Học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ để là người cầm bút chân chính
Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016)
Học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ để là người cầm bút chân chính
Bác Hồ với các phóng viên báo đài (Ảnh tư liệu)
Cách đây 91 năm, ngày 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy của báo chí Cách mạng Việt Nam đã sáng lập ra tờ Báo Thanh niên, Cơ quan ngôn luận của Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự dẫn dắt của Bác Hồ, báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng không ngừng phát triển phong phú, đa dạng, mạnh mẽ và vững chắc.
Có thể khẳng định rằng, hệ thống báo chí hiện nay lớn mạnh hơn bao giờ hết với 4 loại hình báo chí: báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Sự cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục với khối lượng nguồn tin khổng lồ về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao của Nhân dân. Trong những năm qua, đất nước đạt nhiều thành tựu nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Trong bối cảnh đó, báo chí đã góp phần rất lớn tạo sự đồng thuận xã hội, phản ánh kịp thời những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Việt Nam là một nước mà báo chí luôn được quan tâm, coi trọng. Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa XHCN ViệtNam (Điều 25) quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,.... Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của mình trên báo chí và để báo chí phát huy vai trò trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí hay hoạt động của nhà báo. Bằng chứng hiển nhiên là hầu hết các cơ quan, tổ chức xã hội ở trung ương và địa phương đều có báo hoặc tạp chí; trong đó có báo chí theo giới tính, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc, nghề nghiệp,... như các báo: Nhi đồng, Thiếu niên, Thanh niên, Người cao tuổi, Đại Đoàn kết, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Giác Ngộ, Công giáo và Dân tộc,... Hiện nay, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm, một hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình trung ương và địa phương, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp,...(Theo Tạp chí Nhân quyền số 5 năm 2015). Những số liệu biết nói đó cho ta thấy sự phát triển báo chí ở Việt Nam với tốc độ khá cao. Các cơ quan ngôn luận của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hay tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội,... trở thành diễn đàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân nói chung và đoàn viên, hội viên của tổ chức mình nói riêng. Báo chí Việt Nam thực sự đã có vai trò lớn trong định hướng dư luận, tuyên truyền, phổ biến; đồng thời còn thể hiện trách nhiệm qua hoạt động phản biện, góp ý về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp tiếng nói quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của Nhân dân. 91 năm hình thành và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đã có thời kỳ mọi người hưởng ứng đọc và làm theo báo; báo chí đã hướng cho người dân tin tưởng và đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn; cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Những người làm báo có thể tự hào về bề dày lịch sử của nghề làm báo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực.
Chúng ta hiểu rằng, nhân tố có vai trò quyết định đến sự tồn tại, phát triển của báo chí chính là người làm báo. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi những người làm báo càng phải coi trọng ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Học tập, kế thừa tư tưởng đạo đức Bác Hồ, noi theo tấm gương đạo đức của Bác để phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày và người làm báo phải thể hiện bằng chính ngòi bút của mình. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Bác chỉ rõ: “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí” và như Bác nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” (Bác nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962). Đó là khí phách báo chí cách mạng Việt Nam, là bản lĩnh người làm báo cách mạng Việt Nam.
Lúc sinh thời, Bác luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là suốt đời phấn đấu hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Bác dạy, phẩm chất đạo đức của người làm báo cách mạng phải tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Ngay từ khi hoạt động cách mạng, Bác đã sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén để cổ vũ và động viên phong trào cách mạng của Nhân dân ta. Bác đã nêu bài học đầu tiên cho người làm báo là phải có mối quan hệ mật thiết với quần chúng Nhân dân và phải lấy nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân làm nhiệm vụ chính của báo chí. Trường học làm báo của Bác là trường đời nên Bác luôn khuyên các nhà báo phải học trong xã hội, học ở nơi công tác, học trong thực tế, học ở quần chúng. Bác quan tâm đặc biệt đến tư cách người làm báo, khi cầm bút phải phản ánh trung thực, khách quan. Nếu báo chí thực hiện đúng theo lời dạy của Bác về quan điểm, phương pháp,… thì có thể hạn chế, ngăn ngừa, khắc phục được những khuyết điểm để có hướng đi đúng đắn và người cầm bút mới có tâm trong sử dụng ngòi bút.
Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, báo chí và nhà báo chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đang đứng trước những thách thức mới: Giữa cái thực và không thực, cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai,… Vì vậy, rất cần báo chí phải góp phần đấu tranh một cách trung thực, khách quan, công tâm, thực sự có trách nhiệm. Người cầm bút phải có bản lĩnh, dũng khí để vượt qua chính mình và với cái tâm, cái đức để vượt qua mọi sự cám dỗ đời thường, nhất là trong môi trường kinh tế hiện nay và điều đáng lưu tâm là để ngòi bút không bị “bẻ cong”. Thực tế cho thấy, bên cạnh các nhà báo tâm huyết, cũng xuất hiện một số ít nhà báo bị sa ngã, thoái hóa, làm tổn hại đến uy tín của giới báo chí Việt Nam. Do đó, việc mỗi nhà báo thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, học tập những quan điểm, tư tưởng đạo đức Bác Hồ là thiết thực góp phần trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và không ngừng tự hoàn thiện nhân cách của người làm báo.
Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, báo chí lại càng có tác động nhanh chóng và mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Một bài viết có thể định hướng tích cực về nhận thức, có tính giáo dục cao, giúp con người từ bỏ lỗi lầm trở thành người lương thiện, nhưng cũng có bài viết có thể làm cho con người suy giảm lòng tin vào đạo đức xã hội hay gây thiệt hại về tài chính như nông dân ở một số địa phương đã từng bị giảm thu nhập, thậm chí khốn đốn không tiêu thụ được sản phẩm mà phải “một nắng hai sương” mới có được vì thông tin về ăn quả vải thiều, bưởi da xanh,... mắc bệnh cách đây ít năm hay hàu Lăng Cô nuôi trên lốp xe gây ung thư, thịt này độc trái kia đầy thuốc và còn nhiều chuyện nữa. Mới đây nhất, ngày 4/5/2016, chương trình Cafe sáng được phát trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam đã phát một đoạn phóng sự “Cây chổi quét rau” là một sản phẩm dàn dựng với danh nghĩa “tuyên chiến với thực phẩm bẩn” nhưng lại vi phạm nghiêm trọng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ở một Đài Truyền hình lớn của nước ta, khiến nhiều người xôn xao và gây chấn động dư luận, làm người dân không bán được rau. Mặc dù như Báo Lao động số 109 ra ngày 13/5/2016 viết: Khi khán giả chuẩn bị đi ngủ thì VTV xin lỗi vì phóng viên dàn dựng phóng sự này và bị Bộ Thông tin và Truyền thông phạt 50 triệu đồng, nhưng hậu quả để lại không nhỏ. Vì vậy, theo tôi báo chí cần thể hiện đúng giá trị thực của mình theo tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật; hướng con người tới những giá trị cao quý của chân - thiện - mỹ để mọi người luôn sống hòa hợp, khoan dung, hướng thiện, lành làm, lánh dữ,… cùng nhau xây dựng một xã hội hòa hợp, nhân ái, tốt đẹp. Theo đó, nhà báo hay người cầm bút luôn phải có trách nhiệm với nghề nghiệp, với bài viết của mình cùng sự đam mê, nhìn nhận vấn đề khách quan, không tô hồng và cũng không được bôi đen, không vì lợi ích cá nhân hay vì những cái tầm thường, không trong sáng để làm mờ cái tâm của người làm báo;...
Trong bất cứ trường hợp nào, người làm báo cũng phải thể hiện rõ bản lĩnh, trách nhiệm trong đấu tranh với những hành vi phi đạo đức, phản văn hóa làm phương hại đến lợi ích của Nhân dân và dân tộc. Rất tiếc, một số bài báo với những dòng tít tưởng như cuốn hút độc giả nhưng trái lại đã làm cho người đọc khó chịu, coi thường tờ báo. Những dòng tít giật gân viết về những vụ đánh nhau, cướp giật, giết người, hiếp dâm hay ăn chơi sa đọa đến ghê người, được những người đi bán báo rong bật loa hết cỡ “quảng cáo” về những vụ án, thậm chí ly kỳ làm cho dư luận cảm thấy một xã hội xuống cấp về nhiều mặt, không thấy được những cái hay, cái đẹp của đất nước giàu truyền thống văn hóa, nhất là dễ làm cho một bộ phận độc giả trẻ tuổi không xác định được hướng đi do những tiêu cực xã hội tác động nên chỉ thấy “bức tranh” ảm đạm và đây là vấn đề cần suy nghĩ nghiêm túc. Bởi lẽ, những bài báo đó đã đầu độc con người qua cái xấu, cái ác xảy ra ở nơi này, nơi khác và chính nó sẽ ảnh hưởng đến cái thiện trong mỗi con người. Vì vậy, không nên “biến” những vụ việc xảy ra trong cuộc sống thường nhật thành sự kiện giật gân để “đáp ứng” thị hiếu của một bộ phận nhỏ độc giả nào đó, kích thích sự tò mò, hiếu kỳ mang tính chất thương mại hóa, hoàn toàn không có giá trị nhân văn, không phục vụ cuộc sống, không phù hợp với truyền thống văn hóa và nhất là không đúng với tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam và trái với những lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Học phương pháp làm báo của Bác và rèn luyện bản lĩnh, tố chất của người làm báo để phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân chính là thể hiện rõ ràng tinh thần “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.
- Kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống Công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020): Phát huy truyền thống, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận trong thời kỳ mới
- Giá trị thời đại Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vị trí, vai trò của người cao tuổi trong tư tưởng Hồ Chí Minh
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về Người cao tuổi Việt Nam
- Công tác dân vận luôn là một nhiệm vụ quan trọng
- Ông Mai Đính học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- ‘Tuổi già nhưng chí không già’