Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ Luật dân sự tố tụng (sửa đổi)

Ngày đăng: 13/03/2015

Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe trình bày và cho ý kiến về dự án dự án Bộ Luật dân sự tố tụng (sửa đổi).

 


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho ý kiến tại Phiên họp thứ 36
của UBTVQH chiều ngày 12/3. Ảnh: TTXVN

Theo tờ trình về dự án Bộ Luật dân sự tố tụng (sửa đổi) do Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Trương Hòa Bình trình bày, kết quả thi hành 10 năm thi hành Bộ Luật tố tụng dân sự (BLTTDS) cho thấy Bộ Luật này đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân sự dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng dân sự... Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của Bộ luật cho thấy, có nhiều quy định của Bộ Luật bộc lộ những hạn chế, bất cập trong việc giải quyết các tranh chấp nảy sinh trong đời sống xã hội…

Cụ thể, về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo cần thể hiện rõ các điều kiện bảo đảm tranh tụng, tranh tụng cụ thể về việc gì, trình tự, thủ tục tranh tụng... trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

Hơn nữa, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử phải bảo đảm cho các bên đương sự được tự do đưa ra các chứng cứ, lập luận, lý lẽ nhằm chứng minh cho các yêu cầu của họ hoặc để bào chữa. Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi bên đương sự phải được biết về tài liệu, chứng cứ của bên kia và được tự do tranh luận tại phiên tòa.

Về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo BLTTDS (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Bởi, hiện nay thủ tục rút gọn được áp dụng ở cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án dân sự. Tuy nhiên, dự thảo BLTTDS (sửa đổi) mới chỉ quy định thủ tục rút gọn ở giai đoạn xét xử sơ thẩm là chưa phù hợp. Mặt khác, dự thảo cũng chưa làm rõ được sự khác biệt giữa thủ tục rút gọn và thủ tục thông thường, cũng như các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn chưa bao quát hết các vụ án dân sự.

Đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đề nghị xem lại quy định trong dự thảo BLTTDS (sửa đổi) mục “Bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục rút gọn có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án”. Vì quy định như dự thảo chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Về sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong tố tụng dân sự cần xuất phát từ quy định của Hiến pháp năm 2013.

Hơn nữa, theo quy định của BLTTDS hiện hành thì VKSND tham gia hầu hết các phiên tòa sơ thẩm nhưng chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng, mà không phát biểu ý kiến về việc giải quyết nội dung vụ án. Với vai trò như vậy, việc tham gia phiên tòa sơ thẩm của VKSND là không cần thiết, bởi lẽ VKSND có thể thực hiện quyền kiểm sát của mình thông qua kiểm tra hồ sơ vụ án.

Về vấn đề này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm cho rằng, theo quy định của Hiến Pháp, VKS có chức năng kiểm soát, là đơn vị tham gia tố tụng ở các giai đoạn của phiên tòa. Nếu VKS không tham gia vào các phiên tòa sẽ không thể hiện được quyền của mình, không đảm bảo được công tác kiểm sát. Bởi vậy về nội dung này cần phải giữ nguyên vai trò của VKS trong việc tham gia vào phiên tòa, phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng cho rằng, cần giữ nguyên quy định về vai trò của VKS trong Bộ Luật tố tụng dân sự . Bởi quy định vai trò, quyền hạn và phương thức kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự đã rõ ràng, đầy đủ, phù hợp.

Về thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nhiều ý kiến cho rằng: Đây là cơ chế đặc biệt khắc phục thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự đối với trường hợp qua giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cũng như giải quyết khiếu nại của Tòa án nhân dân tối cao mà có căn cứ khẳng định Quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Việc quy định cơ chế này cho phép Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao tự xem xét lại quyết định của mình, không trái với quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 nhằm khắc phục những sai lầm, vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Qua tổng kết thực tiễn thi hành các quy định hiện hành cũng chưa phát sinh bất cập. Do đó, đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành về thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đồng tình với nhiều nội dung trong dự án Luật TTDS (sửa đổi), tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng nhấn mạnh: Còn nhiều vấn đề bất cập trong việc xét xử các vụ án dân sự như: Xét xử lòng vòng, tồn án, án oan...Bởi vậy, cần tập trung rà soát, sửa đổi một số điều trong Bộ luật sao cho phù hợp với quy định của Hiến pháp và giải quyết những bất cập hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh, với gần 500 Điều được xây dựng trong Bộ luật và 9 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau nên Ban soạn thảo cần phải rà soát lại để có những phương án khả thi hơn./.

Nguồn: ĐCSVN/ Bích Liên