Trưng cầu ý dân là hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân

Ngày đăng: 03/06/2015

Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 3/6, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật trưng cầu ý dân, và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.

 


Chiều 3/6, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật trưng cầu ý dân,
và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam 

Dự án Luật trưng cầu ý dân lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội thảo luận. Các ý kiến thảo luận đều tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước theo Hiến pháp 2013. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo cơ sở pháp l‎ý cho người dân trực tiếp tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước. Luât này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta vì từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, vấn đề trưng cầu ý dân mới được cụ thể hóa thành luật.

Trong phiên thảo luận tổ về Dự án Luật trưng cầu ý dân vào chiều nay, đa số đại biểu cho rằng, đây là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Các đại biểu tập trung thảo luận về nội dung đưa ra trưng cầu ý dân, chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân. Góp ý cụ thể về các nội dung của Dự án Luật, đại biểu Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) cho rằng, nội dung đưa ra trưng cầu ý dân có ý nghĩa quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước.

 


Đại biểu Thích Bảo Nghiêm, đoàn Hà Nội

Tuy nhiên, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Vì vậy, không nên quy định quá cụ thể, dự án Luật chỉ nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân. Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, để luật trưng cầu ý dân thực sự là ý của nhân dân, cần chuẩn xác hàng loạt vấn đề như nội dung nào cần trưng cầu ý dân, ai được quyền thể hiện ý kiến, ai quyết định vấn đề trưng cầu ý dân và nhất là công nhận kết quả như thế nào để kết quả này thực sự là ý chí chính đáng của nhân dân.

Theo đại biểu Đặng Đình Luyến (đoàn Khánh Hòa), các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội. Đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định thì hiện nay pháp luật đã quy định, cơ chế bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động.

 


Đại biểu Đặng Đình Luyến, đoàn Khánh Hòa
 

Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận), dự thảo Luật nên có quy định mở, để trong một số trường hợp có thể trưng cầu ý dân tại một số tỉnh, thành phố về các vấn đề mang tính chuyên biệt của địa phương đó. Thay vì chỉ quy định phạm vi toàn quốc đối với tất cả các cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương. Theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, trưng cầu ý dân là những vấn đề dân bỏ phiếu xong, chọn phương án nào là khi công bố có giá trị ngay mà không cần cơ quan nào can thiệp, thậm chí Quốc hội cũng không cần ra nghị quyết. Ví dụ như vấn đề an toàn hồ, đập ở vùng đấy nếu đưa ra toàn quốc chắc gì bà con vùng phía Bắc hay vùng phía Tây người ta quan tâm, bởi người ta có biết đâu mà quan tâm. Cho nên theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễng không nên bỏ cấp khu vực.

Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, các đại biểu đồng tình với Phương án 1 là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Theo các đại biểu, trưng cầu ý dân là hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân. Chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân đã được Quốc hội thảo luận và cân nhắc kỹ tại kỳ họp thứ 8 khi xem xét, thông qua Luật tổ chức Quốc hội.

Theo đó, “Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội”. Do vậy, để bảo đảm tầm quan trọng của việc đề nghị trưng cầu ý dân và để thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội, quy định chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân như Phương án 1 của dự thảo Luật là hợp lý.

Về kết quả trưng cầu ý dân, các đại biểu cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành. Theo đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình), khi tổ chức trưng cầu ý dân nếu được 50% số người dân tham gia trực tiếp đi bỏ phiếu trưng cầu ý dân là thành công. Nếu quy định phải 2/3 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và phương án được quá 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành thì rất khó. Theo đại biểu Phạm Xuân Thường, trong thực tế là rất khó bởi vì người dân khi trưng cầu không phải tất cả họ không đồng ý mà do người ta không quan tâm nên không đi bỏ phiếu. Trong trường hợp có những điều rất cần, đại biểu Phạm Xuân Thường ví dụ như việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần trưng cầu ý dân. Thế nhưng nếu chờ đủ 2/3 số người đồng ý thì rất khó. Và việc này là việc rất cần nhưng vì một số người không quan tâm, không đi bỏ phiếu mà chúng ta cứ căn cứ vào kết quả có khi chúng ta bỏ lỡ cả cơ hội. Theo đại biểu Phạm Xuân Thường, nên theo hướng 50% số người dân tham gia trực tiếp bỏ phiếu.

Cũng trong buổi chiều nay, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Theo đó, các đại biểu nhất trí, dự án Bộ Luật cần tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định chung; quy định về tàu biển; quy định về thuyền bộ; cảng biển, hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, lai dắt tàu biển, trục vớt tài sản chìm đắm và hợp đồng bảo hiểm hàng hải.

Ngun: ĐCSVN/ Mạnh Hùng