9 năm làm một Điện Biên
Tranh: Đào Hải Phong
Giáp Ngọ 1954, ta thắng lớn ở Điện Biên Phủ. Giáp Ngọ năm nay, ta kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng vĩ đại. Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử nước ta như một huyền thoại. Sức mạnh nào đã đưa dân tộc ta đến thắng lợi ấy?
Như chúng ta từng biết, đó là sức mạnh tổng hợp của cả chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.
Trong bài viết này, xin thử nói đôi điều về chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn văn hóa.
Nhiều người cho rằng: chí căm thù giặc là một sức mạnh to lớn. Chẳng thế mà câu hò kéo pháo lên Điện Biên năm xưa, nay vẫn còn khắc ghi lòng người: “Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”. Căm thù lũ giặc đã đặt ách thống trị trên đất nước ta hơn 80 năm. Căm thù chúng muốn xâm chiếm nước ta một lần nữa bằng việc gây ra cuộc chiến tranh 1945-1954.
Nói thế chẳng những đúng mà còn rất đúng. Bởi không có chí căm thù làm sao có động lực chiến đấu? Nhưng nếu đi sâu vào lòng người, tình người và cội nguồn văn hóa, ta sẽ thấy cái lớn lao hơn, thiêng liêng hơn lại là tình yêu - yêu đất nước, yêu quê hương, yêu đồng bào, yêu những thân phận bị đọa đầy đau khổ. Chính vì yêu nước thương dân mà lớp lớp người đã đi vào con đường cách mạng và kháng chiến. Đánh giặc để giữ nước nhưng giặc tan rồi thì không giữ mãi mối căm thù với kẻ bại trận. Bộ đội ta vâng lệnh Bác Hồ tiến lên Điện Biên là để đánh thắng kẻ thù ở đó, nói là “tiêu diệt toàn bộ quân địch” không có nghĩa là giết hết mọi người rơi vào tay ta. Hàng nghìn tù binh đã được đối xử nhân đạo, khoan dung. Những tướng tá đầu hàng không ai bị làm nhục.
Tướng Đờ Cát-xtơ-ri (được phong tướng một ngày trước khi thua trận), sáng mồng 7-5, đã cấp báo về Bộ chỉ huy quân Pháp ở Hà Nội rằng lực lượng của ông ở Điện Biên Phủ đã không còn khả năng chống cự, chỉ còn cách hạ vũ khí. Tướng Na-va trả lời qua máy vô tuyến điện thanh: “Đừng giơ cờ trắng, chỉ ngừng chiến đấu thôi”.
Đại tá Lăng-gle kể lại: Hà Nội đã thỏa thuận cho đầu hàng nhưng “không phất cờ trắng”. Lúc đó là 1 giờ chiều ngày mồng 7. Các sĩ quan đứng vây quanh sở chỉ huy chờ đợi... Đúng 5 giờ, cửa hầm sở chỉ huy bật nắp. Lúc đó chúng tôi đều nghĩ đến trái lựu đạn. Lạy Chúa! Rất có thể một trái lựu đạn liệng xuống chỗ bậc hầm và sẽ nổ tung hết. Nhưng trường hợp này đã không xảy ra. Các binh sĩ chiến thắng Việt Nam đội mũ nan, lưỡi lê đầu súng bước vào chỉ nói: “Đứng dậy”.
Thế đấy, cuộc đầu hàng của Bộ chỉ huy tướng Đờ Cát-xtơ-ri là như vậy!
Mười lăm năm sau Điện Biên Phủ, tháng 6 năm 1969, tại Pa-ri, với tư cách thành viên Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam, tôi có dịp gặp tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Ông được Đại diện Phòng thông tin của Mặt trận mời dự buổi tiếp khách giới thiệu việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Ông đến với vẻ mặt hiền từ, thân thiện, lịch sự chúc mừng sự ra đời của một chính phủ đại diện chân chính cho nhân dân miền nam. Chắc ông cũng hiểu những chiến sĩ giải phóng miền nam là những người kế thừa truyền thống Điện Biên.
Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến Việt Nam có sức cảm hóa lớn. Nhiều người Phi trong đội quân viễn chinh Pháp, vốn là dân các nước thuộc địa của Pháp, sau khi về quê hương, học tinh thần Việt Nam đã trở thành những chiến sĩ đấu tranh cho nền độc lập của nước họ. Có những người trở thành nhà lãnh đạo hay nguyên thủ quốc gia.
Trong những năm tháng tham dự Hội nghị Pa-ri, tôi ngày càng hiểu rõ hơn những tình cảm của nhân dân và Chính phủ Pháp đối với Việt Nam.
Thời chiến tranh Đông Dương, các chính phủ Pháp coi Việt Nam là kẻ thù. Thất bại Điện Biên Phủ làm tổn thương danh dự của nước Pháp. Cái giờ phút Chính phủ Pháp chính thức thông báo về thất bại này thật là ảm đạm. Báo Rạng Đông (L’Aurore) ngày 8-5-1954 viết:
“Mặc quần áo đen, nét mặt co rúm vì xúc động, ông Thủ tướng La-ni-en nặng nề bước lên các bậc diễn đàn điện Buốc-bông (Bourbon)... Ông bắt đầu bằng một giọng đứt quãng: “Chính phủ vừa được tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ chiến đấu gay go liên tục”. La-ni-en nói chậm rãi trong không khí của hội trường rộng rãi âm vang, người ta nghe tiếng nói của ông như tiếng khóc nức nở của một thiếu phụ ở chốn xa xăm nào đó”.
Báo Nước Pháp, người quan sát (France Observateur) ngày 13-5-1954 đã gay gắt chỉ trích các bản thông cáo của chính quyền, trong đó sự thất thủ vừa được coi là thất bại, vừa được coi là thắng lợi, vừa được coi là quốc tang, vừa được coi là thành công có ý nghĩa toàn thế giới...
Nhưng sau này, từ thất bại trong chiến tranh Đông Dương, tháng 9 năm 1966, giữa lúc Mỹ ào ạt leo thang chiến tranh ở Việt Nam, Tổng thống Pháp Đờ Gôn, trong một bài diễn văn nồng nhiệt trước công chúng ở Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), đã mạnh mẽ nói rằng ông không tin ở một chiến thắng quân sự của Mỹ, và “thái độ của nước Pháp là đứng về phía lên án những hành động đó”.
Năm 1968, Chính phủ Pháp hoan nghênh và tiếp nhận việc lấy Pa-ri làm nơi đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hội nghị Pa-ri kéo dài 5 năm liền, kể từ lúc bắt đầu (tháng 5-1968) cho đến khi ký được Hiệp định (tháng 1-1973).
Sau khi Việt Nam thống nhất, năm 1993, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Mít-tơ-răng có chuyến thăm đặc biệt Việt Nam, đến tận Điện Biên Phủ, không phải để chiêm ngưỡng chiến trường xưa mà là để bày tỏ sự hòa hiếu giữa hai nước Pháp và Việt Nam trong thời kỳ mới.
Còn nhớ: Những ngày đàm phán cuối cùng ở Pa-ri, tháng 12 năm 1972, chính tại thủ đô nước Pháp, chúng tôi đã chứng kiến một điều kỳ lạ. Chiến thắng của ta đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác ở miền bắc được vinh danh là trận Điện Biên Phủ trên không. Hà Nội trở thành thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Vinh dự đó chẳng những làm nức lòng Việt Nam mà còn được sự tán thưởng của dư luận Pháp và cộng đồng thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ trên không là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đức hy sinh cao cả của toàn dân tộc đoàn kết một lòng, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đó là bài ca hùng tráng về tầm cao văn hóa Việt Nam.
Chào mừng thắng lợi Điện Biên Phủ, Tố Hữu viết hai câu thơ sáng mãi với thời gian:
Chín năm làm một Điên Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiênsử vàng.
Về cõi vĩnh hằng cuối năm Qúy Tỵ vừa qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng chỉ huy huyền thoại của Điện Biên Phủ năm xưa chắc đã mang theo mình câu đối tặng đậm chất nhân văn:
Văn lo vận nước Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn.
Xuân Giáp Ngọ 2014
Ðiện Biên Phủ và cuộc kháng chiến Việt Nam có sức cảm hóa lớn. Nhiều người Phi trong đội quân viễn chinh Pháp, vốn là dân các nước thuộc địa của Pháp, sau khi về quê hương, học tinh thần Việt Nam đã trở thành những chiến sĩ đấu tranh cho nền độc lập của nước họ.
Hà Đăng, Nhân Dân ĐT, 27/1/2014.
- Sắc màu Đắk Lắk
- Nghệ sĩ Tạ Trí Hải: Vị “lữ khách” mê mải của âm nhạc đường phố
-
Về thăm
Trung ương Hội Người cao tuổi
- Thơ Nguyễn Xuân Trường
- Hội NCT phường Xuân An và phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tổ chức giao lưu văn hóa-thể dục dưỡng sinh
- Việt Nam - Hàn Quốc biểu diễn tác phẩm múa về Mỵ Châu và nỏ thần
- Hội thảo 'Tô Hoài – Một đời văn'
- Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
- 'Hai lúa' chế xuồng chạy pin mặt trời
- Mẹo dùng chanh đuổi gián, sạch bình trà, tẩy vết mực