Hà Nội với Trường Sa
Vừa rời tàu lớn xuống ca-nô, mới đi được một quãng biển, chúng tôi gặp mưa. “Mưa biển!” Tiếng ai đó reo lên, hân hoan. Mưa Trường Sa không giống mưa rừng ào ạt và dậm dọa, chẳng như mưa châu thổ trắng xóa mênh mông. Mưa Trường Sa bồn chồn như sóng. Mưa thương đảo và thương bộ đội, dồn tụ những giọt nước ngọt lành vào đủ thứ chum vại. Mưa gợi nhớ từ thời hồng hoang xa tít. Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời nam thương nhớ đất Thăng Long.
Cánh phóng viên báo chí lần đầu được ra Trường Sa, lại đúng vào mùa biển động, ai nấy đều thường trực trong lòng cảm giác chộn rộn khó tả. Trên chiếc ca-nô nhỏ nhoi giữa biển đang lướt nhanh vượt qua màn mưa tầm tã hướng mũi về đảo Đá Đông, bất chợt, giọng nữ biên tập viên Thúy Bình của Đài PT-TH Hà Nội, lảnh lót: Trải biết bao dâu bể/ vẫn sừng sững Trường Sa/ cùng tâm hồn Hà Nội/ ngàn năm không chịu già... Bài thơ tôi mới viết đêm qua khi đang chòng chành nằm đợi bão tan trên tàu HQ571 đã được chị thuộc làu. Người Hà Nội đang làm việc ở Thủ đô là thế, người Hà Nội đang giữ đảo cũng thế, lãng mạn và hào hoa.
Phải mất hàng giờ đi ca-nô, lặn ngụp giữa màn mưa biển choáng ngợp, chúng tôi mới cập đảo chìm Đá Đông. Những chiến sĩ trong sắc phục Hải quân, khoác trên lưng tấm áo mưa rằn-ri đứng đợi từ lúc nào. Một chiến sĩ vóc người cao lớn, vừa đưa tay vuốt nước mưa trên mặt, reo lên: “Dáng kiều thơm đến rồi các đồng chí ơi!”. Cứ thế, mưa mặc mưa, gió mặc gió, các chiến sĩ nắm chặt tay từng người kéo lên đảo, vừa hô hoán vừa nói cười rổn rảng.
Người nhắc đến “dáng kiều thơm” ấy chính là thượng úy Cấn Ngọc Sơn, sinh năm 1984, quê Phúc Thọ (Hà Nội). Hóa ra chàng trai của “xứ đoài mây trắng” làm sao không lãng mạn, làm sao không hào hoa cho được. Sơn tâm sự: “Em ra đây nhận nhiệm vụ hồi tháng 7-2011, đã ba năm đón Tết ngoài đảo khơi, nhớ nhà và nhớ người yêu lắm”. Người Hà Nội là thế, khiêm tốn, lịch thiệp nhưng cũng thành thực vô cùng. Sơn tâm sự: “Em tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân 1 (niên khóa 2004-2009), xung phong vào Cam Ranh – Khánh Hòa công tác, rồi ra đảo. Mỗi khi Tết đến xuân về, em nhớ nhất là không khí rộn ràng của ngày tất niên, nhớ phố phường Hà Nội những ngày cuối năm thì tấp nập, ồn ã, bù lại những ngày đầu xuân thì yên tĩnh và đằm thắm”.
“Quà Tết từ đất liền gửi ra rất nhiều thứ, đủ cả gạo nếp, lá dong, giò lụa,...” Tuy không nhắc nhiều đến khó khăn, nhưng chúng tôi hiểu cuộc sống ngoài đảo khơi đã nhiều vất vả, cuộc sống trên đảo chìm còn thiếu thốn đủ đường, nhất là thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh. “Em thích đá bóng và đá cầu lắm nhưng ra đây thì không thực hành được. Được cái bộ môn bơi lội và thưởng thức hải sản thì thỏa thích” – Sơn vui vẻ kể.
Những chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, đến từ hầu khắp mọi miền đất nước, mỗi vùng miền một đặc trưng, trong đó có cả một bộ phận không nhỏ những người con của Thủ đô. Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Lính Hà Nội giữa Trường Sa vừa chắc tay súng, song cũng rất yêu thơ và say nhạc. Nhưng giữa miền trời nước mênh mông này đâu chỉ có văn nghệ, người Hà Nội hôm nay ra Trường Sa còn mang theo cả những thành tựu khoa học – kỹ thuật, khiến bừng sáng một vùng biên hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Một bước tiến mới cũng trong lĩnh vực phát triển của công nghệ thông tin là hệ thống thiết bị khám chữa bệnh từ xa. Trong chuyến mang Tết ra Trường Sa Lớn năm ngoái là sự có mặt của đội ngũ kỹ thuật Công ty CP Điện tử Tin học Hóa chất (ELINCO) -Viện Khoa học Công nghệ quân sự, triển khai gói thầu “Cung cấp thiết bị, lắp đặt hệ thống Telemedicine cho đảo Trường Sa Lớn”, thuộc dự án “Chuẩn hoá quy trình khám chữa bệnh, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu y tế quân đội và hệ thống y học từ xa giữa các bệnh viện quân đội” do Tổng cục Hậu cần làm chủ đầu tư. Trung tá Lương Ngọc Duy (tổ trưởng tổ công tác kỹ thuật) cho biết: “Hành trình của tổ công tác khá vất vả, từ Hà Nội chúng tôi phải vận chuyển máy móc trên ô-tô vào Khánh Hòa. Vì toàn thiết bị hiện đại, công nghệ cao nên trên đường phải rất thận trọng. Lên đến Trường Sa Lớn, kiểm tra thiết bị thấy an toàn, anh em mới thở phào. Chúng tôi đã khẩn trương hoàn thành công việc trước Tết Nguyên đán, để mùa xuân này quân và dân trên đảo yên tâm đón Tết. Quyết tâm của anh em là chưa hoàn thành nhiệm vụ chưa về”.
Phát biểu tại lễ nghiệm thu, Thiếu tướng Đỗ Năng Tĩnh (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Trưởng ban quản lý dự án), cho biết: Thông qua các thiết bị y tế như máy soi, máy siêu âm, hình ảnh được truyền từ bệnh xá đảo Trường Sa Lớn về bệnh viện trong đất liền. Qua đó hội đồng bác sĩ của bệnh viện có thể chẩn đoán chính xác và chỉ đạo trực tiếp các phương án xử lý khám chữa bệnh cho các bệnh nhân ngoài đảo xa. Tuy giá trị kinh tế của gói thầu không lớn nhưng nội dung của nó có ý nghĩa chính trị to lớn và quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngoài hải đảo, góp phần động viên cán bộ chiến sĩ Trường Sa làm tốt nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Hy vọng, rồi đây dự án không chỉ được lắp đặt trên đảo Trường Sa Lớn mà còn có mặt ở nhiều điểm đảo khác, để Trường Sa ngày một gần hơn với Hà Nội, với đất liền.
Đảo Trường Sa Lớn hôm nay đã lên thị trấn – người dân nơi đây vẫn gọi là “Thủ đô của quần đảo”. Ra Trường Sa hôm nay, tận mắt chứng kiến sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, hệ thống điện gió bảo đảm nguồn năng lượng điện cho đảo, hệ thống thông tin liên lạc luôn bảo đảm thông suốt với đất liền. Giữa nhiều công trình xây dựng khang trang, nổi bật là Nhà khách Thủ Đô đẹp như một khách sạn hiện đại giữa lòng Hà Nội. Hỏi chuyện, chúng tôi được thượng tá Trịnh Văn Long, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn đảo Trường Sa Lớn, cho biết: “Nhà khách Thủ Đô là món quà quý giá của cán bộ và nhân dân Hà Nội trao tặng và cũng chính người Hà Nội cùng nhiều chiến sĩ mọi miền đất nước xây dựng lên công trình này.”
Góp phần làm nên văn hiến ngàn năm Thăng Long – Hà Nội hẳn không thể quên những nét đẹp của văn hóa Tết cổ truyền, mà hồn cốt là những chiều Ba mươi Tết. Trung tá Lý Hồng Duyên, quê ở huyện Quốc Oai (Hà Nội), hiện là Chính trị viên Cụm chiến đấu 1 đảo Trường Sa Lớn, tâm sự: “Nhớ lắm những ngày tất niên xưa, được theo mẹ đi chợ Tết, tất bật làm bánh chưng, thành kính sửa sang bàn thờ tổ tiên. Bây giờ đã có vợ con, những ngày áp Tết lại càng nhớ. Nhưng nhớ để mà làm tốt hơn nhiệm vụ của mình”. Bất giác, anh nắm tay tôi, vui vẻ: “Năm nào mùa xuân cũng đến sớm nhất cả nước từ phía đảo. Đất liền đã mang Tết ra đây rồi đó thôi. Trường Sa giờ gần lắm!”.
Sau buổi lễ trao tặng quà Tết cho chiến sĩ và nhân dân trên đảo được tổ chức vừa trang nghiêm vừa xúc động, giản dị mà ấm cúng, tất cả các lực lượng chiến sĩ lại mỗi người một việc. Ai gác vẫn gác, ai tuần tra vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ, những người khác khẩn trương chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Cũng gói bánh chưng, mổ lợn, giã giò, không khí Tết cổ truyền xa xưa lại hiện hữu thật sinh động. Trường Sa Lớn hôm nay vừa có dáng dấp một thị trấn hiện đại, vừa mang không khí làng quê. Bên cạnh những khu nhà văn hóa, trụ sở ủy ban là những mái ngói nhà dân đỏ thắm, là mái chùa cong vút đầu đao, là cây cối sum suê bóng mát. Cùng với nỗ lực của quân và dân trên đảo, đồng bào cả nước luôn sát cánh, trong đó có những người Hà Nội thường xuyên chia sẻ cả vật chất và tinh thần, để hải đảo biên cương bừng sáng.
Giờ chia tay, người ra nhận nhiệm vụ thay cho người về đất liền ăn Tết, nắm tay nhau thật chặt và không quên dặn dò. Trung úy Đặng Tuấn Hưng, quê ở Chương Mỹ (Hà Nội) ra thay quân cho người anh đồng hương là thiếu úy Đỗ Hữu Trung. Hưng vẫy tay chào còn dặn với: “Anh Trung về mạnh khỏe, Tết này nhớ sang thăm bố mẹ thay em. Nhớ anh nhé!” Nghe thế, cả người ở lại và người trở về thêm vững dạ.
Trên tàu hướng về đất liền, mặc cho cơn say sóng bắt đầu cồn lên, nhiều chiến sĩ cố nhoài qua ô cửa, trong những ánh mắt rưng rưng ấy có không ít người Hà Nội. Tôi vội mở trang facebook biên lên mấy dòng thơ...
Vượt qua trùng trùng gió
Cha Lạc Long băng khơi
đem gốc tre làng Gióng
ra giữ đảo canh trời
Vượt qua trùng trùng sóng
hồn Thăng Long linh thiêng
gieo hạt mầm giữa biển
cho cõi bờ vững thêm.
Bút ký của KHÚC HỒNG THIỆN
(Nhân Dân ĐT, 29/1/2014)
- Sắc màu Đắk Lắk
- Nghệ sĩ Tạ Trí Hải: Vị “lữ khách” mê mải của âm nhạc đường phố
-
Về thăm
Trung ương Hội Người cao tuổi
- Thơ Nguyễn Xuân Trường
- Hội NCT phường Xuân An và phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tổ chức giao lưu văn hóa-thể dục dưỡng sinh
- Việt Nam - Hàn Quốc biểu diễn tác phẩm múa về Mỵ Châu và nỏ thần
- Hội thảo 'Tô Hoài – Một đời văn'
- Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
- 'Hai lúa' chế xuồng chạy pin mặt trời
- Mẹo dùng chanh đuổi gián, sạch bình trà, tẩy vết mực