Nghĩa tình Lũng Cú
Đồn Biên phòng Lũng Cú quản lí trên 27km đường biên giới thuộc địa bàn hai xã Lũng Cú và Ma Lé (Đồng Văn, Hà Giang) với 26 cột mốc quốc gia (18 mốc chính, 8 mốc phụ) và 12,18km biên giới đường sông.
Do đặc điểm địa chất của khu cao nguyên Đá Đồng Văn, hai xã Lũng Cú và Ma Lé có núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, đường sá quanh co, khí hậu khắc nghiệt. 1.800 khẩu với trên 8.000 nhân khẩu thuộc 11 thành phần dân tộc trong đó 85% là bà con người Mông, 50% thuộc diện hộ đói nghèo… Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có các chủ trương đối sách đúng đắn, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trên biên giới, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động vi phạm chủ quyền biên giới quốc gia. Địa bàn phụ trách còn nhiều khó khăn, cán bộ chiến sĩ không quản ngày đêm, khí hậu khắc nghiệt, bám nắm địa bàn, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 2 xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tích cực tham gia Chương trình “Mái ấm biên cương”, xóa nhà tạm cho 13 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở xã. Đồn Biên phòng Lũng Cú triển khai các mô hình luân chuyển bò, dê; mô hình trồng cải dầu, mở đường liên thôn bản. Cũng như đồng bào ở khu vực núi cao, đồng bào dân tộc ở hai xã Ma Lé, Lũng Cú chủ yếu làm nương, rẫy. Một số khu vực trồng lúa nước nhưng không nhiều. Do địa hình nhiều đá, ít đất canh tác nên đồng bào trồng xen canh, tăng vụ. Trước đây đồng bào chỉ trồng một vụ ngô là chính, nay đã làm 2 – 3 vụ trong một năm.
Cột cờ quốc gia Lũng Cú. Ảnh Vĩnh Cát
Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm bản khu vực biên giới” luôn được đẩy mạnh. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn cử 2 hai cán bộ đảng viên có năng lực và uy tín xuống làm Phó Bí thư Đảng bộ hai xã; 13 đảng viên xuống sinh hoạt tại 13 chi bộ Đảng cùng bà con. Do đó, không chỉ cán bộ xã mà bà con các thôn bản đều biết ơn Bộ đội Biên phòng, đặc biệt là cán bộ tăng cường và các sĩ quan tham gia sinh hoạt với các Chi bộ. Bà con ở 2 xã Ma Lé, Lũng Cú, nhất là các già làng, trưởng bản luôn sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ biên cương, tạo “phên dậu” giữ gìn lãnh thổ quốc gia. Ngoài việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đồn Biên phòng Lũng Cú là bảo đảm sắc cờ đỏ tươi tung bay kiêu hãnh trên đỉnh Núi Rồng (cao 1.700m so với mực nước biển), nơi điểm cao nhô ra xa nhất của vùng biên cương, biểu tượng của sức mạnh, lòng tự hào, ý chí quật cường của dân tộc. Đại úy Bùi Trường Thọ tâm sự: “Khi đứng ở vùng đất địa đầu Tổ quốc, mới hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của việc làm cao cả, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất mẹ được cán bộ, chiến sĩ rất trân trọng. Bình quân chỉ 2 đến 3 ngày lại thay một lá cờ mới; gặp những đợt trời lặng gió lá cờ treo lâu nhất cũng chỉ được một tuần. Dù trong nắng sớm hay trong sương mù, lá cờ vẫn tung bay như ngọn lửa kiêu hãnh giữa bầu trời, khẳng định chủ quyền Tổ quốc”. Gặp chúng tôi dưới chân cột cờ Lũng Cú, ông Nguyễn Văn Nông, 65 tuổi đến từ tỉnh Bắc Kạn xúc động: “Trên vùng đất cực Bắc, hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng đáng tự hào, để khi ai đặt chân lên mảnh đất địa đầu đều thấy nghẹn lòng, yêu Tổ quốc hơn”.
Tuổi trẻ tự hào đứng dưới cờ Tổ quốc trên đỉnh Núi Rồng.
Ảnh Lê Hà
Cách cột cờ Lũng Cú 4 – 5km về phía Bắc, cột mốc 428 mới chính là cột mốc địa đầu cực Bắc, nơi dòng sông Nho Quế bắt đầu chảy vào Đất Việt. Cột mốc nhỏ nhưng phải mất đến hai năm mới xây dựng xong do địa hình hết sức hiểm trở, dưới là sông, trên là vách núi, chỉ có thể dựa vào sức người mới cõng được đá và xi-măng lên. Đường đến các mốc giới khó đi, Bộ đội Biên phòng phải cuốc bộ, luồn rừng, trèo đèo, lội suối… Những hôm nắng ráo, việc đi lại đỡ vất vả song vẫn mất cả buổi mới đến được cột mốc 218 ở Bản Tin (xã Ma Lé). Những hôm trời mưa thì gian khổ nhân lên bội phần, đường đất biến thành bùn nhão, ngập đến mắt cá chân, đi nửa bước một…
Thiên nhiên khắc nghiệt nơi đây không làm sờn lòng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và bà con, sự gian khó càng hun đúc sức sống mãnh liệt, khẳng định ý chí con người. Chia tay Đồn Biên phòng Lũng Cú, mang theo lời nhắn nhủ của đại úy Bùi Trường Thọ: “Hãy tin tưởng chúng tôi luôn nắm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”.
Rời Hà Giang mến yêu, mỗi chúng tôi dâng trào niềm tin yêu đất nước, lòng tự hào mãnh liệt. Giai điệu dịu dàng, da diết từ ra-đi-ô trên xe ô-tô dường như nói hộ tình cảm của chúng tôi: “Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/ Dịu dàng trong tiếng ru hời/ Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/ Trầm sâu trong tiếng đất trời/ Tôi nghe trong lời yêu thương… cháy lên trong tình yêu đất nước vô ngàn”.
Hà Phúc Anh, Báo Người cao tuổi, 22/1/2014.
- Sắc màu Đắk Lắk
- Nghệ sĩ Tạ Trí Hải: Vị “lữ khách” mê mải của âm nhạc đường phố
-
Về thăm
Trung ương Hội Người cao tuổi
- Thơ Nguyễn Xuân Trường
- Hội NCT phường Xuân An và phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tổ chức giao lưu văn hóa-thể dục dưỡng sinh
- Việt Nam - Hàn Quốc biểu diễn tác phẩm múa về Mỵ Châu và nỏ thần
- Hội thảo 'Tô Hoài – Một đời văn'
- Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
- 'Hai lúa' chế xuồng chạy pin mặt trời
- Mẹo dùng chanh đuổi gián, sạch bình trà, tẩy vết mực