Kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015):Tiếp bước sự nghiệp làm báo của Bác Hồ

Ngày đăng: 19/06/2015

Bước sang năm 2015, lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 90 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tờ báo Thanh Niên vào một ngày không thể nào quên - ngày 21/6/1925. Gần một thế kỷ đã qua đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đóng vai trò to lớn trên mặt trận văn hoá tư tưởng, góp phần tích cực vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Đặc biệt qua 30 năm đổi mới, hệ thống báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vị trí của mình, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời đại. Báo chí đã tích cực tham gia vào việc tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phê phán các biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của nhân dân và các hiện tượng tiêu cực khác. Báo chí ngày càng được quần chúng tin yêu, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam
(Ảnh tư liệu)

 

 Đánh giá những thành tựu to lớn của báo chí, Văn kiện Hội nghị  lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khoá X) khẳng định: “Trong những năm qua, báo chí nước ta có sự phát triển mau chóng, mạnh mẽ trên nhiều mặt, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng định hướng chính trị, trở thành công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng, diễn đàn tin cậy của nhân dân. Thông tin trên báo chí ngày càng đa dạng, phong phú, nhanh nhạy, hấp dẫn”.                       

Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, đồng thời là người khai sinh, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, và như chính Người tự nhận "là một người có nhiều duyên nợ với báo chí", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Đảng, cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đối với Người, nhà cách mạng và nhà báo thống nhất và hòa quyện làm một. Người thường nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ".

Để ghi nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng ViệtNam, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) đã quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí cách mạng ViệtNam. Đây là sự tôn vinh sự nghiệp cao cả của đội ngũ những người làm báo, đồng thời cũng đòi hỏi ở báo chí và những người làm báo luôn luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, xứng đáng là vũ khí sắc bén, là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.

Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo những năm qua đã đem lại cho đất nước ta, nhân dân ta những đổi thay, phát triển kỳ diệu, trong đó báo chí đã đạt được những bước phát triển vượt bậc. Chưa bao giờ, báo chí cách mạng ViệtNamphát triển như hiện nay, cả về số lượng và chất lượng, về nội dung cũng như hình thức… Theo thống của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 26/12/2013, toàn quốc có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm, trong đó các cơ quan Trung ương có 86 báo, 507 tạp chí; địa phương có 113 báo, 132 tạp chí; có 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí.

Mạng lưới phát thanh, truyền hỡnh cú 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 03 đài phủ sóng mặt đất toàn quốc, gồm có Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương. Hiện tại, Việt Nam có 178 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá, gồm 103 kênh chương trình truyền hình, 75 kênh chương trình phát thanh. Nhiều chương trình phát thanh truyền hình quốc gia và một số chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá khác được phát sóng trên mạng Internet đến các khu vực và các nước trên thế giới phục vụ thông tin đối ngoại.

Báo chí và dư luận xã hội từ lâu đã trở thành kênh thông tin quan trọng, là tai mắt của Đảng và Nhà nước trước mọi vấn đề của đời sống xã hội. Xã hội phát triển, nhu cầu và nguồn thông tin phát triển phong phú, đa dạng càng đòi hỏi các cơ quan báo chí, những người làm báo phải xây dựng, tổ chức tốt, làm chủ được các nguồn thông tin và phương tiện thông tin, tuyên truyền một cách kiên định, khoa học và sáng tạo những định hướng của Đảng đối với sự phát triển xã hội, đất nước, sâu sát đời sống của nhân dân, thực hiện tốt vai trò làm cầu nối mật thiết về tư tưởng và thông tin giữa Đảng với dân.       

Trong suốt quãng đời hoạt động của mình, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo, với cả trăm bút danh. Các bài báo của Người đều mang đậm chữ Tâm. Người thường nói: "Kinh nghiệm viết của tôi là thế này: Khi viết một bài báo thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?. Người khẳng định: "Viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta…". "Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động…".

Để hoàn thành trách nhiệm lớn lao của báo chí trước lời dạy của Bác Hồ, trước Đảng và nhân dân, những người làm báo cần luôn rèn luyện về tư tưởng, đạo đức và lối sống, đấu tranh loại bỏ những quan niệm làm báo lệch lạc, chạy theo thị hiếu tầm thường; kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm quy ước đạo đức nghề nghiệp, phấn đấu để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan, tổ chức báo chí đều là những công dân, cán bộ, những tập thể gương mẫu. Những người làm báo phải là người sống có trách nhiệm trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hoá để góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết khi thực hiện tác phẩm của mình.

  Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và tiếp bước sự nghiệp làm báo của Bác Hồ, những người làm báo chân chính luôn ghi nhớ lời dạy của Người, luôn trau dồi đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp, tích cực học tập và rèn luyện để có trình độ chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo, có tấm lòng trong sáng, luôn đánh giá đúng sự thật và viết đúng sự thật, khách quan trong mọi vấn đề của đời sống xã hội, góp phần khơi dậy và vun đắp những giá trị văn hoá tinh thần cao đẹp, xứng đáng với sự mong mỏi, niềm tin yêu hết lòng của Bác, của Đảng và của nhân dân./.

 

               (Nguồn: Văn phòng TW Hội/NTM)