Kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống Công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020): Phát huy truyền thống, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận trong thời kỳ mới
90 năm qua, trong bất cứ tình hình và thời điểm nào của lịch sử cách mạng nước ta, công tác dân vận vẫn thường xuyên được đề cao, có tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác dân vận. Một trong những nội dung xuyên suốt trong tư tưởng vĩ đại của Người là vấn đề Dân vận. Người đã để lại cho chúng ta cả một kho tàng tinh tuý, quý báu, sâu sắc về nội dung, phương châm, phương pháp và những bài học kinh nghiệm quý, có giá trị trường tồn đối với mọi thời đại, đối với cách mạng và đối với công tác xây dựng Đảng, đó là vấn đề dân vận.
Người căn dặn: Mọi việc từ nhỏ đến lớn đều phải từ dân, vì dân, phục vụ dân; phải thu phục cho được lòng dân và yên dân. Người nói: “Có dân là có tất cả”, “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Bài báo Dân vận của Bác Hồ đăng trên số báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949 dưới bút danh X.Y.Z.
Trong tác phẩm Sửa lối làm việc. Người viết: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, bằng tình cảm, ý chí, trí tuệ, tâm huyết, sự gương mẫu và phong cách sống dân chủ, thanh bạch, giản dị của mình, Người đã thu phục được lòng dân, huy động tối đa trí tuệ, tiềm năng, sức người, sức của, tinh thần và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân cho sự nghiệp cách mạng nước nhà thắng lợi.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về Dân vận, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã chủ động và sáng tạo đề ra nhiều chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động thiết thực. Ngay sau khi thành lập Đảng (3/2/1930), Đảng ta đã thành lập các tổ chức: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Quân đội vận động.… Với tinh thần và mục đích cao cả của Đảng là: độc lập dân tộc, phát triển đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có một lợi ích nào khác.
Để thực hiện được mục tiêu của cách mạng, biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh cả tính mạng, tài sản để thực hiện “vô sản hoá”, sống “ba cùng”, bám dân, bám địa bàn; vận động, giác ngộ và huy động sức mạnh vật chất và tinh thần cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhằm ủng hộ Đảng, đi theo Đảng làm cách mạng. Các phong trào của quần chúng nổi dậy đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, dân quyền trong những năm 1930 – 1941; phong trào nổi dậy đấu tranh cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1945), Nhà nước kiểu mới, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á…
Công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ 1945 - 1954 đã đánh dấu bước phát triển mới trên nhiều phương diện khác nhau; phong phú về nội dung, hình thức; đa dạng về các loại hình, mô hình và phương thức, phương pháp làm công tác dân vận. Các phong trào vận động nhân dân tham gia: “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” được lan toả đến từng thôn, bản; hũ gạo kháng chiến được lan rộng khắp nơi, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, rào làng chiến đấu, tình nguyện tòng quân, tham gia thanh niên xung phong.… đã khơi dậy được tinh thần yêu nước của nhân dân hướng về các mặt trận, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, mở đầu cho sự kết thúc chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Bác Hồ thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1956). Ảnh: Tư liệu
Thời kỳ 1954 – 1975 là một giai đoạn lịch sử đặc biệt, ghi đậm những trang vàng vẻ vang sáng chói về truyền thống công tác dân vận của Đảng. Với tinh thần xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc góp phần đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, công tác dân vận ở miền Bắc đã bám sát chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện theo phương châm: bám ngõ, gõ từng nhà, vận động từng người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, như: Ba ngọn cờ hồng; thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang; tay cày, tay súng; thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; xe chưa qua nhà không tiếc; tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.…
Ở miền Nam, các phong trào đấu tranh đòi hoà bình, dân chủ; chống bình định, kìm kẹp càn quét, lập ấp chiến lược; đào hầm bí mật, bám trụ, xây dựng và cũng cố lực lượng, xây dựng hậu cứ, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng… đã được nhân dân hưởng ứng tích cực làm cơ sở vững chắc cho cách mạng giành thắng lợi khi thời cơ đến.
Trong gian khó, trong chiến tranh ác liệt, sự tận tuỵ, nhiệt tình và trách nhiệm cao của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã để lại hình ảnh ấn tượng và tình cảm nồng ấm, tốt đẹp, sâu sắc trong lòng mỗi người dân; tạo nên sự gắn bó, ngày càng thắt chặt hơn mối quan hệ giữa Đảng với dân và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Công tác dân vận của Đảng đã góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Công tác dân vận thời kỳ khôi phục hậu quả chiến tranh và đổi mới đất nước (1975 - 2020) có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào thi đua yêu nước được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, phát triển và đẩy mạnh khắp nơi, có hiệu quả thiết thực, như: Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn, ; lấp hố bom, cải tạo đồng ruộng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; xóa nhà tạm; thực hiện phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; chính sách hậu phương quân đội; “dạy tốt, học tốt”; các chương trình tình nguyện, hiến máu nhân đạo…
Những năm qua, các phong trào thi đua làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế, dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn, khởi nghiệp; tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, phong trào “Dân vận khéo” và nhiều chủ trương, chính sách mới, tác động trực tiếp đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi và người dân theo tín ngưỡng, tôn giáo… đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh dấu bước phát triển mới về công tác dân vận của Đảng, góp phần tạo nên tiềm lực, sức bật và sự phát triển mới của đất nước.
Những thành tựu của 90 năm truyền thống công tác dân vận của Đảng có sự đóng góp tích cực và sự hy sinh, cống hiến quên mình của lớp NCT Việt Nam. Chính những NCT hiện nay, là lớp người đã góp công, góp sức của mình vào công tác dân vận, trực tiếp tham gia các cuộc chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở; sống gương mẫu và động viên con cháu chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng mô hình gia đình văn hoá; thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan văn hoá tạo nên sức mạnh tổng hợp của công tác dân vận.
Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn còn nhiều hạn chế, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức chưa được đầy đủ; tinh thần, trách nhiệm, năng lực và nghệ thuật thực hành về công tác dân vận còn yếu. Không ít cán bộ, đảng viên; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, việc giải quyết đơn thư khiếu tại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của dân ở một số đơn vị, địa phương chưa được giải quyết dứt điểm, kịp thời. Không ít vụ việc tham nhũng, khiếu kiện đông người kéo dài và còn có “điểm nóng” xảy ra.… làm hạn chế sự phát triển của đất nước và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Lịch sử đã cho chúng ta những bài học lớn về công tác dân vận, đó là phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; mọi chủ trương, chính sách phải hợp lòng dân, vì lợi ích của nhân dân. Các tổ chức trong hệ thống chính trị phải vững mạnh; cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải gương mẫu, chí công vô tư; tăng cường đoàn kết, tạo sự đồng thuận, thường xuyên củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, sẽ góp phần tạo nên những thành quả mới của cách mạng.
Để phát huy truyền thống 90 năm công tác dân vận đáp ứng những yêu cầu của Đảng và đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, thiết nghĩ cần quan tâm thực hiện có hiệu quả các nội dung và giải pháp sâu đây:
1. Tiếp tục nêu cao trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, thường xuyên đẩy mạnh công tác dân vận trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đổi mới các chính sách, phát huy dân chủ, thực hiện công khai minh bạch; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng có hiệu quả; tập trung giải quyết đơn thư và các nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
2. Tiếp tục mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục tổng kết và tiến tới xây dựng và ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm huy động tâm tài, đức trí cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách dân vận của Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân và vì nhân dân phục vụ.
4. Đề cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp dân vận của Đảng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng vũ trang và những ngành thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân.
5. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân; tiếp tục hướng về cơ sở, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các loại hình cơ sở. Phát huy vai trò của NCT, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín đối với công tác dân vận trong thời kỳ mới.
6. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, tiếp tục đổi mới và ban hành những chủ trương, chính sách hợp lòng dân; thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức, bộ máy tham mưu và làm công tác dân vận có hiệu quả, thiết thực. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích và kiên quyết xử lý đối với những tổ chức, cá nhân xem thường và không thực hiện công tác dân vận.
Sự nghiệp dân vận là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, các chiến sỹ lực lượng vũ trang... Thường xuyên cũng cố, tăng cường đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự phát triển đất nước nhất định sẽ giành được những thắng lợi to lớn và bền vững.
- Giá trị thời đại Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vị trí, vai trò của người cao tuổi trong tư tưởng Hồ Chí Minh
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”
-
Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016)
Học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ để là người cầm bút chân chính
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về Người cao tuổi Việt Nam
- Công tác dân vận luôn là một nhiệm vụ quan trọng
- Ông Mai Đính học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- ‘Tuổi già nhưng chí không già’