Thi đàn người cao tuổi Giao Thủy - sân chơi bổ ích của người yêu thơ

Ngày đăng: 14/01/2014

Thi đàn người cao tuổi Giao Thủy, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, chính thức ra mắt và đi vào từ năm 2012. Thi đàn họạt động với phương châm: tự nguyện, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thi đàn cũng đề ra 3 nhiệm vụ chính: tạo sân chơi cho những người cao tuổi làm thơ và yêu thơ; thân ái đoàn kết giúp đỡ nhau nâng cao kiến thức và kỹ năng làm thơ, tổ chức giao lưu sinh hoạt; giúp các tác giả gửi thông điệp đến mọi người và thúc đẩy sáng tác.


Thi đàn NCT Giao Thủy tổ chức giao lưu trình diễn thơ
tại cụm Quất Lâm, thg 5/2013

Thi đàn người cao tuổi Giao Thủy tuy mới được thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm nhưng Thi đàn người cao tuổi đã phát triển rộng khắp các xã, thị trấn trong huyện. Với 5 chi hội và khoảng hơn 60 hội viên trong buổi đầu thành lập đến nay Thi đàn đã thu hút trên 300 hội viên và thành lập được 18 chi hội điều đó chứng tỏ sức lan tỏa và hấp dẫn của phong trào sáng tác và trình diễn thi ca đối với người cao tuổi. Thi đàn người cao tuổi Giao Thủy đã xuất bản 2 tập thơ: "Thơ Người cao tuổi huyện Giao Thủy"  tập I- Nhà xuất bản Văn học 2011 được in ấn và phát hành theo phương thức xã hội hóa, dày gần 400 trang với 154 tác giả và hơn 300 bài thơ được tuyển chọn và giới thiệu. "Thơ Người cao tuổi Giao Thủy" tập II- Nhà xuất bản Văn học tập hợp 89 tác giả, 319 bài thơ. cả 2 tập thơ được đông đảo bạn đọc đón nhận và khen ngợi...Ngoài ra Thi đàn Người cao tuổi Giao Thủy còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trình diễn thơ tại các cụm xã, thị trấn: Giao Phong, Bình Hòa, Hồng Thuận, thị trấn Quất Lâm...Mỗi kỳ giao lưu Thi đàn đều phát hành các tập san tập hợp các bài thơ hay, lời bình của thi hữu truyền tay nhau để trao đổi, học hỏi nâng cao kỹ năng sáng tác thơ ca.

Qua những hoạt động của Thi đàn, những người cao tuổi yêu thơ, các tác giả thơ, được xuất bản, trình bày, diễn tấu, quảng bá thơ của mình cho nhiều người cùng thưởng thức, bình luận, tôn vinh... Không như trước kia họ ngậm ngùi chép vào sổ tay, cất ngăn kéo hoặc chỉ đọc cho vài bạn tâm giao... Chỉ khiêm tốn vậy thôi, Thi đàn người cao tuổi Giao Thủy đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong đời sống văn nghệ huyện nhà: "Ấm lòng một khúc tình quê/Hương đồng gió nội tràn về sáng trong/Cầu kiều mấy nhịp tơ lòng…"

Đó là “tiếng thơ lòng” của các tác giả đại diện cho những người cao tuổi đang nghỉ hưu, sinh sống ở địa phương hoặc ở mọi miền của đất nước đang ngày đêm theo dõi bước đi của quê hương. Họ không phải là tác giả sống chuyên nghiệp bằng ngòi bút, nhưng ở họ có một tâm hồn thơ dào dạt, một tình quê nồng đượm, một lòng yêu cảnh trí, thiên nhiên, con người rất đỗi tha thiết mãnh liệt…mà không dễ dàng tìm thấy. Hồn thơ của họ mộc mạc, giản dị như hương bưởi đầu đình, chất phát như cây lá ngoài vườn. Họ cần cù chịu khó như con tằm nhả tơ vàng, như con ong xây tổ đựng mật ngọt cho đời…Những tâm hồn đồng điệu ấy tạo thành một sân chơi trí tuệ, một “Thi đàn người cao tuổi Giao Thủy” dưới sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền , các ban ngành đoàn thể các cấp và đông đảo người yêu thơ cùng bạn đọc xa gần:“Thi đàn cao tuổi tựa vườn hoa/Hội ngộ muôn nơi kết một nhà”.

 Thơ là những lời tâm giao, là “tiếng thơ lòng”, cầu kết nối muôn nhà, muôn người, là lời tâm sự san sẻ, đồng cảm… để động viên nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời. Làm thơ hướng về Đảng, về Bác Hồ, hướng về quê hương đang từng ngày, từng giờ khởi sắc và đổi mới. Làm thơ để hướng về cái "Chân – Thiện – Mỹ, để chau chuốt sang lọc tâm hồn mình cho ngày càng thánh thiện. Chính vì vậy giá trị nội dungg tư tưởng của các tác phẩm thơ người cao tuổi đều rất cao, sâu sắc, trong sáng, lành mạnh, giàu tính nhân văn. Giá trị nghệ thuật của thơ người cao tuổi cũng rất lớn: tính giáo dục, trí tuệ cũng rất phong phú, đa dạng. Tính nhận thức và thẩm mỹ ngày càng được thể hiện rõ.

(Nguồn: namdinh*gov*vn, 27/12/2013).