Xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam chính là sự phá hoại nhân quyền

Ngày đăng: 31/07/2014

Nhiều năm trở lại đây và ngay đầu năm nay, một số tổ chức và cá nhân ở nước ngoài tiếp tục câu kết với một số phần tử xấu ở trong nước tự nhận là nhà "dân chủ", "nhân quyền" lợi dụng vấn đề "dân chủ, nhân quyền" để đưa ra nhận xét, đánh giá xuyên tạc, bôi nhọ tình hình dân chủ, nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam và được một số cơ quan truyền thông thiếu thiện chí "khuyến khích", một số tổ chức nhân danh "dân chủ, nhân quyền" hỗ trợ tài chính bằng nhiều thủ đoạn bẩn thỉu nhằm bóp méo sự thật, lừa dối dư luận.

Đáng tiếc, có những nhóm hay cá nhân vì định kiến, cực đoan đã đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, thậm chí có kẻ cam tâm phản bội Tổ quốc, không biết xấu hổ với lương tâm, với tiên tổ. Có những người bị mờ mắt khi được các thế lực xấu tâng bốc, hứa hẹn, lợi dụng để chống lại Nhà nước ViệtNam, v.v... trong đó có cả một số ít là trí thức hay ít ra có một trình độ nhất định; cũng có người bất chấp tất cả, sẵn sàng làm việc xấu để nổi tiếng là "nhà dân chủ", "nhà nhân quyền" và mong được các thế lực thù địch tung hô như là "anh hùng" trên "mặt trận đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ"!

Từng là những người có trình độ, tận tuỵ với công việc và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, vì không phân biệt rõ chính, tà và vì sự ích kỷ với những tham vọng hão huyền, họ đã từ bỏ những đam mê theo đuổi nhằm cống hiến nhiều cho quê hương, đất nước và nhân dân, rồi trở thành người có "thành tích bất hảo", tham gia cái gọi là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" để vu khống, bịa đặt, chống phá Nhà nước Việt Nam. Dư luận đã từng vạch rõ, phê phán các "tổ chức ma" do họ lập ra để lừa bịp và quyên góp tiền bạc của những người ViệtNamsinh sống ở nước ngoài thiếu thông tin về đất nước. Đó thực chất là những người có hành vi vi phạm pháp luật đã bị Tòa án nhân dân tuyên án, như: Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Ðan Quế,...

Vậy, các nhà "dân chủ", "nhân quyền" hãy xem việc vi phạm nhân quyền, chà đạp lên quyền con người,... ở những nước khác như thế nào? Ngay chính trong lòng nước Mỹ và ở một số nước châu Âu, tình trạng phân biệt chủng tộc, sử dụng bạo lực trong trường học, việc xả súng bừa bãi,... vẫn tồn tại trong thời gian dài. Theo số liệu của FBI, mỗi năm ở Mỹ có tới 30 nghìn người bị chết do các vụ bạo lực liên quan đến súng. Mới đây, Tổng thống Mỹ B.Obama bắt buộc phải đưa ra biện pháp cứng rắn để thu hồi vũ khí. Ngay mới đây, vụ nổ súng ở một quốc gia vốn được coi là bình yên đã làm 10 người bị thương vong,... Cuối năm 2011, dư luận thế giới đặc biệt quan tâm đến phong trào “Chiếm lấy phố Wall” lan khắp nước Mỹ với yêu cầu chính là nhà chức trách giải trình về sự bất công xã hội. Vào tuần lễ đầu tiên, cảnh sát đã bắt giữ 80 người; sang tuần thứ hai, 700 người bị bắt giữ vì bị cáo buộc gây mất trật tự công cộng… Tại sao các nhà "nhân quyền" không lên tiếng?

Vào ngày 31/01/2013 vừa qua, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York đã công bố bản báo cáo tình hình nhân quyền thế giới, trong đó phần báo cáo về Việt Nam dài 8 trang với nội dung không thể chấp nhận được: “Tình hình nhân quyền tại Việt Nam năm 2012 tồi tệ hơn trước”!?. Với cách nhìn méo mó, thiên kiến và sự nhặt nhạnh những thông tin rồi cắt xén, bịa đặt với giọng điệu: “Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, trấn áp những người lên tiếng chất vấn chính sách của Nhà nước. Chính quyền tùy tiện bắt bớ và bỏ tù những nhà hoạt động nhân quyền, vận động dân chủ hóa đất nước bất chấp luật lệ. Họ bị giam giữ cách ly, không cho gia đình tiếp xúc, thăm hỏi và cũng không cho luật sư tiếp cận. Các phiên tòa đều theo chỉ đạo chính trị và áp đặt những bản án thật nặng nề với các tội danh mơ hồ về xâm phạm an ninh quốc gia theo những điều khoản luật pháp bị thế giới lên án là mù mờ và không tương ứng với thông lệ quốc tế”! Quả thật, họ có óc tưởng tượng quá kỳ lạ đến mức không ai hiểu nổi!

Ngay lập tức, những người có lương tri, thiện chí đã có những ý kiến phản bác về thái độ sai trái trong báo cáo của HRW liên quan đến ViệtNam. Trang BBC tiếng Việt ngày 01/02 đưa tin một số nhà nghiên cứu về Việt Nam trong Nhóm nghiên cứu về Việt Nam đã tranh luận về báo cáo, trong đó dẫn lời ông Ben Kerkvliet, một học giả nổi tiếng từ Đại học Quốc gia Australia, khẳng định rằng những nhận định của HRW không đúng những gì ông đã chứng kiến ở Việt Nam: “Nhiều người chỉ trích không bị đàn áp, nhiều cuộc biểu tình diễn ra mà không bị công an can thiệp”; “Công nhân, nông dân thường xuyên biểu tình chống tham nhũng, điều kiện làm việc, thu hồi đất… mà không bị sách nhiễu, đánh đập, tạm giữ, bắt giữ hay vào tù”. Trong những nhiệm kỳ qua, vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Tại các kỳ họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn công khai, được truyền hình trực tiếp những vấn đề cử tri và các đại biểu quan tâm. Vậy sao gọi là trấn áp?

Nhà nước Việt Nam luôn luôn tôn trọng con người, trước khi trở thành thành viên của LHQ (ngày 20/9/1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước quốc tế. Năm 1982, Việt Nam đã gia nhập hai Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người: Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, và Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Nhằm bảo đảm quyền của người dân đồng thời phát triển xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng việc xây dựng các thể chế phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa dân tộc. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quan điểm chung của quốc tế. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tại Davos, Thuỵ sĩ vào tháng 01/2013, Thủ tướng Anh David Cameron khi đề cập tới vấn đề tính liên kết của Liên minh châu Âu, đã khẳng định: "Nếu bạn nghĩ rằng châu Âu cần phải trở thành một liên minh về chính trị có nghĩa rằng nó sẽ trở thành một quốc gia thì tôi không đồng ý. Tôi nghĩ mỗi nước có lịch sử, truyền thống, thể chế và muốn có sự tự chủ, cũng như quyết định riêng. Nỗ lực đưa các nước này vào một liên minh chính trị tập trung sẽ là một sai lầm lớn đối với châu Âu và Anh sẽ không trở thành một phần trong đó...".

Để bảo đảm hành lang pháp lý cho các hoạt động của cơ quan Nhà nước và công dân, nhiều Bộ luật, luật sửa đổi và luật mới được ban hành dựa trên các nguyên tắc: Tôn trọng con người, quyền con người. Mặc dù cố tình bóp méo trên hầu hết các nội dung về quyền con người ở Việt Nam nhưng họ cũng không thể thừa nhận một thực tế hiển nhiên những thành tựu quan trọng về nhân quyền ở Việt Nam mà dư luận quốc tế đều ca ngợi. Trong quá trình soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm. Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về quyền con người của ASEAN (AICHR) Om Yentieng đã nói: “Chúng tôi đã học được nhiều về nhân quyền ở Việt Nam, chẳng hạn như việc bảo đảm quyền của phụ nữ hoặc bảo đảm quyền con người trong trại giam…”.

Về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, các thế lực xấu vẫn luôn bóp méo thực tế, bịa đặt rằng: “Chính quyền Việt Nam hạn chế tự do tôn giáo bằng các quy định pháp luật, quy định đăng ký hoạt động, đồng thời sách nhiễu và đe dọa các nhóm tôn giáo không được Nhà nước công nhận…”. Trắng trợn hơn nữa, ngày 07/02/2013, hai nghị sĩ Quốc hội Mỹ là ông Chris Smith và bà Zoe Lofgren còn gửi thư cho Ủy ban Nobel Hòa bình đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ và Linh mục Nguyễn Văn Lý nhận giải thưởng Nobel Hòa bình trong năm 2013. Trong đó nói bừa rằng: hai nhà "lãnh đạo tôn giáo", "nhà hoạt động dân chủ" và cũng là "tù nhân lương tâm" nổi tiếng của Việt Nam tuy phải chịu sự đàn áp thường xuyên từ nhà cầm quyền, nhưng vẫn kiên định tiếp tục đấu tranh nhân quyền cho người dân Việt Nam. Linh mục Lý không ngừng đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhiều lần bị nhà nước bỏ tù trong những điều kiện "giam giữ nghiệt ngã". Năm 2006, ông thành lập nhóm đấu tranh dân chủ tại Việt Nam lấy tên là Khối 8406 nhằm kết nối các nhà hoạt động trong và ngoài nước nhằm đấu tranh đòi dân chủ, đa đảng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, và tự do lập hội cho người dân tại Việt Nam. Linh mục Lý là người đồng sáng lập Đảng Thăng tiến Việt Nam. Thích Quảng Độ năm nay 84 tuổi, là một học giả tôn giáo được kính trọng, lãnh đạo "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất", đã trải qua nhiều năm bị giam cầm vì hoạt động dân chủ ôn hòa, kêu gọi nhân quyền và đa đảng tại Việt Nam...

Thật là nực cười! Là một linh mục, tại sao ông Lý không chăm lo làm mục vụ theo chức trách của mình để chăn dắt đàn chiên mà lại hung hăng lập ra đảng này, phái nọ. Còn ông Thích Quảng Độ, tại sao không làm theo lời dạy của Đức Phật dùng tài năng, đạo hạnh của mình phục vụ chúng sinh để cúng dường chư Phật; sao không theo tinh thần "vô ngã, phá chấp" mà lao vào những việc sai trái làm tổn hại đến thanh danh của đạo Phật? Không có gì khác, hai ông chính là những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Thực tế, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam từ lâu đã rất rõ ràng, minh bạch và được khẳng định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Do đó, đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân trong nước và dư luận quốc tế. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa I-ta-li-a mới đây, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican trong bầu không khí thẳng thắn, cởi mở, hiểu biết lẫn nhau… Mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican ngày càng phát triển là một minh chứng. Tại buổi làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ vào ngày 26/02/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, không tôn giáo. Chúng ta coi đó là một thực tế khách quan, một nhu cầu khách quan về tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Đảng, Nhà nước đã đề ra các chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và những chủ trương, chính sách đúng đắn này đã đem lại những kết quả tốt đẹp, hoạt động tôn giáo ngày càng phát triển tích cực, ổn định; đồng bào theo tôn giáo ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bản thân từng tôn giáo cũng hoạt động thuận lợi hơn;… Thủ tướng cũng yêu cầu cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời với việc thực hiện nghiêm pháp luật trong thực tế... để tạo điều kiện cho tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật.

 Vậy là quá rõ và không ai có thể phủ nhận được những thành tựu về lĩnh vực tôn giáo. Vào đầu những năm 1990, ở Việt Nam có 16 tổ chức tôn giáo thuộc 6 tôn giáo, đến nay ở Việt Nam có 37 tổ chức tôn giáo của 13 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với gần 25 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, 25.000 cơ sở thờ tự và hàng vạn cơ sở tín ngưỡng ở khắp mọi nơi. Trên phạm vi cả nước hiện có khoảng 90% dân số có đời sống tín ngưỡng; có 7.966 lễ hội, trong đó có 544 lễ hội tôn giáo và hàng ngàn lễ hội tín ngưỡng khác. Hàng năm, các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức long trọng ở nhiều nơi với những quy mô, hình thức khác nhau như: lễ Phật Đản, lễ Vu lan báo hiếu,… của Phật giáo; lễ Phục sinh, lễ Noel của Công giáo và Tin lành; các lễ Hạ nguyên, Trung nguyên, Thượng nguyên và lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao đài; lễ khai đạo của Phật giáo Hòa Hảo,…

Tất cả người dân theo tín ngưỡng, tôn giáo đều được tự do sinh hoạt, thờ cúng, thực hành các nghi lễ tôn giáo theo Điều lệ, Hiến chương của tổ chức mình đã được Nhà nước phê duyệt. Trong những năm qua, dư luận trong nước và quốc tế đánh giá rất cao những hoạt động tôn giáo ở Việt Nam và ngay trong năm 2012 các tổ chức tôn giáo cũng có nhiều hoạt động lớn... Ở Việt Nam không có ai bị bắt, giam giữ một cách tùy tiện vì lý do tôn giáo. Tự do tôn giáo khác hoàn toàn với lợi dụng tôn giáo để có hoạt động vi phạm pháp luật. Khi phạm tội thì dù công dân đó theo hay không theo tôn giáo cũng đều chịu sự trừng phạt của pháp luật một cách bình đẳng. 

Những thực tế hiển nhiên đó bác bỏ mạnh mẽ những luận điệu xằng bậy về nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam và coi đó là một sự xúc phạm nhân dân Việt Nam. Đó là cách đánh giá lỗi thời, sai lệch và cần phải bị lên án./.
 

Đặng Tài Tính, TW Hội NCT Việt Nam
(Bài đã đăng trên Tạp chí Công an nhân dân)