“Gừng càng già càng cay…”
|
Cùng hát vang bài ca truyền thống Trung đoàn 922 trong ngày hội ngộ. |
Nghệ thuật không có tuổi…
|
Hiếm có đơn vị nghệ thuật nào mà ngay từ khi mới thành lập đã quy tụ được nhiều “ngôi sao” như thế: Đoàn trưởng Đỗ Khắc Thiện thuộc thế hệ những nghệ sĩ đầu tiên của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, từng tham gia gây dựng Đoàn ca múa Hải Phòng, rồi Đoàn văn công Đường sắt… Nữ nghệ sĩ-Đoàn phó Nguyễn Minh Thông từng là học trò cưng của NSND Hồ Mộ La ở Trường nghệ thuật Quân đội, sau đó là diễn viên múa của Đoàn văn công Quân giải phóng miền Nam và NSƯT - Đoàn phó Quang Phác vừa là một danh ca nổi tiếng, vừa là một giảng viên uy tín của Nhạc viện Hà Nội. Các thành viên của đơn vị, nhiều người là những ngôi sao ca múa nức tiếng một thời, như: NSƯT Quỳnh Liên, NSƯT Xuân Theo, NSƯT Lài Tâm… Trong số đó, nhiều người từng là những nghệ sĩ áo lính, như: NSƯT Thúy Mỵ, nhạc sĩ, ca sĩ Quang Đồng, diễn viên múa Minh Thư, diễn viên múa Kim Phụng… Bước qua giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”, chương trình ra mắt đầu tiên của Đoàn tại Nhà hát Hồng Hà được đông đảo khán giả Thủ đô đánh giá cao. Từ đó Đoàn liên tục nhận được những lời mời phục vụ nhiều sự kiện chính trị-xã hội ở Thủ đô và các địa phương. Đặc biệt, cuối năm 2004, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về người cao tuổi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đoàn vinh dự được mời biểu diễn phục vụ hội nghị. Chương trình được kết cấu với sự phong phú đậm đà bản sắc dân tộc Việt, thông qua giọng hát và phong cách trình bày của nghệ sĩ (NS) Minh Thông, NSƯT Quang Phác, NSƯT Thanh Hòa, độc tấu đàn đá của NSƯT Mai Liên. Ca khúc “Mẹ yêu con” qua giọng hát mượt mà, truyền cảm của NS Minh Thông đưa khán giả Việt cũng như khán giả quốc tế trở về với cội nguồn âm thanh ngọt ngào, thuần khiết và sâu lắng của tấm lòng tất cả những người mẹ trên trái đất này… Các ca khúc “Đất nước lời ru”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa” càng trở nên tươi mới… Các điệu múa đậm đà chất liệu dân gian như: “Nón Thái Tây Bắc”, “Chim công”, “Cô gái Việt Nam” mà các nữ nghệ sĩ tuổi ngoài 50 trình diễn, đã mang đến cho khán giả những cảm nhận mới mẻ về nét đẹp của nghệ thuật truyền thống và hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam. Kết thúc hội nghị, đại điện của tổ chức quốc tế trợ giúp người cao tuổi đã gửi một lá thư cho Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tỏ lòng ngưỡng mộ, tài năng và tinh thần vui tươi, lành mạnh của người cao tuổi Việt Nam, thể hiện qua chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc...
Sau các chương trình ấn tượng của Đoàn như: “Âm vang người cao tuổi”, “Trở về cội nguồn I”, “Trở về cội nguồn II”… là các chương trình gắn nghệ thuật với các hoạt động chính trị-xã hội như: “Áo ấm tặng người cao tuổi nghèo”, “Ước mơ tuổi vàng” (năm 2006-2007), “Hát về mẹ Việt Nam Anh hùng” (năm 2009), rồi “Hát về đất nước con người Việt Nam” (năm 2010). Chương trình “Tổ quốc và mẹ Việt Nam Anh hùng” ra mắt khán giả năm 2011 và được nâng cao trong những chuyến lưu diễn vào tháng 7 và tháng 10-2012, với cấu trúc các tác phẩm có nhiều đổi mới, đa dạng, sử dụng hợp lý, nhuần nhuyễn nội dung ca khúc với trang phục, vũ điệu… góp phần nâng cao hiệu quả thẩm mỹ của các tác phẩm nghệ thuật.
Về chiến trường xưa…
10 năm ra đời và hoạt động, Đoàn đã biểu diễn hàng trăm đêm trên các sân khấu lớn tại Hà Nội. Ngoài ra, đoàn còn có nhiều cuộc hành quân dã ngoại về biểu diễn phục vụ quân dân trên các chiến trường xưa. Tổng số quãng đường hành trình lưu diễn của Đoàn nghệ thuật 19 tháng 5 dài hơn sáu mươi nghìn cây số dọc theo đất nước và sang nước bạn Lào, thực hiện được gần 800 buổi biểu diễn. Trung bình mỗi năm Đoàn đi lưu diễn tỉnh xa từ hai đến ba đợt. Có chuyến đi dài cả tháng trời…
*
|
Bà con các bộ tộc Lào làm lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật 19-5. Ảnh: Sông La. |
Đến nay, Đoàn đã 4 lần được tỉnh Điện Biên mời lên biểu diễn phục vụ nhân dân, cán bộ, bộ đội địa phương nhân dịp những ngày lễ lớn. Khi lên Điện Biên, Đoàn tổ chức xây dựng chương trình phù hợp với đời sống văn hóa của các dân tộc Tây Bắc. Các nghệ sĩ hóa thân làm người lính pháo binh năm xưa với màn hát múa “Hò kéo pháo” do NSƯT Phó Anh Nghiêm dàn dựng. Màn hợp ca “Điện Biên Phủ-Bản anh hùng ca” của nhạc sĩ Thuận Yến làm tưng bừng không khí đêm diễn như đêm hội. Tốp hát nữ với bài “Con trâu sắt” của nhạc sĩ Trần Chương đã chinh phục khán giả đủ mọi thành phần. Điệu múa “Mùa hoa ban nở” được bộ đội và nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt bởi hình tượng mở đầu và kết thúc của điệu múa khiến người xem nhận ra hình ảnh tượng trưng cho bông hoa ban lớn xòe nở trước bình minh tự do sau ngày giải phóng Điện Biên...
Đoàn đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn ở Tây Nguyên. Lần về vùng núi cao tỉnh Đắc Nông, Chính quyền và Hội Người cao tuổi đã cử 25 thanh niên tình nguyện đi dìu đỡ 25 “cụ” nghệ sĩ về nhà khách, bởi họ chân tình nghĩ rằng các nghệ sĩ của Hội Người cao tuổi chắc là cũng già yếu… Không ngờ khi thấy các nghệ sĩ nhanh nhẹn bước xuống xe, quần áo là lượt như sắp vào lễ hội, sắc thái các lão nghệ sĩ đều hồng hào, tươi tắn. Thế là, 25 thanh niên tình nguyện “thất nghiệp”. Tại tỉnh Gia Lai, NS Quỳnh Liên 68 tuổi duyên dáng trong bộ trang phục váy áo dài mềm mại, thướt tha qua điệu múa “Sóng đàn Hà Nội”. Trong buổi gặp mặt sau đêm biểu diễn, ông Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi phát biểu: “Xem các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu mà chúng tôi cảm thấy như mình được trẻ lại cái tuổi thanh xuân vì chúng ta đều là lớp người cùng thế hệ…”. Rồi ông thốt lên: “Đoàn ta có mấy con chim đẹp quá, thật tuyệt vời!”. Đó là ông nói về điệu múa “Chim công” do tốp nữ múa biểu diễn. Chị Quỳnh Liên cũng là một “chim công” trong tốp những con chim xinh đẹp ấy…
Trong chuyến lưu diễn ở miền Trung về huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, chương trình đã kết thúc mà nhiều đồng bào vẫn khoác áo mưa chưa về, họ hy vọng Đoàn vẫn còn diễn tiếp nữa. Bà con dân tộc ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, ở cách huyện lỵ hơn 30 cây số nên rủ nhau tới gia đình người quen gần bến xe, thổi cơm ăn tập thể, rồi thuê một chuyến xe đưa đến địa điểm xem Đoàn biểu diễn...
Đoàn cũng đã 3 lần về với đất mũi Cà Mau, từng thực hiện những đêm biểu diễn đầu mùa đông dịu lạnh xứ Huế, nhiều lần về tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng biểu diễn phục vụ nhân dân vùng đất “trung dũng-Kiên cường”... Sau những đêm biểu diễn ở thành phố Tam Kỳ, Đoàn đã về phục vụ nhân dân huyện Điện Bàn, nơi có 1.300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Gần đây nhất là vào tháng 7-2012, Đoàn lại có chuyến lưu diễn một tháng phục vụ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ…
Trên đất nước Triệu Voi…
Tháng 10-2008, trong dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi, Đoàn Nghệ thuật 19-5 nhận lời mời của Bộ Lao động- Phúc lợi xã hội Lào, đã đưa một chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Truyền thống cách mạng Việt - Lào” sang thăm và biểu diễn tại Thủ đô Viêng Chăn và một số địa phương.
Trước khi lên đường, các nghệ sĩ múa rèn tập từng động tác múa Lào chuẩn xác, nhuần nhuyễn. Đội hát tổ chức tập luyện ngày đêm các bài dân ca Lào, bài hợp ca có nội dung về tình đoàn kết giữa hai dân tộc bằng hai thứ tiếng Việt-Lào. Tại sân khấu Nhà hát lớn Thủ đô Viêng Chăn đêm 4-10-2008, Đoàn đã biểu diễn chương trình nghệ thuật chủ đề “Truyền thống cách mạng Việt Nam-Lào” với quy mô hoành tráng. Biểu tượng hai lá cờ Việt-Lào nổi bật trên sân khấu luôn được khán giả cổ vũ bằng những tràng pháo tay kéo dài và tiếng hô “Xômxơi” (hoan hô) không dứt. Khi kết thúc chương trình, màn múa Lăm-vông diễn ra sôi động, niềm vui của các nghệ sĩ và khán giả cứ theo nhịp trống, giọng hát mà dâng đầy tâm hồn.
|
Trong chuyến lưu diễn phục vụ bầu cử Quốc hội năm 2011 tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. |
Dịp này, NSƯT Quang Phác được gặp lại 3 người học trò của mình cách đây 40 năm tại Nhạc viện Hà Nội. Các em lúc ấy mới tuổi lên chín, lên mười. Bây giờ Bua-ngân làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lào, em gái út Bua-phăn hiện là Đại biểu Quốc hội, giảng viên Trường Nghệ thuật Trung ương, Cục trưởng Bộ Lao động-Phúc lợi và Xã hội Lào. Còn Đuông-my-xay, hiện nay là nhạc sĩ, Cục phó Cục Biểu diễn nghệ thuật Bộ Văn hóa Lào. Những cuộc gặp gỡ và tới thăm nhà riêng của các học trò cũ khiến NSƯT Quang Phác hết sức tự hào, sung sướng…
Trong 10 ngày đoàn đã thực hiện 4 đêm biểu diễn nghệ thuật và tham gia các hoạt động hội đàm với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, gặp gỡ giao lưu văn nghệ với Câu lạc bộ đồng hương Xiêng Khoảng tại Viêng Chăn, tham gia các hoạt động “Đi bộ vì hòa bình” tại khu vực Khải Hoàn Môn do Nhà nước Lào tổ chức…
*
Ngoài các hoạt động nghệ thuật, Đoàn nghệ thuật 19 tháng 5 còn có nhiều hoạt động tham gia xây dựng và phát triển các hoạt động văn hóa trong cộng đồng; giúp đỡ phong trào văn nghệ người cao tuổi ở cơ sở… Đoàn đã được tặng hơn 40 Bằng khen của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các địa phương; được cờ thưởng “Đơn vị dẫn đầu khối thi đua Văn hóa - Báo chí năm 2011” của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Năm 2012, Đoàn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen…
( Nguồn: Báo Quân Đội Nhân dân)
- Sắc màu Đắk Lắk
- Nghệ sĩ Tạ Trí Hải: Vị “lữ khách” mê mải của âm nhạc đường phố
-
Về thăm
Trung ương Hội Người cao tuổi
- Thơ Nguyễn Xuân Trường
- Hội NCT phường Xuân An và phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tổ chức giao lưu văn hóa-thể dục dưỡng sinh
- Việt Nam - Hàn Quốc biểu diễn tác phẩm múa về Mỵ Châu và nỏ thần
- Hội thảo 'Tô Hoài – Một đời văn'
- Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
- 'Hai lúa' chế xuồng chạy pin mặt trời
- Mẹo dùng chanh đuổi gián, sạch bình trà, tẩy vết mực