,97% và giảm 4,93%; nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 0,69% và tăng 0,35%; hóa chất giảm 0,64% và giảm 7,29%. Nếu tính theo tiền đồng Việt Nam, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý I năm nay tăng 0,54% so với quý trước và tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhậ
- Hợp nhất chi trả gói trợ cấp xã hội dành cho hộ gia đình và bổ sung đối tượng hưởng lợi
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 16 Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam (khoá IV)
- Hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội NCT Việt Nam
- Kế hoạch Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phát động Tháng hành động vì NCT ViệtNam.
- Kế hoạch Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2015
- Quyết định Số 163/2015/QĐ-HNCT, ngày 28-5-2015, về việc thành lập Ban Chỉ đạo 'Tháng hành động vì NCT Việt Nam'
- Hướng dẫn về việc tuyên truyền kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam – Ngày NCT Việt Nam (06/6/1941-06/6/2015)
- Thông báo Số 98/TB-VPCP của Về Ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
- Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – gương sáng” (2010-2015) và phương hướng nhiệm vụ 5 năm (2015-2020).
- Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang* Gửi Hội Người cao tuổi Việt Nam và người cao tuổi Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam (10/5/1995-10/5/2015).