Mẹ liệt sĩ mù loà bệnh tật cần sự quan tâm, giúp đỡ
Gia đình mẹ liệt sĩ Vũ Thị Quỳnh 92 tuổi ở thôn Trúc Hiệp, xã Hiệp Hoà, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng sống trong căn nhà ba gian xiêu vẹo, cũ nát nép mình trong con đường nhỏ cuối xóm nghèo. Trước mắt chúng tôi là một bà cụ mù lòa, tay cầm chiếc gậy đang lần sờ xuống bậc hiên, đó là cụ Vũ Thị Quỳnh mẹ của liệt sĩ chống Mỹ Phạm Trung Hài.
Ngôi nhà cũ kĩ với những cột kèo mục ruỗng, mái ngói vỡ thủng được căng nhiều tấm ni lông chằng chịt như mạng nhện nhưng vẫn không che được những tia nắng xuyên qua hàng ngói đã vỡ. Thấy có khách đến, chị Phạm Thị Nam, cháu họ của cụ vội sang tiếp chúng tôi. Nhìn người cô mù loà, bệnh tật, chị Nam nói với chúng tôi, giọng đượm buồn: “Cuộc đời cụ trẻ đã khổ, giờ về già lại càng khổ hơn. Nhà không ra nhà, cửa không ra cửa. Nhiều lúc nhìn cụ lần sờ, dò dẫm một mình trong bóng tối, phận con cháu chúng tôi xót xa lắm nhưng chẳng biết làm sao khi các con cháu, ai cũng khó khăn”.
Lật giở trong chiếc hòm đã cũ, chị Nam lấy cho chúng tôi xem bọc đồ gồm huân huy chương, bảng gia đình vẻ vang, giấy báo tử người con trai của cụ Quỳnh. Nhìn những kỉ vật vô giá đó, chị Nam mắt rưng rưng lệ, cho biết: “Gia đình cụ Quỳnh được 5 người con, 2 trai, 3 gái, trong đó 2 người nhập ngũ, 1 người tham gia thanh niên xung phong. Chồng cụ là du kích chống Pháp của xã".
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, chị Phạm Thị Dung là chị cả trong gia đình hăng hái lên đường tham gia TNXP, đến năm 1968 nhập ngũ, vào đơn vị pháo cao xạ đóng quân ở sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Đơn vị phòng không của chị đã tham gia chiến đấu nhiều trận bảo vệ vùng trời Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai trong làn bom đạn ác liệt của máy bay Mỹ. Năm 1975 hoà bình lập lại chị ra quân và lấy chồng. Di chứng của chiến tranh ảnh hưởng đến sức khỏe khiến cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Noi gương người chị, sau khi học xong phổ thông trung học, tháng 1/1971, anh Phạm Trung Hài (sinh năm 1954) hăng hái viết đơn lên đường tòng quân đánh giặc. Anh được biên chế vào Sư đoàn 2, Quân khu 5 quân giải phóng miền Trung Trung bộ. Ngày 23/12/1973, trong một trận chiến đấu tại Quảng Bình, anh hi sinh khi vừa tròn 19 tuổi. Đến nay gia đình vẫn chưa biết phần mộ của anh Hài ở đâu.
Khi nhận được giấy báo tử người con trai Phạm Trung Hài, cụ Quỳnh như chết lặng trong nỗi đau, xót thương người con ra đi chưa kịp xây dựng hạnh phúc gia đình. Nén nỗi đau, cụ cùng chồng nuôi dạy các con, tiếp tục động viên người con trai thứ tư là Phạm Trung Hẳn (sinh năm 1960) lên đường góp công đánh giặc khi vừa tròn 19 tuổi.
Chiến tranh kết thúc, 3 người con của cụ tham gia bảo vệ đất nước, trong đó 1 gười hi sinh, 2 người thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Vì cuộc sống khốn khó, các con của cụ phải đi làm kinh tế ở nơi xa. Năm 2001, cụ ông qua đời để lại một mình cụ bà sống trong cô đơn, trống trải cùng cái nghèo bủa vây. Thương chồng, thương con và nỗi đau khôn nguôi khi chưa tìm được phần mộ của người con trai, cụ nhiều đêm khóc thầm và bị mù cách đây 15 năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trung Đông, Trưởng thôn Trúc Hiệp cho biết: “Trong các trường hợp gia đình có công với cách mạn tại địa phương thì cụ Quỳnh là người có hoàn cảnh khó khăn nhất. Bệnh tật hành hạ, các con lại khó khăn và đều ở xa không có điều kiện chăm lo cho cụ hằng ngày. Địa phương chúng tôi cũng không giúp gì được nhiều ngoài tặng quà, động viên và xác nhận hoàn cảnh chờ cấp trên giúp đỡ”.
Rất mong bạn đọc quan tâm giúp đỡ. Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Chương trình Ứớc mơ tuổi Vàng, Quỹ Chăm sóc người cao tuổi Việt Nam, 12 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại, Fax: 04.37347261; hoặc chuyển khoản: Chương trình “Ước mơ tuổi vàng”, số TK: 102010000794062 VND; 102020000095656 USD, Ngân hàng Công Thương Ba Đình - Hà Nội.
Thông tin về những NCT khó khăn, xin gửi về Báo Người cao tuổi 12 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 04.37334432; hoặc Ban Đối ngoại, TW Hội NCT Việt Nam 12 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 04.37341854.
- Một gia đình rất cần được giúp đỡ
- Cụ Chấm hoàn cảnh khó khăn nuôi con tâm thần
- Bà Hải tai biến nằm liệt giường
- Cảm ơn tấm lòng thơm thảo của ông Nguyễn Văn Hội
- Bà Tâm nghèo ốm bệnh tật cần được giúp đỡ
- Bà Phổ khó khăn nuôi con tâm thần
- "Bù đắp những năm tháng tuổi xuân vất vả"
- Cứu giúp ông Dẹ ốm nằm liệt giường
- Bố mẹ thần kinh nuôi con bằng rau dại
- Mẹ nghèo tàn tật nuôi hai con chạy thận nhân tạo