Biên cương, người lính - nguồn cảm hứng bất tận

Ngày đăng: 20/02/2015

Đối với nhiều văn nghệ sĩ, non nước biên phòng cùng những sắc màu văn hóa của các dân tộc nơi đây luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Có những người chỉ đến thăm đồn Biên phòng, đến thăm bản làng biên giới một lần nhưng kỷ niệm đó đã theo suốt cuộc đời của họ; có những người rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường biên cương để cảm nhận về cuộc sống của người chiến sĩ Biên phòng và nhân dân, từ đó đã sáng tạo nên những tác phẩm giá trị về đề tài biên giới và người lính quân hàm xanh, được đông đảo công chúng đón nhận. Nhân dịp Tết Ất Mùi 2015, báo Biên phòng xin lược ghi một số cảm nhận của các văn nghệ sĩ về biên cương Tổ quốc...

Nhân ngày đầu Xuân mới, Ất Mùi năm 2015, năm mới, Trang Thông tin tổng hợp Hội NCT Việt Nam xin trân trọng đăng lại bài báo này:

Nhà văn Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập báo Năng Lượng Mới…

... Trong những năm tháng chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi đã từng đến Đồn A Pa Chải, Leng Su Sìn, Tá Miếu... để được gặp, được nghe những câu chuyện cảm động về những tấm gương người chiến sĩ Biên phòng trong lòng đồng bào các dân tộc nơi đây. 

Ngày ấy, chúng tôi muốn lên Leng Su Sìn thì phải đi bộ từ huyện lỵ Mường Tè gần 7 ngày mới đến và đi thêm 2 ngày nữa mới lên được A Pa Chải. Thời điểm đó, BĐBP vô cùng cực khổ và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Thời kỳ đó, mỗi người lính Biên phòng là một người con của dân bản, được nhân dân thương yêu, đùm bọc. Ngày đó, BĐBP ngã ba biên giới phải tiếp tế bằng trực thăng, không có đường vận chuyển hàng cho nên, thiếu thốn cái gì đều dựa vào dân. Bộ đội còn giúp dân trồng lúa, giúp dân xây dựng làng bản, mỗi một làng bản là một cụm dân cư chiến đấu.

Tôi đã gặp rất nhiều tấm gương anh dũng trong chiến đấu, tận tụy với nhân dân trên các đồn, chốt Biên phòng như đồng chí Khoàng Chu Cà ở Đồn Bắc Ma, y sĩ Quang ở Đồn Leng Su Sìn, đồng chí Thước cùng thời anh Trần Văn Thọ, đồng chí Nguyễn Tiến Thắng ở Đồn Mường Nhé, đồng chí Pờ Sì Tài - Ban Công an xã Sín Thầu. Nhưng tôi nhớ nhất là Đại úy, Đồn trưởng Tô Minh Tiến. Ngày đó, kẻ địch gọi anh là "con cọp già vùng ngã ba" và suốt ngày bắc loa tuyên truyền nói xấu anh. Khi kẻ địch đã phải gọi anh như vậy có nghĩa là uy tín của anh rất lớn.

Lịch sử BĐBP rất vẻ vang, nhưng những tác phẩm về BĐBP còn ít, nhất là ngày nay không có nhiều, không phải vì các nhà văn bất tài mà là chưa có điều kiện thâm nhập sâu cuộc sống người lính. Muốn viết, phải ở với họ, phải gắn bó với anh em. Với vốn sống của mình, tôi hi vọng rằng, tôi có thể viết được một kịch bản phim dầy dặn về Công an nhân dân vũ trang và BĐBP ngày nay.

 


Hình ảnh BĐBP là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật.  Ảnh: Thi Hoàng.


Nhà thơ Bùi Kim Anh:


Có một ao ước đã bắt đầu từ đây, từ ngày Tết bím tóc ngang vai, từ lần rong ruổi theo anh chị phụ trách đi trên đường xứ Lạng. Năm ấy, tôi là một cô bé quàng khăn đỏ mới học lớp 5 được đi trại hè ở Lạng Sơn. Nhớ lắm, cả lũ xếp hàng theo các anh chị phụ trách. Chúng tôi được đi bộ lên đồn Biên phòng - đi bộ dọc theo đường tàu hỏa. Chuyến đi duy nhất trong cuộc đời ghi mãi ấn tượng tuổi thơ.

Bên kia là ải Nam Quan. Chúng tôi sờ vào cột mốc. Chúng tôi tranh nhau đứng thò một chân sang bên kia của đường chỉ đỏ ngăn bờ cõi hai nước. Cảm giác thích thú như đã sang bên kia biên giới. Tiếc thay, cái ngày xa xưa ấy chẳng có máy ảnh để ghi lại hình ảnh thơ ngây của mình. Ao ước bé tẹo của tuổi thơ bắt đầu từ đây lớn lên - được đến những miền biên cương Tổ quốc, đến những cửa khẩu tiếp giáp nước láng giềng.


Tôi đã đến được những đâu nhỉ? Lạng Sơn - Đồng Đăng đi nhiều không nhớ nữa. Nhiều vì tiện đường, nhiều vì có chợ nhiều hàng. Nhưng đến đồn Biên phòng chỉ một - một lần thủa bé thơ. Lào Cai, Móng Cái (Quảng Ninh) - một giấy thông hành là qua biên giới. Những lần như vậy chỉ là đi chơi, đi chợ vùng biên giới để chơi, để sắm sửa. Cảm giác biên giới, biên cương chỉ là thoáng qua.


Cảm xúc nơi nghĩa trang Vị Xuyên  - Hà Giang trước những dãy bia mộ vô danh của hàng nghìn người lính ngã xuống trong chiến tranh biên giới năm 1979 đè nặng. Niềm vui quên hết mệt nhọc đường dài khi lên đến cột cờ Lũng Cú, khi giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang. Chúng tôi đọc thơ, chúng tôi hát rồi chia tay lưu luyến. Đồn Biên phòng ở tít trên cao, chỉ có thể chuyển quà, chuyển lên lời thăm hỏi. Ao ước cũng phải dừng lại nơi đây thôi.


Bạn lại hẹn sẽ đi đến nhiều nơi biên cương Tổ quốc. Biên giới, hải đảo có nơi nào gần đâu, có dễ dàng đến đâu để ước ao lại thêm lần đi tới.


Nhạc sĩ Văn Dung:


Về người chiến sĩ Biên phòng và mùa xuân, từ lâu, tôi đã có ý định viết một ca khúc về đề tài này. Nhưng khi đặt bút viết lại chỉ được một câu nhạc rồi đành gác bút, vì không thể viết tiếp được nữa. Nhưng sau một chuyến đi thực tế năm 1976, tình cờ đọc được bài thơ "Mùa xuân cho em" của nhà thơ Dương Kiềm, như một sự đồng cảm, tôi đã viết nhạc cho bài thơ một cách dễ dàng: "Xuân đi giữa biên cương/ Mây mù giăng qua suối/ Rừng trắng phấn măng gửi tặng em năm mới/ Anh như gió xuân không mỏi, mang đầy hương núi hương hoa...". Ca khúc này cho đến nay vẫn được các đoàn nghệ thuật BĐBP, Quân khu 2 và các chiến sĩ hát như chính bài hát của họ.


Qua mỗi lần đi thực tế, điều chúng tôi cảm nhận và đưa vào sáng tác của mình chính là thế đứng kiêu hãnh của người lính Biên phòng trước núi non trùng điệp, biển cả bao la và tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ. Đặc biệt là những tâm tư, tình cảm ấy luôn luôn hướng về quê hương, đất nước. Chính vì nghĩ đến quê hương nên với họ gian khổ có hề chi.


Tôi đã viết những câu trong ca khúc "Em và sắc trời biên giới' như thế này: "Chiến sĩ ghìm cương ngựa, vuốt đầm mồ hôi/ Cất cao đầu ngựa hí giữa núi non lưng trời/ Nghe tiếng ngựa về qua, bản làng lòng hân hoan/ Vui đón mùa xuân sang đồi nương tràn nắng ấm/ Tiếng ai hát ru từ những bản làng...". Nghe thế tưởng rằng, đây là một đội quân hoành tráng, nhưng thực ra đâu có phải vậy, gian khổ lắm, vất vả lắm. Người chiến sĩ tôi gặp trong chuyến đi ấy vừa trở về sau một chặng đường dài tuần tra vất vả trên lưng ngựa. Tôi vẫn quan niệm rằng, nghệ thuật khi chúng ta chạm tay được tới thật vô cùng khó khăn và cũng vô cùng hạnh phúc.


Nhà viết kịch Ngọc Thụ:


Trong định hướng sáng tác hằng năm của đội ngũ tác giả sân khấu, mảng đề tài Biên phòng và BĐBP luôn là trọng tâm và ưu tiên hàng đầu trong sáng tác. Mỗi năm, giới cầm bút sân khấu đều tổ chức những chuyến đi thực tế ở vùng biên giáp với nước bạn láng giềng để đến với những đơn vị trấn ải biên cương, để gặp gỡ những đơn vị điển hình, cá nhân tiêu biểu, những gương hy sinh dũng cảm, tận tâm, công tác quên mình cứu dân, đánh án, tiễu trừ kẻ gian...


Anh chị em tác giả sân khấu đã đến những nơi địa đầu đất nước như Móng Cái, huyện biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Tây Nguyên có cửa khẩu  Bờ Y - địa danh ngã ba Đông Dương. Chúng tôi cũng đã đến Ia Pnôn, một xã biên giới của Gia Lai rộng bằng diện tích tỉnh Thái Bình, được tận mắt chứng kiến cuộc sống người lính biên ải, không chỉ góp phần bảo vệ biên cương Tổ quốc, mà còn góp phần giữ gìn tình hữu nghị với bạn được dân nước bạn yêu thương, tôn trọng. Người dân các nơi đó rất hữu nghị và yêu mến BĐBP.


Trong chuyến đi thực tế của các tác giả sân khấu, dù chỉ 15 ngày hoặc một tháng đến với công trình đường tuần tra biên giới, chúng tôi đã được mắt thấy tai nghe, sờ tận tay những kết quả của công trình thế kỷ đó, được gặp gỡ những chiến sĩ, được ghi chép số liệu thực tế sinh động và các gương sáng của tập thể và cá nhân, những trang viết về người lính Biên phòng. Sau những chuyến đi đó, kịch bản "Cánh sóng" của tác giả Giang Phong được sân khấu Đài Tiếng nói Việt Nam phát. Cá nhân tôi có "Đất rừng cưu mang" được Truyền hình Quân đội sử dụng và kịch bản "Những cánh chim trong bão" cũng được Nhà hát Chèo Quân đội đầu tư, sẽ đưa vào dàn dựng và biểu diễn sắp tới.


Các tác giả sân khấu chúng tôi hy vọng, sẽ có thêm nhiều tác phẩm xứng đáng với công lao to lớn đó của BĐBP, dù đang trong thời bình, nhưng trận địa vẫn nóng bỏng như trong thời chiến.

Phạm Vân Anh (Thực hiện)