Về nguồn, tìm lại ý nghĩa thiêng liêng của nghệ thuật

Ngày đăng: 14/03/2014

Sáng 9/3/2014, tiếng quân nhạc vang lên hùng tráng trước sân ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Đó là nghi lễ của cuộc xuất quân rầm rộ và đầy xúc động của Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ, Đoàn ca múa nhạc quân đội lên Tây Bắc. 

Đồng chí Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư tặng hoa cho lãnh đạo đoàn
trong Lễ xuất quân Hành hương nghệ thuật về nguồn.

Một sự kiện chưa từng có trong đời sống văn nghệ những năm gần đây. Nếu như các chiến sĩ nghệ thuật quân đội đem theo những tiết mục tinh hoa nhất, được dàn dựng công phu từ nhiều ngày qua để biểu diễn phục vụ đồng bào các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, như một sự tri ân, thì các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ vừa hành hương về nguồn, vừa thực tế sáng tác, lấy lại cho mình những cảm hứng lớn từ nhân dân, từ Chiến thắng Điện Biên Phủ mà năm 2014 này, vừa tròn 60 năm. Điện Biên Phủ, một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, biểu tượng chói sáng về tinh thần vùng lên tự giải phóng của các dân tộc bị áp bức; đồng thời là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, một trận đánh kinh điển không thể không nhắc tới trong lịch sử chiến tranh thế giới, sống động, rạo rực trong cảm xúc của mỗi thành viên của đoàn.

Người cao tuổi nhất là nhạc sĩ Văn Ký, sinh năm 1928, có thể coi là người cùng thời, người đóng góp trực tiếp vào chiến thắng Điện Biên bằng những ca khúc Chiến thắng Hòa Bình (1950), Dân công lên đường (1953) nói: “60 năm là một thời gian dài, nhưng với tôi, nó như mới hôm qua. Đúng ra không phải hôm qua, mà đang là hôm nay. Ý nghĩa, sức mạnh của Điện Biên đã và đang giúp tôi sống trong niềm tự hào về dân tộc, về nhân dân và Đảng của mình. Trong chuyến đi này, tôi và nhạc sĩ Cát Vận sẽ viết chung một tác phẩm mang tên “Hành hương về Điện Biên”. Riêng tôi đã có phác thảo về một Điện Biên thần tiên trong hòa bình và đổi mới".

Tổ khúc hát múa của Nhà hát ca múa nhạc quân đội.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đi không chỉ với tư cách người lãnh đạo, mà còn với tư cách người sáng tác. Dừng chân ở Hòa Bình, dâng hương trước tượng Bác, thăm Nhà máy thủy điện, bâng khuâng trước con sông Đà, ông sôi nổi đàm đạo với các bạn văn về những miền sâu trong lòng đất, lòng người và văn chương nghệ thuật. Chan chứa tình thân và sự động viên, cổ vũ lẫn nhau giữa các cây bút.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Liên hiệp, Chủ tịch Hội Âm nhạc; nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Thao dường như đi theo hồn tác phẩm, đi theo bước trường chinh kháng chiến của người cha mình là nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Văn Cao. Gặp các chiến sĩ Điện Biên ở TP Hòa Bình trong buổi giao lưu nghệ thuật tại Nhà văn hóa trung tâm, anh vui như gặp được người thân, chú cháu, bác cháu trò chuyện không dứt. Còn Văn Thao, hát "rung râu" theo các diễn viên những Trường ca Sông Lô, Hò kéo pháo, Giải phóng Điện Biên.

Tôi hiểu rằng, tình cảm kháng chiến, tình cảm cách mạng và năng lượng lịch sử vẫn còn đó nồng nàn, sâu lắng.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, một người vốn điềm tĩnh, “chuyên nghiệp” trong việc đọc thơ, bình thơ trước ống kính, trước đông người, đã run run xúc động khi chia sẻ tâm trạng của mình trong bài thơ mới Hò dô ta, nào, từ hình ảnh người chiến sĩ kéo pháo Điện Biên đến liên tưởng về sự chắc tay, hết mình khi kéo tời lịch sử. Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, ra đời sau chiến thắng Điện Biên, vẫn bị cuốn hút bởi tiếng hò kéo pháo năm xưa.

         Có phải tiếng hò kéo pháo gọi tôi lên
         Hay ban trắng triền xuân còn đang đợi
         Nậm Rốm tím sương chiều chờ tôi đến
         Mường Thanh xanh líu ríu câu mời

         Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi
         Mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi
         Qua chót vót đỉnh rừng lòng đã suối
         Mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay

Anh nhìn mây. Mây trắng xứ Đoài, mây Tây tiến, mây mùa chiến dịch. Còn tôi gặp các lão binh, tóc trắng như mây, lòng Điện Biên vẫn thắm.

Bác Minh Tranh quê ở Huế, hiện trú tại phố Tân Thành, phường Tân Hòa, TP Hòa Bình rơm rớm: “Những ngày này, tôi càng nhớ, càng thương anh em đồng đội khôn nguôi. Tôi vào bộ đội năm 1949, rồi vinh dự được là chiến sĩ Điện Biên. Cảm xúc của tôi trong lúc này và là tình cảm suốt cả đời tôi, là biết ơn đồng bào Tây Bắc đã che chở chúng tôi trong chiến tranh, trong cả những ngày hòa bình. Nhờ thế mà tôi có thêm một quê hương. Trước kia thiệt là gian khổ hy sinh. Dân nghèo, nhà sàn heo hút… Bây giờ thì sướng quá rồi, có những cái hồi những năm 50, 60 không ai nghĩ được tới như phố xá, cầu đường, nhà máy, xe cộ, tiện nghi. Nhưng sướng nhất là hòa bình. Mong mỏi thiết tha nhất của tôi là đất nước ta mãi mãi được hòa bình,…”.

Bác Tranh ơi, cái điều mà bác vừa nói đó, phải từng trả bằng máu mới thấy được. Ta từng có Bạch Đằng, Đống Đa; có Điện Biên, có cả Điện Biên Phủ trên không khi đói ăn, thiếu súng. Lịch sử không chỉ cho ta niềm tự hào, mà ta còn phải tìm được bài học quý giá cho hôm nay…

Bài hát Xe thồ Điện Biên, sáng tác Chính Nghĩa.

Người lính già tuổi ngót chín mươi còn lo việc nước, còn nghĩ sáng thế kia, sao có lúc lòng ta bối rối?

Chợt nghĩ, không phải hành hương, không phải đi Tây Bắc để viết về Điện Biên, “phục vụ” liền cho kỷ niệm 60 năm. Đi để thấy tình dân, để thấm thía thêm cái thiêng liêng, cốt lõi của nghệ thuật, cái mục tiêu của ngòi bút.

Bài và ảnh: Nguyễn Sĩ Đại
(Nguồn: ND ĐT, 10/3/2014).