Vận động doanh nhân - một nội dung quan trọng trong công tác dân vận của Đảng
Cùng với quá trình đổi mới, thực hiện chính sách đa dạng hoá, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, Đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong những năm đổi mới vừa qua đã nhanh chóng phát triển, không ngừng lớn mạnh.
Tính đến ngày 1/1/2013, cả nước có khoảng 696.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập theo Luật doanh nghiệp, trong đó số hiện còn hoạt động trong nền kinh tế là 474.776 doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều khó khăn, song số lượng phát triển doanh nghiệp của nước ta vẫn có mức tăng cao (trên dưới 20%/ năm). Doanh nghiệp được chia theo các loại hình: Doanh nghiệp Nhà nước: khoảng 1%; Doanh nghiệp FDI: 2,8%; Doanh nghiệp ngoài Nhà nước: 96,3%, chiếm tỷ trọng lao động là 62% và tỷ trọng huy động vốn khoảng trên 50%.
>
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ đại diện các doanh nhân tiêu biểu
nhân dịp Tết cổ truyền 2014 (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
---
Doanh nghiệp của nước ta, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm khoảng 97,5%. Trong đó doanh nghiệp quá nhỏ (siêu nhỏ dưới 10 lao động chiếm 65,6%). Khối doanh nghiệp đã thu hút khoảng 11 triệu lao động. Khối kinh tế tập thể- Hợp tác xã có trên 13.600 đơn vị; có khoảng 4,6 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Với lực lượng khá đông đảo, phát triển nhanh, đội ngũ doanh nhân đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân đã tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các đối tượng chính sách, giúp đỡ đồng bào vùng sâu vùng xa (các huyện nghèo, xã nghèo). Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nhân đã ngày càng gắn bó hơn với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, tích cực hoàn thiện luật pháp, cơ chế chính sách, thể chế kinh tế thị trường, tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc khuyến khích, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Nhận thức về doanh nhân, doanh nghiệp của cấp ủy, chính quyền các cấp, của nhân dân cũng không ngừng nâng lên, ngày càng thấy rõ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đã đề ra nhiều cơ chế chính sách, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát xóa bỏ nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân đăng ký sản xuất kinh doanh; thường xuyên gặp mặt, đối thoại trực tiếp, lắng nghe ý kiến và tháo gỡ khó khăn, động viên, hỗ trợ đội ngũ doanh nhân phát triển.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội nghề nghiệp, cùng với hệ thống hơn 300 hiệp hội doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới nội dung phương thức hoạt động với nhiều hình thức tập hợp lắng nghe, phản ảnh ý kiến của doanh nhân để tham mưu cho Đảng Nhà nước, cấp ủy chính quyền các cấp xây dựng cơ chế, chính sách kinh tế xã hội; xây dựng phát triển doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, đã tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực trình độ quản lý, phát triển sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế của doanh nhân, doanh nghiệp.
Quá trình đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành đã có nhiều giải pháp tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực cả về luật pháp, cơ chế, chính sách và cải cách hành chính. Tuy nhiên, trước yêu cầu của việc hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển của nền kinh tế, yêu cầu phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp, việc thể chế hoá luật pháp, cơ chế chính sách đang còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Tình trạng thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu mất dân chủ, thiếu gương mẫu của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý có chức có quyền đã gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nhân, doanh nghiệp... Doanh nhân cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc về chính sách chưa nhất quán, thay đổi nhiều, chưa bình đẳng; thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, tiêu cực và mong muốn, kiến nghị với Đảng, Nhà nước có các chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm vượt qua khủng hoảng, suy thoái kinh tế hiện nay để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh; có các chính sách công bằng cho các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.
Mặt khác, cũng phải nhận thấy rằng: Đội ngũ doanh nhân của nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém; mới chỉ được phát triển mạnh trong những năm đổi mới vừa qua, chưa có nhiều kinh nghiệm trong thương trường, chưa được đào tạo cơ bản về quản lý sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cũng còn không ít hạn chế, bất cập về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một bộ phận doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm với xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm tăng thêm các tiêu cực xã hội. Trong bối cảnh suy thoái, khủng hoảng kinh tế thế giới tác động đến trong nước, trong 3 năm 2011-2013 có khoảng hơn 140.000 doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, phá sản, giải thể. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế đất nước và đời sống công nhân, người lao động.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ doanh nhân, ngày 9 tháng 12 năm 2011, Bộ Chính trị đã ra Nghị Quyết 09 “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.” Đây là văn kiện quan trọng đầu tiên của Đảng ta về doanh nhân, là bước phát triển cả lý luận và thực tiễn về quan điểm, đường lối, chủ trương giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới.
Từ khi Nghị Quyết 09 được ban hành, hầu hết các tỉnh thành ủy và tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương đã coi trọng việc lãnh đạo chỉ đạo học tập quán triệt, xây dựng chương trình hành động để triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết làm cho nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân, của toàn xã hội được nâng lên một bước. Chính phủ và các bộ ngành ở Trung ương, chính quyền các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách, tăng cường cải cách hành chính, tạo điều kiện, môi trường đẩy mạnh phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Trước mắt là giúp cho doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách của thời kỳ suy thoái, khủng hoảng kinh tế.
Từ khi có Nghị Quyết 09 của Bộ Chính trị, đội ngũ doanh nhân của nước ta rất phấn khởi bởi Nghị quyết đã đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của doanh nhân. Phần lớn đội ngũ doanh nhân đã nỗ lực, cố gắng, năng động sáng tạo, vươn lên vượt qua khó khăn thử thách và thành đạt trong sản xuất kinh doanh; trụ vững và tiếp tục phát triển.
Công tác dân vận, vận động doanh nhân bước đầu đã được cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng, thực hiện với nhiều hình thức như: Nhiều nơi đã chủ động tổ chức nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp; tăng cường gặp mặt, đối thoại, tôn vinh, động viên doanh nhân; tổ chức cho doanh nhân tham gia phản biện các dự thảo cơ chế chính sách có liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp; tích cực hỗ trợ cho các hiệp hội, tổ chức doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động, tăng cường tập hợp, quan tâm đại diện thiệt thực cho quyền lợi ích, tâm tư nguyện vọng của doanh nhân; tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực, tổng kết trao đổi kinh nghiệm quản lý phát triển sản xuất kinh doanh cho đội ngũ doanh nhân.
Tuy nhiên công tác dân vận, vận động doanh nhân cũng mới được đặt ra, còn nhiều hạn chế bất cập. Như: chưa thường xyên theo dõi, sơ tổng kết, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo chỉ đạo; nội dung phương thức công tác dân vận, vận động doanh nhân còn nhiều lúng túng chưa xác định cụ thể; thậm chí, còn không ít nơi chưa thống nhất, phân công cho cơ quan nào theo dõi, tham mưu.
Quán triệt tinh thần Nghị Quyết 25 ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị Quyết 09 ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” và thực sự tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác dân vận, vận động doanh nhân, ban Dân vận các cấp ủy cần chủ động theo dõi, nghiên cứu và tham mưu cho cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt một số việc sau:
Một là, Tăng cường rà soát bổ sung sửa đổi cơ chế chính sách nhằm không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng trong sản xuất kinh doanh cho các loại hình doanh nghiệp, các loại hình kinh tế.
Hai là, Đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, tăng cường giáo dục rèn luyện công chức, thực hiện dân chủ, tránh cửa quyền, gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nhân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa dịch vụ công, Chính phủ điện tử để tăng cường công khai, dân chủ và thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp giao dịch với các cơ quan công quyền của nhà nước.
Ba là, Chính quyền, các cơ quan của chính quyền các cấp chủ động đi sâu đi sát, nắm vững tình hình, tâm tư nguyện vọng và những khó khăn, chỉ đạo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền thống nhất, có các giải pháp giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp
Bốn là, Tăng cường tập trung đầu tư cho công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế và tăng cường tuyên truyền vận động xây dựng đạo đức văn hoá kinh doanh, nâng cao lòng yêu nước tự hào dân tộc, ý thức chấp hành luật pháp, làm giầu chính đáng, ý thức cộng đồng; tham gia tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Năm là, Quan tâm tổ chức các cuộc gặp mặt biểu dương, tôn vinh doanh nhân; lắng nghe ý kiến của doanh nhân, tổ chức cho doanh nhân tham gia ý kiến giám sát, phản biện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp đến doanh nhân, doanh nghiệp.
Sáu là, Ban dân vận các cấp uỷ, chủ động phối hợp với các ban xây dựng Đảng, các cơ quan chức năng, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp theo dõi, nắm tình hình doanh nhân, doanh nghiệp tham mưu giúp cấp uỷ lãnh đạo chỉ đạo công tác dân vận, vận động doanh nhân.
Công tác Dân vận, vận động doanh nhân là lĩnh vực khá mới, song có vị trí hết sức quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. Quán triệt những quan điểm, giải pháp về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận trong tình hình mới, các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường, coi trọng nghiên cứu đề ra các giải pháp, tập trung làm tốt công tác dân vận, vận động doanh nhân; góp phần tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nhân dân, thực hiện thành công sự nghiệp Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá nước nhà.../.
Nguyễn Duy Việt (Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương)
(Nguồn: ĐCSVN, 10/2/2014).
- Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam kí kết chương trình hợp tác
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kí kết Chương trình phối hợp với Hội NCT Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026
- Trung ương Hội NCT Việt Nam làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
- Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: Chúc mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6)
- Chủ tịch nước thăm, tặng quà người cao tuổi tỉnh Hải Dương
- Trung ương Hội NCT Việt Nam: Gặp mặt 81 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam, Ngày NCT Việt Nam (6/6/1941-6/6/2022)
- Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022
- Hội NCT Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 - 2026