Xuân về vùng tái định cư Chiềng Sơn

Ngày đăng: 27/01/2014

Những ngày áp Tết Giáp Ngọ – 2014, trời còn rất lạnh, vẫn không cản được bước chân các thầy cô giáo Hội Giáo chức phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội ngược Quốc lộ 6 lên “Miền Tây vời vợi ngàn trùng”.


Buổi sáng Xuân tại làng mới định cư.

Đúng như thi sĩ Quang Dũng miêu tả trong thi phẩm “Tây Tiến” nổi tiếng “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Hai bên đường hoa đào, hoa ban bung nở. Xa xa thấp thoáng bóng nhà sàn ẩn hiện trong khói lam chiều như thực, như mơ: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Dừng chân trước thành phố trẻ Sơn La, tham quan Nhà máy Thủy điện Sơn La – “bản hùng ca Tây Bắc” làm mê mẩn trái tim “khách phương xa đến lạ lùng tìm xem”. Khi được nghe giới thiệu, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, hàng vạn hộ dân nằm trong vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La thuộc các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu (tỉnh Sơn La) đã phải hi sinh nhà cửa, ruộng vườn, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn gây dựng bao đời nay di chuyển đến nơi ở mới, bắt đầu một cuộc sống mới cực nhọc, đoàn “phát sinh” một ý tưởng mới, đi thăm một vùng tái định cư xem bà con dân tộc miền biên cương phía Tây Bắc Tổ quốc đón Xuân như thế nào.

Từ trung tâm thị trấn Mộc Châu, đi lên phía Bắc chừng 30 cây số, xe chạy trên con đường vào khu tái định cư được trải nhựa đang dần hoàn thiện, gặp đông đảo bà con mặc những bộ áo quần sặc sỡ đi sắm Tết trên chợ huyện trở về. Họ đi từng đoàn, bằng đủ mọi phương tiện xe máy, xe đạp, xe ngựa, ngựa thồ, cả đi bộ. Tất cả đều rất vui như đi trẩy hội vậy. Những chiếc cát-sét đeo bên hông các chàng trai rộn ràng phát ra những bản tình ca “Chiếc khăn Piêu”, “Bài ca trong hang đá”: “Bầu trời có sao chiều sao sớm/ Đầu núi kia chỉ có hai người”… phá đi cái yên tĩnh của một vùng sơn cước biên cương trong buổi chiều tà.

Chúng tôi đến bản Bó Ban, cùng với Nậm Dên, Lả Mường, Lắc Phương là những bản mới của xã Chiềng Sơn tập trung 147 hộ gia đình (1.044 khẩu) người dân tộc Thái đen, từ xã Mường Trai, huyện Mường La mới định cư về đây sinh sống. Con đường vào trung tâm xã đã được bê-tông hóa sạch đẹp. Hai bên đường những ngôi nhà sàn nguyên bản đưa từ nơi ở cũ về, trên nóc treo cờ Tổ quốc, cổng ngõ nhà nào cũng treo đèn kết hoa, trong vườn xanh mướt cây ăn quả như đào, mận, dứa… Nhà ai cũng có những vạt rau xanh như cải, cúc, húng mùi, ớt… Trong nhà các í (mẹ) địu con chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Trai bản đang cùng các anh công nhân thấm đẫm mồ hôi, vất vả trong cái lạnh của vùng cao, đang khẩn trương hoàn thành công đoạn rải nhựa cuối cùng con đường vào bản Chiềng Sơn, xa nhất xã, kịp khánh thành vào chiều 30 Tết.

Đoàn chúng tôi được bố trí tá túc tại ngôi nhà sàn truyền thống của Trưởng bản Bó Ban Cà Văn Phương, mới 25 tuổi, vừa có bằng kĩ sư tại chức khoa Nông – Lâm. Đêm mùa Đông ở miền núi thật lạnh. Chủ khách ngồi quây quần bên bếp lửa giữa nhà, chuyền tay nhau bát rượu ngô nhâm nhi với lạp xường làm bằng thịt trâu treo trên dàn bếp, xâu vào chiếc đũa tre tùy nghi tự nướng trên lò than đỏ rực, thơm lừng, vừa nhai vừa thổi, chấm với tương ớt cay xé lưỡi. Anh Phương hào hứng nói về kế hoạch phát triển kinh tế trong tương lai của khu tái định cư, nào là trồng giống ngô mới, trồng cây măng kinh tế, trồng lúa, trồng chè. Ông Trưởng bản trẻ tuổi nói: “Người Thái Mường Trai vốn sống gần sông suối, nên văn hóa cộng đồng của họ thường diễn ra gần sông suối. Hiện nay chuẩn bị đón tết, thanh niên dân bản chuẩn bị các trò chơi quen thuộc như trò chơi tó má lẹ, ném còn, các tiết mục văn nghệ hát bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc".

Một đoàn các bạn trẻ lao xao, tay cầm đuốc đến nhà Trưởng bản tập văn nghệ. Chúng tôi cùng họ quây lại “nối vòng tay lớn” hát vang bài ca “Kết đoàn”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Bài và ảnh Lê Sỹ Tứ