Gặp nhân vật trong bài hát "Tình ca Tây Bắc"

Ngày đăng: 24/10/2014

“… Em là dòng sông Mã/ Anh là núi Mường Hung…”. Những ca từ đẹp cùng giai điệu vui tươi, thiết tha của bài hát “Tình ca Tây Bắc” mỗi khi cất lên luôn khiến lòng người rạo rực, say mê. Nhiều thế hệ người Việt Nam từng hát, từng nghe bài hát này nhưng ít ai biết được rằng, nhân vật trữ tình trong bài hát đó được lấy từ nguyên mẫu tình yêu của anh bộ đội người Kinh với sơn nữ vùng Tây Bắc thời kỳ kháng chiến chống Pháp.



Liệt sĩ Phạm Quang Bích

Một mối tình Cách mạng

Năm 1947, trong đoàn quân Tây tiến có chàng thanh niên người Hà Nội tuổi chưa đầy 20 Phạm Quang Bích. Anh tạm biệt mẹ già, gia đình, quê hương yêu dấu để đến với mảnh Tây Bắc cùng đồng bào đánh Tây. Phạm Quang Bích hoạt động bí mật với bí danh Bích Vân. Anh nói sõi tiếng Thái, Mông, Lào, Dao và được bà con khắp vùng Tây Bắc yêu quý, nuôi giấu và che chở, xem anh như người con của rừng, của núi. Một gia đình người Thái là cơ sở cách mạng ở Mường Hung đã nhận Bích Vân là con rể để che mắt giặc. Họ có một người con gái rất xinh đẹp lại chịu thương chịu khó tên là Cà Thị Tống. 14 tuổi, cô theo ông Thanh Mai và Bích Vân hoạt động. Tình yêu của họ nảy nở trong những ngày chiến tranh ác liệt đó. Nó đẹp như hoa rừng, trong trẻo như nước nguồn sông Mã và chân thật như núi Mường Hung. Sau giải phóng Điện Biên, họ cưới nhau và sinh hai người con, một gái một trai. Đó là chị Phạm Thị Liêm và anh Phạm Văn Chung. Đất nước hòa bình, Thượng úy Phạm Quang Bích ở lại xây dựng miền núi.

Nhưng nhiệm vụ cách mạng còn rất nhiều nên anh Bích vắng nhà suốt. Mỗi năm họ chỉ được gặp nhau một lần. Bà kể: “Nhớ chồng cồn cào nhưng biết anh Bích bận công tác nên đành cố chịu đựng và nuôi con để chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Để nuôi con, bà phải vào rừng đào củ mài nấu cháo. Những lúc đó, bà nhờ mẹ trông hộ Liêm và Chung. Phải đi đào củ mới có ăn. Khi nào nhớ anh Bích bà chỉ biết khóc. Nước mắt vì nhớ anh nhiều như nước sông Mã”.

Với anh Bích, dù bận công tác nhưng lúc nào rỗi là anh lại nhớ về người vợ trẻ. Trong những trang thư và nhật ký của anh để lại đầy chặt nỗi nhớ nhung da diết. Đọc những trang viết đó như thấy họ chưa hề xa nhau bởi lúc nào lòng họ cũng hướng về nhau. Anh lo lắng, thắc thỏm dõi theo từng bước đi của vợ nơi xa. “Em Tống”- đó là những lời âu yếm anh dành cho vợ. Xúc động nhất là thời gian hoạt động bên nước bạn Lào. Xa vợ, xa con, xa quê nỗi nhớ thương càng bị dồn nén da diết hơn. Người chiến sĩ ấy đã viết: Nhớ những lúc phóng ngựa như bay dọc triền sông cát trắng, nhớ người vợ hiền bên dòng suối Cát rì rào cùng hai đứa con bụ bẫm, xinh xắn đang ngày đêm trông ngóng. Rồi anh nhớ tất cả những gì gần gũi thân thương gắn với quê nhà và người vợ trẻ như: Hàng phi lao, vại nước, cây muỗm soi bóng bên sông Mã. Nhớ những lúc vợ chồng rủ rỉ chuyện trò với hai đứa con thơ. Chuyện hai vợ chồng bàn nhau sau này nuôi con ăn học thành người.

Dù nhớ thương nhau đến quặn lòng, cuồn cuộn như sông Mã chảy ngày đêm nhưng họ đã nén lại cho một tình yêu lớn cao cả hơn là tình yêu đất nước. Một lần, trong lúc đang làm nhiệm vụ, Thượng úy Phạm Quang Bích gặp thổ phỉ. Anh đã chiến đấu anh dũng và hy sinh...

Cô Tống ngày nay và kết quả của “Tình ca Tây Bắc”



Bà Cà Thị Tống (đứng hàng đầu, thứ 2 từ trái sang)
cùng người chồng thứ ba và các con.
Người đứng thứ 3 là chị Phạm Thị Liêm,
con gái đầu lòng với liệt sĩ Phạm Quang Bích.



Anh Phạm Văn Chung cùng vợ, con và cháu nội.

Tôi được gặp con trai của họ là Phạm Văn Chung và gia đình ngay tại thành phố Sơn La. Những kỷ vật mà bố để lại được anh gìn giữ như báu vật. Trong đó, cuốn nhật ký và bức thư cuối cùng của bố thì anh luôn mang theo bên mình suốt mấy chục năm qua. Nó như nguồn sức mạnh giúp anh cùng các con vượt qua tất cả mọi khó khăn của cuộc sống. Ngay hôm đó, chúng tôi cùng anh về huyện Sốp Cộp và anh đã cho xem những kỷ vật thiêng liêng của liệt sĩ Phạm Quang Bích. Từ đây, chúng tôi tìm về bản Cát, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, một địa danh lẫy lừng thời kháng chiến chống Pháp. Nơi này, bà Cà Thị Tống đang sống cùng các con.

Cô Tống ngày xưa nay đã thành người phụ nữ tuổi ngoài 70. Nhưng những đường nét của một thời xuân sắc vẫn còn đọng lại trên gương mặt phúc hậu. Khi nghe chúng tôi nhắc đến ông Bích, bà không giấu nổi xúc động. Những dòng ký ức lần lượt hiện về. Câu chuyện tình của bà và ông Bích được bà kể lại bằng cả tiếng Thái và tiếng Kinh. Dù đã mấy chục năm trôi qua với biết bao nhiêu thay đổi của đất nước cũng như con người nhưng tình yêu bà dành cho ông Bích vẫn sắt son như ngày nào.

Ngày cô Tống nhận được giấy báo tử của chồng, núi rừng như sập đổ. Ngoài hai mươi tuổi, ôm hai đứa con thơ, cô chỉ muốn ở vậy nuôi con. Nhưng những ngày sơ tán trong rừng, không có bàn tay đàn ông dựng nhà, làm lán nên cuộc sống mẹ con vô cùng khổ cực. Mấy năm sau cô Tống tái giá. Người chồng kế này là đồng đội của anh Bích. Họ sinh được một con rồi ông sang chiến đấu bên Lào và cũng hy sinh. Cô Tống tái giá lần nữa với một ông giáo. Cô sinh cho ông giáo 5 người con. Nhờ nhà giáo này mà các con của bà đều được đi học.

Một lần về Hà Nội công tác, anh Phạm Văn Chung đã dẫn tôi về quê cha. Làng xưa với mái nhà tranh như miêu tả trong nhật ký của liệt sĩ Phạm Quang Bích đã không còn. Thay vào đó là những ngôi nhà tầng khang trang, hiện đại. Đường làng ngõ xóm được trải nhựa và lát bê tông sạch sẽ. Hình như đã được báo trước nên rất nhiều người trong gia đình đã tụ tập đông đủ để chờ đón chúng tôi. Những người anh em bên nội luôn dành cho anh Chung tình cảm sâu nặng. Với anh, dù không sinh ra, lớn lên ở đây nhưng đã lưu giữ cho anh nhiều ký ức đẹp về quê cha đất tổ. Quê hương của liệt sĩ Phạm Quang Bích chính là làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội). Liệt sĩ được sinh ra trong một gia đình cách mạng. Hiện nay, em trai, em gái của liệt sĩ cùng con cháu vẫn sống ở đây.

Ông Phạm Trường Nguyên, em trai liệt sĩ Phạm Quang Bích năm nay đã 80 tuổi. Dù vậy, ông vẫn rất minh mẫn. Khi kể về những kỷ niệm với người anh liệt sĩ ông vẫn rưng rưng như thể câu chuyện vừa mới xảy ra. Trước khi về hưu, ông từng là huyện ủy viên, Chánh văn phòng huyện ủy Từ Liêm (Hà Nội). Bà Phạm Thị Đức, em gái liệt sĩ hiện nay cũng đã ngoài 80. Bà từng là sĩ quan quân đội sau đó chuyển ngành. Trước khi về hưu bà từng giữ các chức vụ Phó giám đốc Sở Công nghiệp nhẹ Hà Nội; Giám đốc Xí nghiệp bánh kẹo Hà Nội.

Bài và ảnh: KIM THANH (qdnd.vn)